Thực tế cho thấy, chính con người đã vô tình tạo áp lực lớn lên cột sống khi họ duy trì một tư thế quá lâu, ít vận động thể dục thể thao và không có thời gian nghỉ ngơi phù hợp, chưa thực sự quan tâm đến sức khỏe.
Lưng đau mỏi, chân tay tê bì, đi khám phát hiện thoái hóa cột sống giai đoạn nặng
Bệnh nhân V.M.P (Hoàng Quốc Việt – Cầu Giấy – Hà Nội) chia sẻ: "Tôi làm nhân viên văn phòng, công việc thường ngồi bàn giấy và ít phải di chuyển. 4 tháng trở lại đây thấy trong người có những biểu hiện bất thường như lưng đau mỏi, người có cảm giác tức tối khó chịu, chân thì tê mỏi, các tư thế đứng nằm, đi lại vận động đều cảm thấy khó khăn, rất ảnh hưởng rất lớn tới sinh hoạt hằng ngày".
Song bệnh nhân vẫn chủ quan với sức khỏe, đến khi thấy nhiều biểu hiện liên tiếp và ngày càng trầm trọng lúc đó bệnh nhân mới đến gặp BS khoa phẫu thuật cột sống và được chẩn đoán trượt eo cột sống, đốt sống bị tổn thương khá lớn. Ngay lập tức, phương pháp phẫu thuật đã được áp dụng khắc phục tình trạng.
Hình ảnh cho thấy cột sống bình thường và cột sống bị thoái hóa
Bệnh nhân P nói: "Sau khi phẫu thuật xong tôi có thể ngồi bình thường chân tay không còn bị tê nhức khó chịu, cảm giác đã trở lại con người bình thường".
Chỉ hơn một giờ đồng hồ sau phẫu thuật cột sống, chị P. có thể đi lại bình thường nhẹ nhàng và sau khoảng hai tuần sau ca phẫu thuật, chị có thể xuất viện nếu không có thêm biểu hiện bất thường nào khác.
Bạn Vũ Hạ Anh (Sinh viên lớp Báo in K35 – Học viện Báo chí Tuyên Truyền) băn khoăn: "Bản thân em có sử dụng máy tính nhiều giờ/ngày, nhiều lúc ngồi học lâu em thường thấy xuất hiện các triệu chứng như đau nhức lưng, mỏi cổ mỏi gáy.Thậm chí có lúc mệt không thể sinh hoạt bình thường được…
Trọng lượng cơ thể của em khá nặng nên em cũng ít vận động thể dục thể thao. Em đang nghi ngờ không biết có phải mình mắc bệnh thoái hóa cột sống hay không?".
Có thể thấy, đây chính là một trong những yếu tố nguy cơ phổ biến gây ra thực trạng mắc thoái hóa cột sống chung ở người trẻ. Những thói quen xấu ảnh hưởng đến sức khỏe đang có xu hướng gia tăng trong xã hội hiện đại ngày nay.
Nếu như trước đây hầu như chỉ xuất hiện ở người cao tuổi, thì bây giờ ngay cả những bạn trẻ đang ở độ tuổi mười tám đôi mươi cũng có thể mắc phải (Sinh viên, nhân viên văn phòng công sở…).
PGS, TS. Nguyễn Lê Bảo Tiến, Viện trưởng Viện chấn thương chỉnh hình, BV Hữu Nghị Việt Đức cho hay: "Thực tế cho thấy độ tuổi mắc thoái hóa cột sống, và độ tuổi phẫu thuật thoái hóa cột sống ngày càng trẻ hóa, bên cạnh các bệnh phổ biến như biến dạng vẹo cột sống của thanh thiếu niên.
Ngày nay cũng xuất hiện nhiều hơn đối tượng người trẻ mắc thoát vị đĩa đệm, nó chính là kết quả của một quá trình thoái hóa sớm trong điều kiện chúng ta không biết giữ gìn cơ thể thì đĩa đệm sẽ bị thoái hóa dẫn đến chèn ép vào thần kinh".
Trước đây, thoái hóa cột sống thường xuất hiện ở độ tuổi trung niên trở đi như 35 – 40 tuổi, thế nhưng theo xu hướng hiện đại thoái hóa cột sống ngày càng trẻ hóa. Thậm chí xuất hiện ở lứa tuổi chưa đến 30.
PGS, TS. Nguyễn Lê Bảo Tiến, Viện trưởng Viện chấn thương chỉnh hình, BV Hữu Nghị Việt Đức
Yếu tố nguy cơ dẫn đến thoái hóa cột sống
Không khó để nhận thấy tỉ lệ bệnh nhân đến khám tại khoa chấn thương chỉnh hình và khoa phẫu thuật cột sống ngày càng gia tăng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, yếu tố dẫn đến thực trạng này chính là do thói quen sống thiếu lành mạnh, chế độ dinh dưỡng cơ bản chưa được quan tâm đúng mức.
PGS, TS Đinh Ngọc Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống, BV Hữu Nghị Việt Đức cho hay: Hiện nay người trẻ thoái hóa cột sống rất nhiều, song có vài yếu tố nguy cơ dẫn đến thực trạng này phải kể đến đó là:
- Có thể do cơ địa con người
- Do trọng lượng cơ thể con người quá lớn tác động trực tiếp lên trụ đỡ cơ thể là cột sống
- Một vài những yếu tố khách quan như bệnh lý nghề nghiệp lái xe, ngồi làm công nhân, những lao động phổ thông phải mang vác vật nặng làm cho cuộc sống phải chịu đựng áp lực hơn so với mức bình thường dẫn đến tình trạng thoái hóa nhanh hơn.
Người bị thoái hóa cuộc sống có những biểu hiện như sáng ngủ dậy nhìn thấy đau cổ vai hoặc váy, có khi cổ quay cũng đau, mức độ đau lan dần ra cánh tay và kèm theo tình trạng tệ nhất có thể kéo dài từ ngày này ngày khác trong thời gian dài.
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh
"Thực tế cho thấy vẫn còn nhiều người bệnh có tâm lý ỷ lại với sức khỏe, thấy đau mỏi cột sống thường xuyên nhưng cho rằng là biểu hiện bình thường nên lơ là, chủ quan.
Chỉ đến khi mất ngủ triền miên, không thể làm việc cũng như làm các sinh hoạt hằng ngày mới tìm gặp bác sĩ, khi đó bệnh đã biến chuyển phức tạp và gây khó khăn trong quá trình điều trị", BS Tiến nói.
Khi đến khám các cơ sở tây y uy tín, người bệnh cần khai đầy đủ các thông tin về triệu chứng sau đó sẽ được bác sĩ chuyên khoa thăm khám lâm sàng, có chỉ định chụp Xquang, chụp Cộng hưởng từ sau đó BS mới có thể đưa ra chuẩn đoán và hướng điều trị chính xác phù hợp.
Đối với các trường hợp thoái hóa cột sống phải can thiệp phẫu thuật, phương thức được ưu tiên nhằm bảo tồn cấu trúc vận động của cột sống đó là phương pháp dùng sóng cao tần, phẫu thuật bằng robot ít xâm lấn.
"Khi thoái hóa cột sống giai đoạn sớm, dù can thiệp bằng Tây y hay Đông y cũng đều cần bảo tồn cấu trúc cột sống, giúp cho nó trở về đúng chức năng làm trụ nâng đỡ cơ thể". BS Tiến nhấn mạnh.
Chuyên gia cũng cho biết thêm, tất cả mọi người phải chỉ động điều chỉnh chế độ sinh hoạt hợp lý. Đây được coi là một trong những cách để phòng chống thoái hóa cột sống thiết thực nhất.
Bên cạnh đó chúng ta có thể hoàn toàn áp dụng thực đơn sinh hoạt hằng ngày đầy đủ dinh dưỡng cơ bản giúp cung cấp canxi tự nhiên, cũng như kết hợp vitamin khoáng chất và nước để mức độ bảo vệ xương khớp khỏe mạnh và dẻo dai hơn.
Xem thêm:
Tác hại khi ngồi quá lâu