Chưa có khuyến cáo cho học sinh nghỉ học
Trước những thắc mắc về vấn đề công bố tình trạng khẩn cấp của WHO (Tổ chức Y tế thế giới) PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay, đây không phải là lần đầu tiên WHO công bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh. Đây là lần công bố tình trạng khẩn cấp thứ 6.
Công bố của WHO không phải để nâng cấp mức độ nguy hiểm của dịch mà chỉ là kêu gọi các quốc gia chung tay vào phòng chống dịch bệnh.
Ông Phu cho biết thêm, hiện nay theo như khuyến cáo WHO, Việt Nam vẫn đang làm rất nhiều hoạt động đáp ứng vấn đề khẩn cấp phòng chống dịch như: chia sẻ thông tin, thành lập đội phản ứng nhanh, kêu gọi các cấp chính quyền tham gia...
"Trong tất cả các lần dịch bệnh trước đây, Việt Nam chưa từng công bố mức độ khẩn cấp. Bộ Y tế không giấu thông tin, minh bạch hoàn toàn", ông Phu cho hay.
Hiện tại, dịch bệnh virus corona đang diễn biến phức tạp nhưng mọi người cũng không nên quá lo lắng. Người dân hiện nay qua hoang mang là do chưa có đủ thông tin nên đổ xô đi mua khẩu trang, dung dịch sát khuẩn.
Theo ông Phu đeo khẩu trang phòng được rất nhiều bệnh liên quan tới virus, vi khuẩn, ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc dùng khẩu trang có hiệu quả không cũng phụ thuộc vào mức độ nguy cơ tiếp xúc. Khẩu trang nên dùng ở nơi nguy cơ cao, ví dụ: ở nơi công cộng, vào bệnh viện, nơi tập trung đông người…
Ông Phu chia sẻ về tình trạng dịch bệnh.
Các loại khẩu trang có thể dùng để ngăn ngừa virus như: khẩu trang y tế, trang vải.
"Người chăm sóc bệnh nhân, đi vào vùng dịch mới cần dùng N95. Người dân khi tiếp xúc ở nơi có nguy cơ cao có thể đeo khẩu trang y tế, khẩu trang vải. Tuy nhiên, khi dùng khẩu trang vải thì cần giặt hàng ngày", PGS. Phu nói.
Bộ Y tế nhận định, dịch virus corona hiện đang diễn biến phức tạp, một số vấn đề vẫn chưa rõ ràng như: thời gian ủ bệnh, người lành (khỏi bệnh) có khả năng lây tiếp hay không…
Do vậy, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên tới nơi đông người, không nên tụ tập họp mặt, họp hành, có thể thay bằng hình thức họp trực tuyến.
Ông Phu cho biết: "Chúng tôi chưa phát hiện ca bệnh mắc lây lan trong cộng đồng. Bộ Y tế chưa có khuyến cáo cho học sinh nghỉ học. Chúng ta vẫn đang đáp ứng với tình hình dịch một cách hợp lý".
Bộ Y tế cũng cho biết, sẽ nâng cấp đường dây nóng có sự tham gia chuyên gia của các bệnh viện để hỗ trợ trả lời những thắc mắc của người dân.
Xét nghiệm corona có làm được tại nhà hay không?
Theo các chuyên gia y tế hiện nay xét nghiệm virus corona vẫn chưa được thực hiện tại nhà. Khi nghi ngờ có bệnh thì phải tới cơ sở y tế để được xét nghiệm, theo dõi và cách ly.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục khám chữa bệnh cho biết thêm: "Chỉ xét nghiệm bệnh nhân khi có triệu chứng nghi ngờ và yếu tố nguy cơ đi từ vùng dịch. Đối với những trường hợp ho, sốt, mắc bệnh hô hấp thông thường không có yếu tố nguy cơ thì không nhất thiết xét nghiệm để tránh lãng phí tài nguyên".
Theo Bộ Y tế, hiện nay, các bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh sẽ cách ly nghiêm ngặt tại các cơ sở y tế. Bộ Y tế đã thành lập đội phản ứng nhanh để hỗ trợ sẵn sàng ứng phó với tình hình dịch.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề thuốc men, trang thiết bị đối phó khi dịch bùng phát, đại diện Cục quản lý Dược cho biết, hiện nay chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng virus corona. Việc điều trị hiện nay vẫn tập trung chủ yếu điều trị triệu chứng, phát hiện kịp thời tính trạng suy hô hấp, suy thận nếu có.
Nếu bệnh nhân sốt sẽ dùng thuốc hạ sốt, bệnh nhân rối loạn điện giải truyền dịch và bổ sung dinh dưỡng cho người bệnh, bệnh nhân viêm phổi sẽ điều trị thuốc viêm phổi, bệnh nhân mắc bệnh mãn tính sẽ dùng thêm các thuốc điều trị bệnh mãn tính…
Bộ Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng thuốc, không để thiếu thuốc khi có dịch. Người dân cần áp dụng theo các biện pháp của Bộ Y tế đã hướng dẫn.
Ông Nguyễn Tử Hiếu, Phó Cục trưởng Cục trang thiết bị - Công trình y tế, Bộ Y tế cho hay, hiện nay cả nước có 40 đơn vị sản xuất trạng thiết bị y tế. Bộ đã đốc thúc các đơn vị này đi vào sản xuất sớm (sau nghỉ Tết) để đảm bảo cung ứng đủ vật tư trang thiết bị y tế.