Nhắc đến những hình ảnh tuyên truyền tại Triều Tiên, thế giới thường nghĩ ngay đến các thông điệp quân sự như chống Mỹ. Thực tế, trong thời gian gần đây, hình ảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và tên lửa Triều Tiên thường xuyên được các họa sĩ nước này khai thác.
Tuy nhiên nhà nghiên cứu Katharina Zellweger, người từng sống và làm việc cho một cơ quan chính phủ Thụy Sĩ tại Bình Nhưỡng trong 5 năm lại phát hiện những khía cạnh đặc biệt khác trong những tấm áp phích cổ động của Triều Tiên.
Với bộ sưu tập công phu lên đến 100 hình ảnh, cô hy vọng mình có thể đem đến một góc nhìn mới mang tính nghệ thuật hơn về đất nước Triều Tiên khép kín và đầy bí ẩn.
Hình ảnh những công dân kiểu mẫu cùng nụ cười thường trực trên môi thường xuất hiện trên những tấm áp phích tuyên truyền về chủ đề nông nghiệp và khoa học. Ảnh: CNN
Bên cạnh lĩnh vực quốc phòng - an ninh, nông nghiệp và khoa học cũng là đề tài thường thấy trong những tấm áp phích cổ động của Triều Tiên. Hầu hết những hình ảnh trong bộ sưu tập của Zellweger là tranh cổ động nông nghiệp và khoa học, thay vì những hình ảnh quân sự thường được lưu truyền trên mạng.
Hình ảnh những công dân kiểu mẫu cùng nụ cười thường trực trên môi thường xuất hiện trên những tấm áp phích về chủ đề nông nghiệp và khoa học, nhằm khuyến khích tình thần đoàn kết và lao động hăng say của công dân Triều Tiên.
Hình ảnh người phụ nữ Triều Tiên
Nếu như nam giới Triều Tiên thường xuất hiện trong bộ quân phục trên những tấm áp phích tuyên truyền để hiện sức mạnh quân sự, thì phụ nữ là hình ảnh thường thấy trên những tấm áp phích cổ động phát triển nông nghiệp và công nghiệp.
Zellweger cho biết: "Hình ảnh người nông dân [trên áp phích] thường là những người phụ nữ đang tươi cười nhằm khuyến khích người dân thực hiện các chính sách nông nghiệp mới như chăn nuôi thỏ và tăng sản lượng bông."
Theo ông Florian Knothe, Giám đốc Bảo tàng và Triển lãm Nghệ thuật đại học tại Hồng Kông (UMAG), hình ảnh người phụ nũ thường được dùng để tuyên truyền những hoạt động liên quan đến lao động hoặc khoa học. Ảnh: CNN/UMAG.
Vai trò truyền đạt thông tin thiết yếu
Truyền đạt thông tin là công việc quan trọng đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Tại Triều Tiên, nơi truy cập internet bị hạn chế và chỉ có rất ít kênh truyền hình được cho phép phát sóng, áp phích tuyên truyền là một trong những công cụ đắc lực và hữu hiệu nhất để chính phủ phổ biến thông tin đến với đại chúng.
"Năm 2008, chính phủ Triều Tiên từng phát hành hành áp phích thông báo ngày điều tra nhân khẩu," Zellweger cho biết. "Theo đó, tất cả người dân đều hiểu rằng họ có nhiệm vụ ở nhà để gặp các nhà điều tra dân số."
Triều Tiên cũng phát hành nhiều áp phích tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và việc cấm hút thuốc, sau khi gia nhập Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ năm 2005. Theo WHO, Triều Tiên luôn nghiêm túc kỉ niệm ngày Thế giới Không Thuốc lá hàng năm.
Tấm áp phích kêu gọi người dân trồng cây, bảo vệ môi trường. Ảnh: CNN/UMAG.
Ghi lại sự phát triển của đất nước
Những tấm áp phích tuyên truyền của Triều Tiên còn có thể được sử dụng để phản ánh những thay đổi trong nội bộ đất nước như lãnh đạo Triều Tiên sử dụng áp phích để công bố các chính sách ưu tiên.
"Mọi người có thể thấy các chính sách của chính phủ Triều Tiên được truyền đạt đến người dân qua các năm trong những tấm áp phích" - ông Florian Knothe nói - "Chúng ta còn có thể thấy những thay đổi về xã hội, tăng trưởng kinh tế hay tiến bộ khoa học như việc điện khí hóa đất nước thông qua những hình ảnh này."
"[Chúng ta có thể thấy] những thay đổi tích cực về các giống cây trồng và phương thức canh tác tại Triều Tiên giúp cho việc sản xuất nông nghiệp ngày càng hiệu quả hơn," ông Knothe cho biết thêm.
Trong bộ sưu tập của Zellweger được trưng bày tại UMAG có một tấm áp phích xuất hiện hình chiếc kính hiển vi và một loạt các loại cây trồng với dòng chữ: "Cải tiến để tìm ra những hạt giống có năng suất cao của các giống cây trồng, để đảm bảo một vụ mùa bội thu".
"Thông điệp này tuy trực diện và đơn giản nhưng theo tôi đây là một ví dụ điển hình về những chính sách của chính phủ Triều Tiên giữa những năm 2000 nhằm tạo ra một cuộc cách mạng trong canh tác nông nghiệp", Knothe nhận định.
Tấm áp phích tuyên truyền điện khí hóa. Ảnh: CNN/UMAG.
Phản ánh dân trí của đất nước
Hầu hết những tấm áp phích tại Triều Tiên đều có những khẩu hiệu được in khổ lớn để mọi người dễ đọc.
Chính phủ Triều Tiên được cho khá chú trọng phổ cập giáo dục. Tại quốc gia này, việc học chữ là bắt buộc và miễn phí. Theo Zellweger, có thể tỉ lệ người dân Triều Tiên biết chữ không đạt con số 100% như các quan chức nước này từng tuyên bố nhưng ông tin là những tấm áp phích được thiết kế để tất cả người dân đều đọc được.
"Tôi chưa từng gặp một đứa trẻ hay người lớn nào tại Triều Tiên không biết đọc, biết viết, hay làm các phép toán đơn giản," Zellweger cho biết.
Tấm áp phích với khẩu hiệu: "Chơi con quay rất vui!". Ảnh: CNN/UMAG.
Cách thức thể hiện hầu như không thay đổi
Mặc dù nội dung áp phích thường xuyên thay đổi theo những bước phát triển của đất nước, nhưng cách thức thể thể hiện của các họa sĩ hầu như không thay đổi kể từ những năm 1950. Những họa sĩ Triều Tiên hiện nay vẫn tiếp tục sử dụng cách vẽ truyền thống để tiếp cận công chúng.
Theo ông Knothe, "điều thú vị trong những hình ảnh này là cách các họa sĩ sử dụng tiền cảnh và hậu cảnh. Họ có một kiểu bố cục được phân định rõ ràng. Ở phần tiền cảnh thường là nhân vật chính thể hiện thông điệp được tuyên truyền đến công chúng và kết nối với bối cảnh liên quan đến thông điệp đó."
Tấm áp phích khuyến khích các hoạt động thể thao. Ảnh: CNN/UMAG.
Nhiều tấm áp phích ngày nay vẫn được vẽ thủ công
Việc các họa sĩ Triều Tiên vẫn tiếp tục vẽ thủ công những tấm áp phích cho thấy quuy trình sản xuất của nước này hầu như không thay đổi trong nhiều thập kỉ qua.
Theo Zellwerger, quy trình vẽ áp phích thường bắt đầu bằng việc chính phủ công bố một chủ đề, "ví dụ như khuyến khích người dân nuôi thỏ. Sau đó các họa sĩ sẽ tham gia vẽ những tấm cổ động, tương tự như việc tham gia một cuộc thi. Cuối cùng, một hoặc hai tấm áp phích sẽ được chọn lựa và in ra hàng nghìn bản để phát hành toàn quốc."
Rất nhiều bức tranh cổ động được sản xuất tại Xưởng Nghệ thuật Mansudae, một cơ sở của nhà nước hội tụ 1000 nghệ sĩ tài năng nhất. Ngoài việc sản xuất áp phích, xưởng này còn sản xuất tranh, tượng gốm và các tác phẩm nghệ thuật khác với kinh phí nhà nước.
"Hãy tăng cường chăn nuôi động vật ăn cỏ!" Ảnh: CNN/UMAG.
Sắc màu chủ đạo
Những tấm áp phích tuyên truyền thường có hình ảnh hoặc dòng chữ có màu sáng và bắt mắt. Những màu sắc này đều mang ý nghĩa riêng và được lựa chọn cẩn thận để gây ấn tượng với công chúng.
"Các màu sắc biểu trưng truyền thống của Triều Tiên đều dựa trên 5 yếu tố: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ," Zellweger giải thích. "Và hầu hết các tấm áp phích đều sử dụng 5 màu cơ bản dựa trên những yếu tố này, gồm xanh, đỏ, vàng, trắng và đen."
"Tất cả những màu sắc này đều mang ý nghĩa riêng. Màu đỏ tượng trưng cho chủ nghĩa xã hội, cả lòng nhiệt thành đam mê. Màu xanh là hòa bình, hòa hợp và toàn vẹn, nên thường được sử dụng trong các tấm áp phích tuyên truyền giáo dục. Màu đen là hiện thân cho bóng tối và quỷ dữ, nên thường được dùng trong những tấm áp phích quân sự. Còn màu vàng thể hiện sự vinh quang và thịnh vượng," Zellweger cho biết.
Tấm áp phích kêu gọi "Hãy tăng gấp đôi sản lưọng!" sử dụng các màu cơ bản. Ảnh: CNN/UMAG.