Biến tên lửa hành trình Tomahawk thành "To mà ngốc": Có giải pháp hoàn hảo cho nước nghèo

Tâm Minh |

Nói đến tên lửa hành trình, ai cũng nghĩ ngay đến RGM-109 Tomahawk. Thật vậy, nó là nỗi ám ảnh của không biết bao nhiêu quốc gia trước đòn tấn công phủ đầu lặng lẽ, bất ngờ ấy.

RGM-109 Tomahawk là tên lửa hành trình (TLHT) đi vào thực chiến rất sớm, từ năm 1991 tại Iraq và nhanh chóng trở thành nỗi ám ảnh của không biết bao nhiêu quốc gia trước đòn tấn công phủ đầu lặng lẽ, bất ngờ. Nó gần như là TLHT được biết đến nhiều nhất.

Vậy một hệ thống đánh phi tiếp xúc với tầm bắn đến hàng nghìn km như Tomahawk triển khai như thế nào? Liệu có cách nào khắc chế miếng đánh này không? Đâu là điểm mấu chốt để có thể vô hiệu hoá các miếng đánh như thế?

Quy trình để khai hoả một đạn hành trình như sau: trinh sát không ảnh mục tiêu – nạp không ảnh mục tiêu mã hoá và toạ độ mục tiêu vào bộ nhớ đạn – khai hoả đạn tự hành – đạn tự nhận diện mục tiêu bằng so khớp ảnh đã nạp – tự động công kích mục tiêu.

Như vậy, nếu cản trở được một hay một số công đoạn trên quy trình trên thì sẽ vô hiệu hoá được đòn tấn công.

Cản trở trinh sát không ảnh, nhận diện mục tiêu

Thông thường, để phục vụ cho việc nạp nhu liệu mục tiêu cho đạn, người ta dùng không ảnh trinh sát tầm thấp về mục tiêu ở ít nhất 3 góc chụp với độ tương phản cao. Ảnh này được vector hoá qua quá trình gọi là corelation để phân định các đường bao mục tiêu và giả lập 3D các góc độ của mục tiêu.

Để làm được việc này, nhất định phải dùng máy bay trinh sát không ảnh có người lái hoặc không người lái (UAV).

Với máy bay trinh sát có người lái như U2 thường bay rất cao, cực khó bắn hạ. Nhưng bay cao kiểu gì thì cũng phải chụp ảnh. Ngày nay người ta thường dùng 1 camera ảnh nhiệt có độ phân giải hàng trăm megapixel để chụp. Vậy nếu gây loá được camera này thì sẽ khiến việc trinh sát của đối phương gặp khó khăn.

Hệ thống chống trinh sát không ảnh quang học, nhận diện mục tiêu quang học và chống tên lửa đầu dò hồng ngoại, laser, quang truyền hình Kashtan-3M của công ty Ukrspetstechnika, Ukraine có thể làm được việc này.

Biến tên lửa hành trình Tomahawk thành To mà ngốc: Có giải pháp hoàn hảo cho nước nghèo - Ảnh 1.

Hệ thống Kashtan-3M của công ty Ukrspetstechnika, Ukraine.

Đây là hệ thống dùng một chùm tia laser đa phổ hồng ngoại, cận hồng ngoại để chiếu thẳng vào camera nhằm làm loá camera. Như vậy, quá trình trinh sát mục tiêu đã bị gây khó khăn.

Chính chùm tia này cũng chiếu vào đạn tên lửa hành trình khi nó dùng camera ảnh nhiệt để so khớp ảnh. Như vậy, khí tài này có thể gây khó khăn ở 2 trong các giai đoạn đánh mục tiêu của đạn hành trình.

Chế áp hệ thống điều khiển vô tuyến của máy bay

Điển hình của phương pháp này là hệ thống chế áp và định vị trạm mặt đất của UAV Groza-S của công ty KB radar, Belarus. Đây là hệ thống trinh sát thu nhận tín hiệu điều khiển và trao đổi số liệu giữa máy UAV và trạm mặt đất để phát nhiễu chế áp.

Biến tên lửa hành trình Tomahawk thành To mà ngốc: Có giải pháp hoàn hảo cho nước nghèo - Ảnh 2.

Hệ thống chế áp và định vị trạm mặt đất của UAV Groza-S.

Đồng thời, hệ thống cũng phát nhiễu chế áp cả các hệ thống định vị GPS/NAVSTAR, Glonass, Galíeo và Bắc Đẩu vốn là các hệ thống mà UAV dựa vào để dẫn đường và chấm toạ độ mục tiêu và định vị ra được trạm mặt đất nhờ quy tắc 3 điểm trực giao.

Các UAV thường được điều khiển trên dải tần từ 100-2.500Mhz. Cho nên, các hệ thống phát nhiễu như Krasuha-4 hay Avtobaza vẫn có thể gây khó khăn cho nó. Ngoài ra, KB radar còn có các hệ thống ToumanOptima có thể can nhiễu GPS/NAVSTAR, Glonass, Galíeo và Bắc Đẩu để cản trở máy bay tự hoạt dẫn đường và định vị mục tiêu.

Cùng với việc gây nhiễu định vị vệ tinh, hệ thống này cũng có khả năng can nhiễu radar đo cao dùng băng tần Ka dải tần 1.000-4.000Mhz trên đạn hành trình để làm lệch quỹ đạo đạn.

Biến tên lửa hành trình Tomahawk thành To mà ngốc: Có giải pháp hoàn hảo cho nước nghèo - Ảnh 3.

Xây các toà nhà giống nhau như Triều Tiên cũng là một cách cản trở nhận diện mục tiêu.

Cản trở quá trình tự hành của đạn

Tất cả các đạn hành trình đêù có tầm bắn khá lớn và dẫn đường kết hợp giữa hệ thống TERCOM (Terrain Contour Matching) dùng một radar đo cao trên dải tần từ 1000-4000Mhz hoặc lidar để dò địa hình nhằm điều chỉnh độ cao phù hợp theo bản đồ địa hình nạp sẵn.

Thêm vào đó, đạn phải dùng một con quay hồi chuyển để điều chỉnh quỹ đạo theo lập trình. Chính vì thế, sai số dẫn đường càng lớn khi tầm bắn càng lớn.

Như các đạn RGM-109 bắn đi trong chiến dịch Bão Táp Sa Mạc năm 1991 có xác xuất rơi dọc đường, đánh trật mục tiêu rất cao do chưa sử dụng GPS và hệ dẫn quán tính sai số lớn, hệ thống nhận diện hồng ngoại kém trong bão cát…

Vì thế, hầu hết các đạn hành trình ngày nay đều dùng khí tài đo cao dùng radar, hệ thống định vị vệ tinh để điều chỉnh quỹ đạo trong quá trình bay. Đặc biệt, ở giai đạn gần tiếp cận vùng mục tiêu thì đạn phải bay rất thấp.

Sai số độ cao GPS quá lớn nên đạn buộc phải bật khí tài đo cao. Nếu gây cản trở được một hoặc/và hai điểm tựa dẫn đường này, đạn sẽ không đến được mục tiêu.

Hệ thống trinh sát điện tử và chế áp R-330Zh của Liên Xô/Nga được xem là hệ thống tác chiến điện tử gây cản trở định vị vô tuyến vệ tinh sớm nhất. Một hệ thống bao gồm 1 xe đài công tác trinh sát và một rơ moóc mang đài phát nhiễu, máy phát điện.

Nó trinh sát chặn thu các đài đo cao trên đạn phát xung rồi chế áp cùng với việc chế áp hệ thống định vị GPS/NAVSTAR, Inmarsat, Iridium và GSM/CDMA nhằm gây cản trở cả việc đo cao lẫn dẫn đường của đạn. Hệ thống làm việc trên dải tần 100-2.000Mhz.

Biến tên lửa hành trình Tomahawk thành To mà ngốc: Có giải pháp hoàn hảo cho nước nghèo - Ảnh 4.

Hệ thống trinh sát điện tử và chế áp R-330Zh

Hệ thống R-330Zh này cộng với hệ thống Shereshen, tiền thân của hai hệ thống tách rời Leer-2 & Leer-3, để tạo thành hệ thống Pole. Hệ thống mà hậu duệ của nó là Pole-21 có thể làm mọi người bất ngờ về tính bí mật và nhỏ gọn.

Biến tên lửa hành trình Tomahawk thành To mà ngốc: Có giải pháp hoàn hảo cho nước nghèo - Ảnh 5.

Hệ thống Pole

Hệ thống cản trở định vị vô tuyến vệ tinh R-340RP Pole-21 là một hệ thống trinh sát và gây nhiễu định vị GPS/Glonass/Galieo/Beidu.

Chúng dùng các modul anten phát R-340 của hệ thống phát tín hiệu điện thoại di động và trạm điều chế của riêng mình để chèn kênh gây nhiễu định vị vệ tinh vào trạm BTS (Base Transceiver Station) mà không làm gián đoạn kênh phát điện thoại di động. Đây là hậu duệ đáng nể của Pole đã giới thiệu bên trên.

Biến tên lửa hành trình Tomahawk thành To mà ngốc: Có giải pháp hoàn hảo cho nước nghèo - Ảnh 6.

Hệ thống R-340RP Pole-21.

Mỗi modul anten phát công suất 20W được đặt cao tối đa 60m trên tháp BTS. Với một trạm công suất tối đa 60W với 3 modul sẽ phủ một vùng can nhiễu bán kính 80km. Trong khu vực ấy, tên lửa hành trình không thể đo cao hay hiệu chỉnh quỹ đạo được.

Khắp mọi nơi có con người đều có trạm BTS và vì thế nó có thể có Pole-21 tích hợp. Nó làm việc trên dải tần vệ tinh định vị 1176 - 1575 MHz (L-band).

Danh sách các loại tên lửa hành trình, máy bay tàng hình đắt giá mà nó có thể làm lệch mục tiêu như sau: F-117A, B-2, bom JDAM, tên lửa KEPD 350 Taurus, BGM-109/RGM-109/UGM-109 Tomahawk, pháo phản lực các loại,... cùng những loại đạn pháo tăng tầm hiệu chỉnh bằng GPS khác như Bonus, V-LAP.

Ngoài ra còn có hệ thống Shipovnik-AERO của Công ty VEGA thuộc Tập đoàn Rostec, Nga. Hệ thống này rất hay bị gọi nhầm với một họ hệ thống tác chiến điện tử khác là 85V6-A/B Vega. Chính hệ thống Shipovnik-AERO này mới là khí tài chuyên bắt sống UAV chứ không phải bất kỳ huyền thoại nào khác.

Biến tên lửa hành trình Tomahawk thành To mà ngốc: Có giải pháp hoàn hảo cho nước nghèo - Ảnh 7.

Hệ thống Bespilotnik-AERO.

Đây là một hệ thống được giới thiệu từ năm 2012 như là một giải pháp đặc trị dành cho các UAV/UCAV và TLHT.

Nó làm việc trên dải tần từ 30-2500Mhz bằng cách trinh sát chặn thu (mà không cần định vị nguồn phát) tất cả các tín hiệu vô tuyến và phân tích để nhận diện 2 loại tín hiệu chủ yếu là tín hiệu điều khiển của TLHT và UAV, tín hiệu định vị vệ tinh như GPS/Glonass/Galieo/Beidu.

Nếu đó là loại tín hiệu của một loại đạn hay UAV mà nó đã có trong bộ nhớ, nó sẽ phát hàng loạt xung điều khiển và định vị giả mạo với cường độ mạnh hơn từ cơ sở dữ liệu của nó để chiếm quyền điều khiển UAV hay làm sai lệch hệ dẫn đường để đạn hay UAV rơi.

Nếu nó thu được một loại xung hoàn toàn mới, nó ngoại suy giả lập các tín hiệu đó sau vài phút để giả mạo tín hiệu.

Đây là một giải pháp phi sát thương khá toàn diện để chống lại 2 loại vũ khí thời thượng là UAV và đạn hành trình phi tiếp xúc. Đến tháng 9 năm 2016 vừa qua, nó mới hoàn thành thử nghiệm cấp nhà nước để được chấp nhận trang bị trong quân đội Nga và chưa có định hướng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến hệ thống Anklav của công ty Ukrspetstechnika, Ukraine. Đây là hệ thống chế áp GPS/Glonass mang vác rất gọn nhẹ và hiện đại với trọng lượng 20-30kg tuỳ chọn.

Biến tên lửa hành trình Tomahawk thành To mà ngốc: Có giải pháp hoàn hảo cho nước nghèo - Ảnh 8.

Hệ thống Anklav

Nó có khả năng chế áp GPS/Glonass đến 150km nếu dùng anten định hướng. Hệ thống làm việc trên dải tần 1.176 - 1.575 MHz tương tự hệ thống Pole-21 của Nga.

Như vậy, với các khí tài có giá thậm chí chưa đến 10% một quả đạn TLHT, hoàn toàn có thể khuất phục cả UAV do thám lẫn tác chiến và đạn hành trình phi tiếp xúc. Miếng đánh răn đe bằng vũ khí Standoff xem ra chưa kịp lên ngôi với các nước nghèo đã bắt đầu lỗi thời chỉ với vài giải pháp đơn giản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại