Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan
Chiều ngày 14/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ: "Khi tôi về nhận nhiệm vụ tại Bộ Y tế, Bộ đã mời Thủ tướng Chính phủ xuống thăm cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức để nắm bắt thực trạng của bệnh viện. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác do tôi làm tổ trưởng để giải quyết các vấn đề tồn đọng của 2 bệnh viện này.
Trong thời gian qua, tổ công tác đã rà soát tất cả các quy định của pháp luật, thực trạng việc triển khai các bệnh viện này, các gói thầu. Đến nay, cơ bản các nhiệm vụ để triển khai xây lắp đã đạt được mức độ rất cao, 80-90%".
Tuy nhiên, theo bà Lan trong quá trình triển khai thực hiện đang vướng mắc trong vấn đề thanh toán các dự án này.
"Hiện nay, một tổ công tác gồm các thành viên của Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ đã xây dựng phương án để báo cáo lên Chính phủ đề xuất các giải pháp làm sao nhanh chóng nhất đưa các bệnh viện này vào sử dụng", Bộ trưởng Lan cho biết.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, để 2 bệnh viện này đi vào hoạt động Bộ đã có phương án trình Chính phủ. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ tích cực tham mưu để triển khai nhiệm vụ này với quyết tâm cao nhất là làm thế nào để giải quyết những vướng mắc. Mục đích sớm hoàn thiện hai bệnh viện đưa vào phục vụ nhân dân.
Hiện các Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai sẵn sàng tiếp nhận các cơ sở này.
"Hiện nay phương án để giải quyết vấn đề đang được báo cáo các cấp có thẩm quyền để xử lý. Đây không phải là một việc dễ dàng, có những việc chúng ta chưa có quy định của pháp luật vì thế cần báo cáo cấp có thẩm quyền để giải quyết theo quy định", bà Lan chia sẻ.
Liên quan tới vấn đề thiếu vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) là một trong những điểm sáng của y tế Việt Nam. Chương trình tiêm chủng mở rộng đã được thực hiện từ rất lâu, triển khai đồng loạt và được người dân ủng hộ.
Tuy nhiên, do giá vắc xin tăng, ảnh hưởng của Covid-19 nên khó khăn trong ngân sách mua vắc xin của các địa phương. Ngân sách chi trả cho vắc xin trong chương trình mở rộng chuyển về chi thường xuyên của địa phương nên có những vướng mắc. Trong thời gian tới vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ được chi trả bằng ngân sách trung ương nên sẽ không còn tình trạng thiếu vắc xin.
"Không có hiện tượng Bộ Y tế đùn đẩy xuống địa phương. Căn bệnh sợ trách nhiệm lan từ Bộ Y tế xuống địa phương là không có", Bộ trưởng nói.
Để đảm bảo tiêm chủng mở rộng không bị gián đoạn Bộ Y tế đã liên hệ với các đối tác, với sự giúp đỡ của WHO, UNICEF, Việt Nam sẽ đủ số lượng vắc xin tiêm cho trẻ em.
Bệnh Covid-19 không còn được điều trị miễn phí
Tại buổi họp báo, Bộ Y tế cũng thông tin đang hoàn thiện các bước để chuyển Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B và công bố hết dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B, Covid-19 sẽ không còn được điều trị miễn phí, mà sẽ được thanh toán theo quy định của bảo hiểm y tế đối với người có tham gia bảo hiểm y tế.
Theo dự kiến trong tháng 6, khi Thủ tướng quyết định hết hiệu lực của quyết định 447 (quyết định công bố dịch Covid-19), Bộ Y tế sẽ ký quyết định chuyển Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B.
Bộ Y tế đã chuẩn bị cùng Bộ Tư pháp tham mưu Thủ tướng Chính phủ có quyết định về chuyển bệnh từ nhóm A sang nhóm B. Bộ cũng đang tiến hành chỉnh sửa các hướng dẫn chuyên môn về giám sát phòng chống dịch, chẩn đoán điều trị, phòng chống lây nhiễm Covid-19...
GS.TS Phan Trọng Lân
Cũng theo GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khi chuyển Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B, thì trách nhiệm của địa phương và mỗi người dân trong phòng chống dịch là rất lớn. Mục tiêu là kiểm soát hiệu quả bền vững bệnh Covid-19 cùng các bệnh truyền nhiễm khác trên địa bàn.
"Tuy nhiên, Covid-19 là vi rút có khả năng biến đổi thường xuyên nên trong thời gian tới, dù chuyển sang nhóm B vẫn cần đẩy mạnh giải trình tự gene.
Bên cạnh đó, trong kế hoạch kiểm soát bền vững có lồng ghép Covid-19 với các bệnh lây qua đường hô hấp như cúm, các hội chứng viêm phổi nặng do vi rút, tích hợp trên hệ thống giám sát cúm trọng điểm.
Khi bệnh có biến đổi bất thường, chúng ta có thể phát hiện nhanh chóng, nhất là khi có biến thể mới", ông Lân nói.