Thuế xăng lên kỷ lục: Trả tiền bảo vệ môi trường để giá xăng tăng nhiều hơn giảm

Hoàng Linh - L.T |

Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường trong bối cảnh biến động giá xăng dầu tăng nhiều hơn giảm khiến nhiều người tiêu dùng quan ngại.

Trăm dâu đổ đầu tằm: Dân chịu gánh nặng thuế xăng dầu

Phương án điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu kịch trần lên 4.000 đồng/lít với xăng và 2.000 đồng/lít với dầu, mà Bộ Tài chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong ngày tới, đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Cùng với tình trạng giá xăng dầu liên tục điệp khúc "giảm ít, tăng nhiều", người tiêu dùng có phản ứng không đồng tình, cũng như quan ngại nhiều hệ lụy với đề xuất.

Anh Nguyễn Minh Chí (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ, khi thuế bảo vệ môi trường tăng sẽ kéo đến việc tăng giá xăng, tạo áp lực cho tài chính của người dân.

"Lương hàng tháng của tôi là 5 triệu đồng, trong khi đó chi phí xăng xe đi lại là 600.000 đồng/tháng. Nếu tăng thuế, khiến giá xăng tăng, buộc chúng tôi phải bớt xén các khoản chi tiêu khác để bù vào tiền xăng đi lại. Xe thì vẫn phải đi, xăng vẫn phải đổ, trăm dâu đổ đầu tằm, nếu hỏi ai chịu thiệt nhất thì vẫn là người tiêu dùng", anh Chí bày tỏ.

Thuế xăng lên kỷ lục: Trả tiền bảo vệ môi trường để giá xăng tăng nhiều hơn giảm - Ảnh 1.

Bộ Công Thương vẫn giữ nguyên đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên kịch trần.

Không giấu được sự lo lắng, anh Hoàng Văn Hậu (Chủ doanh nghiệp vận tải xe khách Phú Thọ) cho rằng, thuế xăng dầu tăng sẽ tác động ngay tức khắc đến các doanh nghiệp vận tải nhỏ, xăng dầu tăng giá với tỷ lệ bao nhiêu, doanh nghiệp có thể sẽ phải chịu thiệt hại tương ứng tỷ lệ đó, bởi việc điều chỉnh giá cước cũng không hề dễ dàng và lượng nhiên liệu sử dụng rất lớn.

"Một tháng điều chỉnh giá hai lần, có những tháng chỉ tăng mà không hề giảm. Giờ nếu tăng thuế môi trường nữa thì đúng là dân chịu một cổ hai tròng. Trong khi đó giá vé đi lại vẫn phải đảm bảo đúng quy định, nhất là dịp lễ tết", anh Hậu lo ngại.

Nhận chạy xe cho công ty du lịch theo hợp đồng "khoán" giá từ đầu năm, anh Hoàng Minh Thông (chủ một doanh nghiệp vận tải) lo lắng về việc tăng thuế môi trường, dẫn đến việc doanh nghiệp phải chấp nhận nhiều chi phí vận tải phát sinh trong thời gian tới.

Theo đề xuất của Bộ Công thương, mức tăng thuế bảo vệ môi trường đối với từng mặt hàng lần lượt là xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít; dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên 2.000 đồng/kg; dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít.

Nếu được thông qua, biểu thuế có thể được áp dụng từ tháng 10 tới, chậm hơn 3 tháng so với kế hoạch đề ra trước đó là tháng 7.

Điệp khúc tăng nhiều, giảm ít với xăng dầu

Từ đầu năm, sau 11 đợt điều hành, xăng E5 RON 92 có 5 lần giữ nguyên giá, 4 lần tăng giá và 2 lần giảm giá. Trong đó, đợt tăng giá cao thuộc về tháng 5, khi mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 500 đồng lên tối đa 19.940 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 600 đồng, lên 21.511 đồng/lít.

Trong tháng 4, Liên Bộ Tài chính – Công Thương có 2 lần điều chỉnh giá xăng dầu (vào ngày 7/4 và 23/4), đưa giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu tăng thêm từ 520 đồng đến 1.021 đồng/lít so với tháng 3.

Mặc dù có tới 5 lần giữ nguyên giá, nhưng nhiều trong số đó là giữ nguyên mức giá tăng của kỳ điều chỉnh trước. Thậm chí, trong tháng 5, giá xăng dầu có tới 2 đợt điều chỉnh tăng giá.

Đối với mặt hàng dầu, trong 4 tháng đầu năm, dầu diesel 0,05S có 3 lần giữ nguyên giá, 4 lần tăng giá và 1 lần giảm giá, dầu hỏa có 4 lần giữ nguyên giá và 4 lần tăng giá; dầu mazut 3,5S có 3 lần giữ nguyên giá, 4 lần tăng giá và 1 lần giảm giá.

Số liệu của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho thấy, so với thời điểm cuối năm 2017, giá bán lẻ tối đa các mặt hàng xăng dầu trong nước đã tăng từ 7,5-17,9%. Cùng một số yếu tố như giá thực phẩm, điện, nước lũy tiến tăng khi nhu cầu tiêu dùng tăng vào thời điểm nắng nóng, giá xăng dầu tăng đã làm gia tăng sức ép lên mặt bằng giá. Riêng nhóm giao thông tăng 5,68% do mặt bằng giá xăng dầu tăng cao.

Chính vì vậy, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam kiến nghị chưa áp thuế môi trường kịch trần với xăng, để hạn chế áp lực tăng giá xăng dầu.

Ông và nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nhằm giảm áp lực về lạm phát, việc điều chỉnh biểu thuế cần tránh tháng 9, thời điểm nhóm giá cả dịch vụ giáo dục thường sẽ có biến động nhân dịp năm học mới. Ngoài ra, các nhân tố tác động đến yếu tố giá cần được chú ý như giá gạo tăng do nhu cầu xuất khẩu gạo tăng; giá thịt lợn có xu hướng hồi phục và hiện đang ở mức cao so với năm trước; giá gas liên tục tăng trong 2 tháng gần đây theo diễn biến giá thế giới, để kiểm soát lạm phát ở mức 4% như Quốc hội đề ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại