Giữ đúng lời hứa, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đưa phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc (TQ) bao trùm gần hết biển Đông khi gặp Chủ tịch TQ Tập Cận Bình vào ngày 29-8. Phán quyết của Tòa Trọng tài, thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, được xem là một chiến thắng lớn của Philippines cũng như của các nước cùng tranh chấp biển Đông với TQ.
Trước ông Tập, ông Duterte nói phán quyết trọng tài là kết luận sau cùng, có giá trị ràng buộc và không thể bị kháng cáo. Tuy nhiên, đáp lời ông Duterte, ông Tập chỉ nhắc lại rằng TQ từ chối công nhận phán quyết và quan điểm này không lay chuyển. Thái độ của ông Tập không mới. Từ năm 2016, khi phán quyết ra đời, bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của TQ ở biển Đông, Bắc Kinh vẫn duy trì chủ trương không công nhận và không thực hiện.
Khởi đầu cho một “nỗ lực phối hợp”
Kết quả này nằm trong dự đoán của nhiều chuyên gia luật hàng hải. Tuy thế theo họ, dù không mang lại kết quả trước mắt nhưng hành động của ông Duterte mang tính bước ngoặt, đặc biệt trong bối cảnh ba năm qua ông vẫn luôn chủ trương hòa hoãn với TQ trong vấn đề biển Đông.
Theo chuyên gia Greg Poling - Giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (Mỹ), chuyện ông Duterte chính thức đưa phán quyết ra với ông Tập có thể là bước khởi đầu để tập hợp “nỗ lực phối hợp” từ cộng đồng quốc tế đấu với TQ trên mặt trận ngoại giao, bắt TQ phải trả giá cho các hành động của mình ở biển Đông.
Chuyên gia Poling cho rằng không chỉ vào lúc này mà các nước cần tận dụng mọi cơ hội để vận động sự ủng hộ quốc tế, cần thiết có thể trình dự thảo nghị quyết lên Liên Hiệp Quốc kêu gọi TQ tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài. Đánh giá về nỗ lực phối hợp này, ông Poling thừa nhận “nó sẽ là một nhiệm vụ nặng nề”, “nhưng đó cũng là giải pháp duy nhất có thể thật sự mang lại hiệu quả”.
Để có thể có được sự nỗ lực phối hợp này thì điều cần thiết là ông Duterte phải xác định lại một lần nữa quan điểm với TQ. Từ khi nhậm chức năm 2016, ông Duterte khiến cộng đồng thế giới bất ngờ khi tuyên bố tách xa Mỹ và tiến gần TQ, gác qua một bên phán quyết biển Đông, mục đích nhằm nhận được các khoản vay và đầu tư từ TQ. Tuy nhiên, phần lớn lời hứa cho vay và đầu tư của TQ đến giờ chưa thành hiện thực.
Sau thời gian yên tĩnh ban đầu, căng thẳng bắt đầu gia tăng trong năm nay với việc lực lượng cảnh sát biển TQ tăng cường hoạt động trên biển Đông. Tháng 5, tàu cảnh sát biển TQ áp sát giàn khoan Sapura Esperanza ở bãi cạn Luconia trên thềm lục địa Malaysia và khiêu khích xung quanh giàn khoan Hakuryu-5 ở lô 06.01 thuộc dự án Nam Côn Sơn, liên doanh của Việt Nam với Nga.
Đầu tháng 7, TQ đưa tàu khảo sát địa chất hải dương 8 và hai tàu hải cảnh ngang nhiên có những hành vi xâm phạm và quấy rối các hoạt động kinh tế của Việt Nam tại vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam gần với khu vực bãi Tư Chính - Vũng Mây.
Chưa hết, TQ thường xuyên đưa tàu chiến, tàu cá vào trong vùng 12 hải lý của Philippines mà không báo trước. Từ tháng 6 đến nay, quân đội Philippines ghi nhận có hơn 10 lần tàu chiến TQ tự ý ra vào vùng biển nước này. Ngày 20-8, ông Duterte đã ra chỉ thị mọi tàu nước ngoài muốn vào lãnh hải Philippines phải thông báo với cơ quan chức năng nước này và chỉ được đi vào một khi được cho phép. Chỉ thị này được cho là một thông điệp cảnh báo TQ về việc nước này cho tàu chiến đến gần bờ biển Philippines.
Đồng tình với chuyên gia Poling, thẩm phán cấp cao Antonio Carpio - Quyền Chánh án Tòa án Tối cao Philippines, cũng cho rằng ông Duterte sẽ phải làm nhiều hơn nữa thay vì chỉ đơn thuần đề cập phán quyết với ông Tập.
Theo ông Carpio, để thay đổi thái độ của TQ ở biển Đông, lãnh đạo Philippines cần huy động sự ủng hộ quốc tế với phán quyết, đồng thời thực hiện các biện pháp an ninh, chẳng hạn triển khai thêm nhiều tàu tuần tra biển. Ông Carpio cũng ủng hộ các nước Đông Nam Á cùng thực hiện tuần tra tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông cùng với các nước Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Anh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ hai bên phải) tiếp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (thứ hai bên trái) tại nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh ngày 29-8. Ảnh: INQUIRER
Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng và mở rộng trái phép. Ảnh: CSIS
Khả quan đến đâu
Chuyên gia về biển Đông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Hàng hải và Luật biển thuộc ĐH Philippines, thừa nhận thống nhất được một cách tiếp cận chung với TQ về biển Đông sẽ là chuyện khó. Theo ông, chính Tổng thống Duterte và sự im lặng của ông thời gian qua đã cho phép TQ củng cố sức mạnh và làm yếu đi quan điểm quốc tế đối với TQ về biển Đông.
Việc ông Duterte đưa phán quyết trọng tài năm 2016 ra với TQ có thể đẩy nhanh tiến trình ký kết COC.
Cựu đại sứ Philippines tại Mỹ JOSE CUISIA JR.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Batongbacal, chính TQ cũng có thể trở thành nhân tố thúc đẩy cộng đồng quốc tế phối hợp hành động với mình, nếu TQ có hành xử thái quá liên quan đến tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Lúc đó, khả năng lớn các nước sẽ thống nhất lại theo tinh thần phán quyết của Tòa Trọng tài, chính thức ra mặt đấu với TQ.
Theo ông Albert del Rosario - cựu ngoại trưởng Philippines, thực tế có đại diện của năm nước Đông Nam Á và Nhật Bản làm quan sát viên tại Tòa Trọng tài thường trực ở The Hague (Hà Lan) cho thấy một sự ủng hộ mạnh và “là sự thuyết phục với những ai nghi ngờ công lý quốc tế không tồn tại và thắng thế”.
Đài Al Jazeera dẫn nhận định nhiều nhà ngoại giao và phân tích lạc quan việc xây dựng một chủ trương thống nhất chống lại việc TQ quân sự hóa biển Đông là hoàn toàn có thể. Có thể lạc quan về điều này qua các diễn biến thời gian qua trong thái độ của cộng đồng quốc tế.
Mỹ gần đây lên tiếng cảnh cáo, cáo buộc TQ “can thiệp một cách cưỡng bức” và cản trở hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của các nước khi TQ thường xuyên triển khai tàu thách thức các ranh giới biển không chỉ của Philippines mà của cả Malaysia, Việt Nam.
Từ khi ông Donald Trump lên làm tổng thống, hải quân Mỹ tăng cường tuần tra ở biển Đông, tăng triển khai máy bay ném bom sang tuần tra khu vực, tăng tập trận với các nước đồng minh ở biển Đông. Bất chấp cảnh cáo của TQ, Mỹ gần đây không những duyệt bán 66 máy bay F-16V cho Đài Loan mà còn đang tính toán triển khai tên lửa tầm trung mặt đất đến khu vực. Mỹ cũng đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, xác định TQ là đối thủ chính và chiến lược của mình.
Ngày 29-8, ba nước Anh, Pháp, Đức cùng bày tỏ lo ngại về căng thẳng ở biển Đông và yêu cầu các bên liên quan đảm bảo thực thi toàn diện Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Gặp ông Tập, ông Duterte cũng nhấn mạnh đến việc cần phải có Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC, vốn đang ở giai đoạn cuối thương lượng giữa TQ và khối ASEAN) nhằm ngăn chặn đối đầu và xung đột ở biển Đông.
Ông Duterte và ông Tập đồng ý COC phải có được "trong những năm cuối" nhiệm kỳ của ông Duterte (nhiệm kỳ ông Duterte sẽ chấm dứt vào năm 2022). Trước đó Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị đặt thời hạn có được COC vào năm 2021.
Trong các cuộc gặp trước đây (đây là chuyến thăm TQ lần thứ năm của ông Duterte), ông Duterte và ông Tập cam kết sẽ kiềm chế và tôn trọng tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông.