Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương ngày 1/10, khoa Cấp cứu đã tiếp nhận bệnh nhân T.Q.N (57 tuổi, Thái Bình) được chuyển từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình lên trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn nặng.
Người nhà bệnh nhân cho biết sau 4 ngày ăn tiết canh lợn, ông N. đột ngột sốt cao, đi ngoài phân lỏng. Gia đình đưa ông vào bệnh viện tỉnh khám, sau đó chuyển viện ngay vì xuất hiện sốc.
Sau khi làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng huyết có sốc nhiễm trùng do liên cầu lợn. Hiện bệnh nhân đang phải hồi sức tích cực do suy đa tạng.
Tại Bệnh viện Nhiệt đới trung ương, trường hợp của ông V.V.D (52 tuổi, Ninh Bình) cũng vừa được chuyển đến Bệnh viện cấp cứu do hôn mê sau 3 ngày ăn tiết canh với các biểu hiện lâm sàng rõ của liên cầu lợn.
Bác sĩ Cấp cho biết, vi khuẩn liên cầu có thể tồn tại cả trong lợn bệnh và lợn lành mang bệnh. Người dân dù biết ăn tiết canh có khả năng mắc bệnh nhưng họ vẫn cứ ăn vì nghĩ lợn nhà an toàn.
Bệnh liên cầu lợn gồm 3 thể: Nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mắc mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ đầu đã nặng.
Thông thường với viêm não, bệnh nhân thường phải nằm viện điều trị ít nhất 3 tuần. Với nhiễm khuẩn huyết có những bệnh nhân phải điều trị đến 2 tháng, với chi phí hàng trăm triệu đồng. Nếu chữa khỏi, 40% sẽ để lại di chứng giảm thính lực, 20% điếc vĩnh viễn.
Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Liên cầu lợn không tạo ra miễn dịch vĩnh viễn, những trường hợp mắc rồi vẫn có thể mắc lại.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thống kê hàng năm trên cả nước vẫn xuất hiện các ca mắc liên cầu lợn. Bệnh chủ yếu là ổ chứa vi khuẩn này là lợn nhà, một số ít lợn rừng và thời gian ủ bệnh ngắn từ vài giờ đến 3, 4 ngày.
Khi mắc liên cầu lợn, bệnh nhân thường có các biểu hiện lâm sàng trên bệnh cảnh viêm màng não: Sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác… xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể.
Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hoá: sốt, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run... trước khi có biểu hiệu của viêm màng não.
Trường hợp nặng: Sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng... hôn mê và tử vong.
Để chủ động phòng chống bệnh liên cầu lợn ở người, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín.
2. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
3. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
4. Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.
5. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.