BS Trần Văn Phúc chỉ ra quan hệ NHÂN QUẢ - điểm mấu chốt trong vụ trọng án y tế ở Hòa Bình

BS. Trần Văn Phúc |

Vụ trọng án y tế 8 người chết khi chạy thận ở Hòa Bình tiếp tục là tâm điểm của dư luận. Để rộng đường dư luận, khách quan đa chiều, chúng tôi đăng tải bài viết thể hiện quan điểm của BS Trần Văn Phúc.

LTS: Vụ trọng án y tế 8 người chết khi chạy thận ở BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp tục là tâm điểm của dư luận nói chung, giới y bác sĩ nói riêng. Để rộng đường dư luận, đảm bảo khách quan đa chiều, chúng tôi đăng tải bài viết thể hiện quan điểm của BS Trần Văn Phúc dưới đây.

Nếu bị truy tố với tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, BS Lương có thể phải ngồi tù bao lâu?

Theo Điều 360, Khoản 3 của Bộ luật Hình sự 2015 về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, sẽ bị phạt tù từ 7 đến 12 năm.

Cộng đồng y khoa lại một lần nữa bức xúc vì quyết định này. Ngay cả khi các bác sĩ cố gắng xua tan nỗi nghi ngờ, thì giữa xung mạch đập của bệnh viện, từng nhân viên y tế vẫn cảm thấy rất đau lòng và cô đơn.

Đau lòng và cô đơn không phải vì lỗi của BS Lương, mà vì cộng đồng y khoa đang phải đối phó với nỗi buồn. Bởi tất cả những nhân viên y tế đang trực tiếp khám chữa bệnh, chính họ có thể sẽ là những "nạn nhân dự bị".

Sau khi xem xét kĩ tình tiết vụ án được các báo đăng tải, với 2 tội danh Vô ý làm chết người và Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; cá nhân tôi cho rằng, quyết định khởi tố Bs Lương là chưa thỏa đáng.

BS Trần Văn Phúc chỉ ra quan hệ NHÂN QUẢ - điểm mấu chốt trong vụ trọng án y tế ở Hòa Bình - Ảnh 1.

BS Trần Văn Phúc

Yếu tố khách quan

Tôi cho rằng, nút thắt trong quyết định truy tố BS Lương đó chính là yếu tố khách quan cấu thành tội phạm, mà không gì khác là phải phân tích đúng về mối quan hệ NHÂN – QUẢ. Phải chỉ ra được NGUYÊN NHÂN trực tiếp là gì và HẬU QUẢ của nguyên nhân ấy là gì?

NGUYÊN NHÂN trực tiếp gây nên HẬU QUẢ làm chết 8 bệnh nhân là do nước lọc thận có pH rất thấp, độ dẫn điện cao, hàm lượng Florua cao đến 260 lần so với mức cho phép. Đó là kết luận giám định của Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an.

BS Trần Văn Phúc chỉ ra quan hệ NHÂN QUẢ - điểm mấu chốt trong vụ trọng án y tế ở Hòa Bình - Ảnh 2.

Người chịu trách nhiệm để xảy ra sự việc tồn dư hóa chất trong nước lọc làm cho 8 bệnh nhân chết và 2 bệnh nhân nặng, đó phải là kĩ sư Bùi Mạnh Quốc trực tiếp sửa chữa, là cán bộ kĩ thuật Trần Văn Sơn có nhiệm vụ kiểm tra giám sát.

Quy chế Khám bệnh Chữa bệnh của BYT quy định BS Lương chỉ phải chịu trách nhiệm với y lệnh của mình, chứ không phải chịu trách nhiệm với chất lượng thiết bị, vật tư y tế, sinh dược phẩm được bệnh viện tiếp nhận với các giao dịch hợp pháp.

Cái sai của BS Lương là không chờ biên bản bàn giao thiết bị! Nhưng…

Cả bên sửa chữa cũng như bên giám sát đều thông báo đã hoàn thành công việc. Nên với một người bác sĩ chủ yếu tập trung vào chuyên môn, thì cái biên bản kia chỉ còn là tờ giấy để hoàn tất thủ tục hành chính.

Giả sử BS Lương có trong tay biên bản bàn giao thiết bị, nếu quá trình chạy thận vẫn diễn ra sau đó, chắc chắn bệnh nhân cũng sẽ chết. Điều này rất có ý nghĩa trong việc xác định yếu tố khách quan cấu thành tội phạm. Rõ ràng việc BS Lương ra y lệnh chạy thận khi chưa có biên bản, thì đó không phải là NGUYÊN NHÂN dẫn đến HẬU QUẢ làm 8 bệnh nhân phải chết.

Tờ biên bản bàn giao thiết bị có vai trò quan trọng là, giúp BS Lương đá được quả bóng trách nhiệm sang hẳn phía Bùi Mạnh Quốc và Trần Văn Sơn. Tờ biên bản ấy không làm thay đổi bản chất của vụ án.

Với 2 lý do vừa phân tích đã đủ đi đến kết luận, YẾU TỐ KHÁCH QUAN CẤU THÀNH TỘI PHẠM là theo tôi là chưa thỏa đáng với trường hợp của BS Hoàng Công Lương.

BS Trần Văn Phúc chỉ ra quan hệ NHÂN QUẢ - điểm mấu chốt trong vụ trọng án y tế ở Hòa Bình - Ảnh 3.

Bác sĩ Hoàng Công Lương vẫn đang làm việc bình thường tại Bệnh viện, anh vẫn không quên nhiệm vụ chữa bệnh cứu người dù có lệnh truy tố

Yếu tố chủ quan

Khi tiếp nhận thông tin hệ thống máy đã sửa xong, BS Lương đã vội vã đưa ra quyết định chạy thận mà không chờ biên bản bàn giao thiết bị, điều đó phản ánh thói quen bao lâu nay cán bộ y tế vẫn quen làm như vậy.

Bác sĩ chỉ được đào tạo để cứu người, không được phép hại người.

Bs Lương nhận được những lời khẳng định hệ thống đã sửa xong và chạy tốt, anh chỉ biết tin vào lời nói của những con người cụ thể, chứ bản thân BS Lương không được đào tạo để nhận biết chất lượng nước RO có gây nguy hiểm cho bệnh nhân hay không.

TÓM TẮT SỰ VIỆC

- Ngày 28/5/2017: Bùi Mạnh Quốc (Công ti TNHH xử lí nước Trâm Anh) thực hiện bảo dưỡng hệ thống máy chạy thận nhân tạo tại BVĐK Hòa Bình theo hợp đồng.

- Lúc 18 giờ 30 ngày 28/5/2017: Bùi Mạnh Quốc gọi điện cho Trần Văn Sơn (Cán bộ Phòng Vật tư, Trang thiết bị Y tế BVĐK Hòa Bình), nội dung thông báo đã sửa chữa và bảo dưỡng xong.

- Trần Văn Sơn không có mặt ở bệnh viện, nên gọi điện cho một điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực, thông báo hệ thống máy đã sửa chữa và bảo dưỡng xong, yêu cầu điều dưỡng khóa cửa phòng lại và cho biết sẽ kí biên bản bàn giao các thiết bị vào sáng hôm sau.

- Sáng 29/5/2017: Điều dưỡng khoa HSTC nhận được thông báo máy đã sửa xong, hoạt động bình thường và an toàn, nên cho khởi động. Tiếp đó, Bs Hoàng Công Lương ra y lệnh chạy thận nhân tạo.

Như vậy, tai biến 8 bệnh nhân tử vong nằm ngoài khả năng nhận thức, ngoài sụ hiểu biết, ngoài tiên lượng của Bs Lương. Tai biến không phải do BS Lương biết trước nhưng bác sĩ lại quá tự tin vào bản thân, cố ý thực hiện.

Động cơ và mục đích của việc ra quyết định nhanh chóng đưa bệnh nhân vào chạy thận nhân tạo đó chỉ nhằm giúp đỡ bệnh nhân, khắc phục quá tải công việc ở tại Khoa Hồi sức tích cực. Do đó Bs Lương không có động cơ và mục đích cá nhân nào khác.

Qua phân tích, rõ ràng YẾU TỐ CHỦ QUAN CẤU THÀNH TỘI PHẠM là chưa thỏa đáng trong trường hợp của Bs Hoàng Công Lương.

Luật hình sự đưa ra 4 yếu tố bắt buộc để cấu thành tội phạm:

- Khách thể của tội phạm

- Mặt khách quan của tội phạm

- Mặt chủ quan của tội phạm

- Chủ thể của hành vi tội phạm

Khi có 2 yếu tố (Mặt khách quan của tội phạm Mặt chủ quan của tội phạm) đều không thỏa mãn, thì theo logic 2 yếu tố còn lại là (Khách thể của tội phạm Chủ thể của hành vi tội phạm) sẽ trở nên vô nghĩa.

Như vậy, việc dựa vào hành vi BS Hoàng Công Lương chỉ định chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân khi chưa có biên bản bàn giao thiết bị, để từ đó suy luận thành tội Vô ý làm chết người và Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tôi cho rằng điều đó làm sai lệch hoàn toàn bản chất vụ việc, có thể gây ra oan sai.

Thực tế trong bệnh viện, BS Lương hay bất kì bác sĩ nào khác, họ chỉ có thể làm những điều gì tốt cho bệnh nhân, tai biến luôn nằm ngoài ý muốn của họ. Đó là sự an ủi khi Bs Lương thực hiện nghĩa vụ quen thuộc của người bác sĩ, bởi 8 cái chết là điều quá kinh khủng, nó sẽ ám ảnh không chỉ với BS Lương, mà với cả cộng đồng bác sĩ như một bài học đau đớn.

Xã hội, hay những người đang thực thi pháp luật, không khó để nhận ra những cảm xúc tinh tế mà mong manh của đội ngũ y bác sĩ, nó luôn đi cùng với nỗi mất mát của người bệnh. Chẳng khó để cơ quan chức năng nhân ra sự đau buồn đang lẩn quất nơi góc khuất của mỗi hành lang.

Đó chính là lý do để các nước trên thế giới trước khi đưa ra quyết định truy tố bác sĩ, cơ quan thực thi pháp luật luôn phải tham khảo ý kiến của các hiệp hội chuyên môn, phải quan tâm đến cảm xúc và dư luận của những người làm nghề y.

Bác sĩ Hoàng Công Lương hay cộng đồng y khoa chúng tôi sẽ không thể làm sống lại 8 bệnh nhân; và những lời xin lỗi sẽ không bao giờ là đủ. Nhưng bất kể thời khắc nào nhớ đến vụ việc, chúng tôi rất muốn được xin lỗi và gửi lời chia buồn tới gia đình của cả 8 bệnh nhân, mong nhận được sự chia sẻ cảm thông của xã hội.

Bản thân tôi đề nghị VKSND tỉnh Hòa Bình hủy bỏ quyết định truy tố BS Lương.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Xem thêm:

Tin bộ trưởng y tế xin tha cho bác sĩ Hoàng Công Lương là tin giả

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại