Các bác sĩ kêu gọi ngừng sử dụng màng bọc thực phẩm trong lò vi sóng
Tháng 8, 2015, Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Anh đã đưa ra cảnh báo đặc biệt đối với người dân về mức độ nguy hiểm khi hâm nóng thức ăn được bọc bằng màng bọc thực phẩm trong lò vi sóng.
Các bà nội trợ có thói quen sử dụng màng bọc để bảo quản thức ăn, sau đó tiện thể cho vào lò vi sóng để hâm nóng nhằm bảo vệ món ăn khỏi bị khô. Nhưng họ không hề biết hành vi này lại vô cùng nguy hiểm.
Theo các chuyên gia sức khỏe, hóa chất độc hại nhất trong màng bọc thực phẩm là Bisphenol A (BPA), vốn được sử dụng rộng rãi trong sản xuất chất dẻo từ nhựa. Trong cơ thể, chất này gây ảnh hưởng tới hóc-môn estrogen ở nữ giới.
Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cũng đã phát hiện mối liên hệ giữa BPA với bệnh ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và quá trình dậy thì sớm bất thường.
"Tôi chỉ hâm nóng thức ăn đựng trong các sản phẩm được làm từ thủy tinh hoặc gốm. Mặc dù sử dụng màng bọc thực phẩm để bảo quản thức ăn đã nấu chín trong tủ lạnh nhưng tôi bao giờ cũng bỏ nó ra trước khi hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng".
Đó là ý kiến giáo sư Andrea Gore dược học tại Đại học Austin (Mỹ), người đã nghiên cứu những ảnh hưởng của hóa chất từ nhựa với chức năng sinh sản.
Còn trên trang web cá nhân, bác sỹ Joseph Mercola, thành viên Hiệp hội các bác sỹ và phẫu thuật gia Mỹ (AAPS) cũng kêu gọi mọi người nên từ bỏ các sản phẩm nhựa không an toàn và ông đã đưa ra một số gợi ý nhỏ, trong đó có việc không nên dùng màng bọc thực phẩm.
Những hiểm họa từ màng bọc thực phẩm không an toàn
Vào thập niên 1950, màng bọc từ nhựa ra đời để đóng gói sản phẩm trong ngành công nghiệp. Thế nhưng, trong nhiều thập kỷ qua, có rất nhiều nghiên cứu cảnh báo về mức độ độc hại màng bọc thực phẩm không an toàn với sức khỏe con người.
Nguyên nhân là từ chính các nguyên liệu "có mặt" trong màng bọc thực phẩm không an toàn, theo Livestrong.
Polyvinyl Chloride (PVC)
PVC được sử dụng rộng rãi trong sản xuất các thiết bị văn phòng và vật tư y tế, các sản phẩm ngoài trời, quần áo và làm bao bì cho các sản phẩm chăm sóc cá nhân.
Không những thế, PVC cũng được sử dụng trong các màng bọc thực phẩm, hộp nhựa, ống hút và túi đựng đồ.
Theo Viện Nông nghiệp và Trung tâm Sinh thái học, tiếp xúc với nhựa PVC có thể dễ bị dị tật bẩm sinh, bệnh ngoài da, ung thư và điếc, cũng như vấn đề về gan và lá lách.
Bisphenol A (BPA)
BPA cũng là một chất hóa học khác được sử dụng trong màng bọc thực phẩm, túi nhựa, hộp nhựa...
Theo Tổ chức vì Môi trường, trong chương trình thí nghiệm với động vật, chỉ cần một hàm lượng nhỏ BPA cũng có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, bao gồm dị tật bẩm sinh ở con đực và cơ quan sinh sản ở con cái.
Phthalates và DEHA
Một số màng bọc thực phẩm chứa các chất hóa học như Phthalates và DEHA. Khi gặp nhiệt độ cao, các chất này sẽ tan chảy và biến thành chất gây ung thư vô cùng nguy hiểm, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống hóc-môn của cơ thể con người.
Vì thế, hâm nóng thức ăn khi còn màng bọc thực phẩm trong lò vi sóng là một sai lầm cần phải loại bỏ ngay lập tức.
Cách sử dụng màng bọc an toàn nhất
Việc lựa chọn màng bọc thực phẩm và cách sử dụng đúng cách để bảo quản thực phẩm rất quan trọng trong bảo đảm an toàn thực phẩm.
- Tốt nhất, bạn nên mua màng bọc có thương hiệu đảm bảo uy tín, có giấy chứng nhận chất lượng của các cơ quan quản lý.
- Các nhà nghiên cứu đã chứng minh màng bọc chế tạo từ vật liệu PE an toàn vì ít chất phụ gia hơn từ vật liệu PVC. Cách phân biệt:
Màng PVC: Có màu trắng ngà/hoặc vàng nhạt và ít dai khi kéo dãn; sờ có cảm giác dính tay, khó tách các lớp màng bọc khi chúng tiếp xúc trực tiếp với nhau; khó cháy, chỉ cháy khi đốt trực tiếp bằng lửa và có mùi hắc.
Màng PE: Có màu trắng, trong suốt, dai khi kéo dãn; khi sờ và sản phẩm ít dính tay, dễ dàng tách các lớp màng bọc khi chúng tiếp xúc trực tiếp với nhau; dễ bị đốt cháy bằng lửa và cháy rất nhanh, không tắt và hầu như không tạo ra mùi khi cháy.
- Khi bảo quản đồ ăn cần bọc cách thực phẩm ít nhất là 2,5 cm.
- Bỏ màng bọc ra khi hâm nóng.
- Bảo quản màng bọc ở nhiệt độ phòng. Không dùng những màng bọc đã bị mốc, rúm, để quá lâu và tái sử dụng.
Màng bọc thực phẩm từ sữa: Một giải pháp không xa vời
Chúng ta không thể phủ nhận những ưu điểm của ngành công nghệ ẩm thực khi màng bọc thực phẩm trắng trong, tinh khiết và tiện lợi ra đời. Chúng giúp bọc thức ăn sạch sẽ, đẹp mắt và gọn nhẹ.
Không những thế, màng bọc ngăn thực phẩm tiếp xúc với không khí và tránh tình trạng bốc hơi nên giữ thực phẩm tươi lâu hơn và tránh được va đập. Màng bọc thực phẩm cũng có giá thành rẻ.
Do đó, không ngạc nhiên khi người dân có xu hướng tận dụng màng bọc thực phẩm một cách tối đa: Đóng gói đồ ăn nhanh, bảo quản đồ nấu chín…
Tuy nhiên, trước thực tế cho thấy việc sử dụng màng bọc để bảo quản thực phẩm là không tốt, thậm chí còn ảnh hưởng đến sức khỏe, các nhà nghiên cứu Mỹ cho ra đời loại màng bọc có nguồn gốc từ sữa, không chỉ giúp bảo quản thực phẩm hiệu quả mà còn ăn được.
Giáo sư Tomasula Peggy cùng cộng sự tại Bộ Nông nghiệp Mỹ sáng chế loại màng bọc thực phẩm thân thiện với môi trường sản xuất từ protein cazein có trong sữa.
Loại bao bì này nhìn giống như bao bì bằng nhựa nhưng có khả năng bảo vệ thực phẩm khỏi khí oxy vào thực phẩm tốt gấp 500 lần so với sản phẩm cùng loại làm từ nhựa.
Và tất nhiên, vì nguồn gốc từ sữa nên màng bọc này có thể phân hủy sinh học và hoàn toàn ăn được.
Trước đó, một số loại màng bọc ăn được đã có mặt trên thị trường nhưng chủ yếu làm từ tinh bột song nó tương đối xốp và không bảo vệ thực phẩm khỏi tác động của oxy một cách hiệu quả.
Các nhà nghiên cứu hy vọng màng bọc bằng protein sữa có thể có mặt trên thị trường trong vòng 2 năm tới.
* Tổng hợp từ nhiều nguồn