Bộ Công Thương sẽ đề nghị không tăng kịch trần thuế môi trường xăng dầu

P.Nhung |

Nhận định Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua việc tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường, tức mỗi lít xăng sẽ tăng 1.000 đồng, song Bộ Công Thương vẫn đề nghị Chính phủ có lộ trình tăng cụ thể.

Ngày 9-7, tại Hội nghị sơ kết tình hình 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2018 của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết có khả năng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua việc tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường trong phiên họp từ ngày 11 đến 13-7 sắp tới đây.

Theo đó, mỗi lít xăng sẽ tăng thêm 1.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường kể từ ngày 1-10.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành công thương đánh giá ngoài mặt hàng điện thì xăng dầu là mặt hàng hết sức quan trọng, đầu vào của sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh doanh và tiêu dùng. Chính bởi vậy, thời gian qua, cơ quan điều hành giá liên tục phải sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giữ giá mặt hàng này.

Lo ngại việc tăng giá xăng dầu thông qua tăng thuế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống người dân, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: "Trong cuộc họp với ban chỉ đạo điều hành giá ngày mai, tôi sẽ đề nghị trong trường hợp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu thì Chính phủ không tăng ngay một lần mà cần có lộ trình hết sức cụ thể".

Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm của Bộ Công Thương cho thấy sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng 9,07%, đóng góp 48,9% tăng trưởng GDP.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 7% của cùng kỳ năm 2017. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng 12,7%, đóng góp 9,7 điểm % vào mức tăng chung.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng năm 2018 tiếp tục đà tăng trưởng là yếu tố tạo động lực vững chắc để đạt được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp (tăng trên 9%).

Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 113,93 tỉ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017, bằng 48% kế hoạch năm.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 33,1 tỉ USD, tăng 19,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 80,9 tỉ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ.

Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để mở rộng các thị trường xuất khẩu mới.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ tăng 9,2%; EU tăng 12,3%; Trung Quốc tăng 28%, Hàn Quốc tăng 31,8%, ASEAN tăng 17,4%...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại