Thú chơi nguy hiểm
Tại Bệnh viện Việt Đức trong những ngày cận Tết cũng thường tiếp nhận những bệnh nhân tới cấp cứu do tai nạn pháo nổ. Gần đây nhất bệnh viện đã cấp cứu cho trường hợp người bệnh N.H.Đ.D (lớp 9), trú tại huyện Kim Thành, Hải Dương nhập viện trong tình trạng đa chấn thương do chế thuốc nổ.
Được biết, bé D đã xem cách chế thuốc nổ trên youtube, sau đó lên mạng tìm mua thuốc nổ tự chế KCl03, lưu huỳnh về làm theo. Trong quá trình nghiền thuốc đã bất ngờ phát nổ khiến cho D bị chấn thương nghiêm trọng. Bé D đã phải cắt mất cánh tay phải do tai nạn pháo nổ.
Mới đây, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí tiếp nhận trường hợp trẻ N.Đ.M (sinh năm 2007 trú tại Xã Hiệp Hòa, Thị xã Quảng Yên) vào cấp cứu trong tình trạng cả 2 mắt bị cháy lông mi, bỏng da mi độ I, bỏng kết giác mạc độ I do tự chế pháo nổ tại nhà.
Gia đình bệnh nhi cho biết, bé M xem video hướng dẫn làm pháo trên mạng và tự mua hóa chất về làm. Khi bé M trộn 2 hóa chất lưu huỳnh và KCLO3 với than hoa làm pháo nổ và đốt thử bằng bật lửa. Ngay lập tức ngọn lửa bùng lên, chất nổ bắn vào mặt khiến trẻ đau rát trán, cả 2 mắt rát kèm cộm, đau, mắt không mở được.
Bệnh nhi bị tổn thương mắt do tự chế pháo nổ.
Ths. Bs Đặng Thị Phương - Phó Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết, hàng năm vào dịp Tết thường có người bệnh bị tổn thương mắt phải nhập viện do sử dụng/tự chế pháo nổ.
Tai nạn do pháo nói chung và pháo nổ nổ tự chế nói riêng đều rất nguy hiểm, không chỉ gây bỏng do tỏa ra nhiệt lượng mà còn có sức công phá gây các vết thương nghiêm trọng.
Sơ cứu đúng khi gặp tai nạn pháo nổ
BSCKI Nguyễn Thị Diễm Hà – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho hay, đốt pháo là một "thú vui" nhưng tiềm ẩn tai nạn rất nguy hiểm. Tai nạn do pháo nổ là một trong số các tai nạn thường gặp trong dịp tết Nguyên Đán.
Thống kê của ngành y tế trong 6 ngày Tết Nguyên đán Kỷ hợi 2019 có 287 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Tai nạn do pháo nổ rất nguy hiểm bởi ngoài sức công phá gây ra các vết thương ở tất cả các vị trí trên cơ thể, pháo còn gây bỏng do tỏa ra nhiệt lượng lớn.
Ngoài ra, trong pháo có những hóa chất như: phốt pho, lưu huỳnh… nên việc người đốt sẽ tiếp xúc rất gần sẽ dễ bị các tổn thương nặng ở đầu mặt cổ, mắt, tay... Nếu bản thân hoặc người nhà bị tai nạn do pháo nổ trong dịp tết, bạn cần thực hiện cách bước sơ cứu sau đây:
Nếu nạn nhân bị bỏng vùng mắt hoặc dị vật vào mắt khi đốt pháo, nên rửa mắt bằng dòng nước sạch liên tục trong ít nhất 10 phút, chớp mắt để loại dị vật ra, không cố gắng lấy dị vật ra khỏi mắt sau đó băng mắt lại bằng gạc sạch.
Nếu bị chảy máu mắt, phải nhanh chóng băng mắt bằng gạc sạch. Trường hợp nạn nhân bị vết thương mạch máu cần băng ép cầm máu ngay.
2. Gãy tay, dập nát bàn tay
Cần cố định xương gãy và băng vết thương cẩn thận. Nếu bị bỏng da, làm mát vùng bỏng bằng cách tưới nước sạch liên tục trên 10 phút. Ngay sau khi thực hiện các bước sơ cứu trên, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
Bác sĩ Diễm Hà cảnh báo: "Tai nạn do cháy nổ rất nguy hiểm, trường hợp nặng có thể dẫn tới tử vong, vì vậy không nên buôn bán hay sử dụng pháo nổ để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình của mình, tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra".