Theo Globocan 2018, tại Việt Nam có thêm 17.527 ca mắc mới và 15.065 người tử vong vì căn bệnh này. Ung thư dạ dày đứng thứ 3 trong các bệnh ung thư thường gặp.
TS.BS Võ Duy Long, Phó trưởng khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược, TP.HCM cho hay, ung thư dạ dày hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị có hiệu quả nếu phát hiện ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp bệnh nhân mắc ung thư dạ dày đều đến ở giai đoạn muộn khối u đã xâm lấn.
Điều đáng lưu ý là căn bệnh ung thư dạ dày tại Việt Nam đang có dấu hiệu trẻ hoá. Tỷ lệ mắc ung thư ở người trẻ dưới 40 tuổi đang ngày một tăng lên qua các năm gần đây.
Theo TS. Long ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm gần như không có triệu chứng. Trong quá trình thực tế khám cho bệnh nhân bác sĩ đã từng gặp một số bệnh nhân được chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn 3-4 nhưng không có triệu chứng. Bệnh nhân vẫn ăn ngon miệng, khi được thông báo kết quả ung thư ở giai đoạn muộn bệnh nhân đã rất bất ngờ.
Ung thư dạ dày ở giai đoạn muộn hơn, các triệu chứng có thể gồm: Đau trướng bụng, đặc biệt vùng trên rốn; Sút cân; Mệt mỏi, chán ăn hoặc cảm giác ậm ạch khó tiêu; Buồn nôn, nôn; Đi ngoài phân đen; Sờ thấy u ở bụng…
Ung thư dạ dày đang có xu hướng trẻ hoá.
Ung thư dạ dày chưa xác định rõ nguyên nhân, nhưng một số yếu tố nguy cơ liên quan tới ăn uống, thói quen sinh hoạt môi trường sống làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này:
- Về ăn uống người thường xuyên ăn thịt hun khói, thức ăn ngâm ủ muối, thức ăn nên men…
- Người sống trong môi trường ẩm thấp vệ sinh kém, ăn những thức ăn nhiễm hóa chất
- Người có thói quen thuốc lá, lạm dụng rượu
- Người mắc vi khuẩn HP. TS.Long lưu ý, không phải tất cả mọi người nhiễm HP đều bị ung thư. Chỉ một tỷ lệ nhỏ người nhiễm vi khuẩn độc lực cao mới có nguy cơ phát triển thành ung thư.
TS.Long khuyến cáo: "Khi tiếp xúc với các nhóm nguy cơ càng nhiều thì nguy cơ mắc ung thư dạ dày sẽ càng tăng lên. Do tế bào niêm mạc dạ dày bị tác động sẽ chuyển đổi từ tế bào lành sang tế bào ung thư".
ThS.BS Phí Thị Quang, Chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết thêm, trong một số nghiên cứu đã chỉ ra rõ một số nghề nghiệp có liên quan tới căn bệnh ung thư dạ dày. Các công việc phải tiếp xúc nhiều với hóa chất và phóng xạ hoặc làm việc trong các ngành cao su hoặc than.
Một người có yếu tố công việc như trên nếu kết hợp với ăn uống, môi trường sống sẽ khiến cho căn bệnh ung thư dạ dày "gõ cửa" sớm.
Ung thư dạ dày không có triệu chứng nhưng có thể tầm soát được thông qua nội soi đường tiêu hoá. Những đối tượng nên đi tầm soát ung thư dạ dày.
- Tuổi cao (> 40 tuổi) nên đi tầm soát ung thư dạ dày. Người có các yếu tố nguy cơ liên quan tới công việc, chế độ ăn, lối sống nên đi tầm soát sớm hơn. Người dân chú ý không nên đợi triệu chứng mới đi tầm soát khi đó ung thư có thể đã phát triển tới giai đoạn 3-4.
- Có người thân trong gia đình mắc ung thư dạ dày, ung thư đường tiêu hóa...
- Người bị viêm loét dạ dày – tá tràng mãn tính, nhiễm HP
- Người có các triệu chứng nghi ngờ ung thư dạ dày: đau bụng, ợ hơi, ợ chua kéo dài…
Đọc các bài viết tác giả Ngọc Minh để nắm bắt thông tin y tế, sức khỏe mới nhất.