Mới đây, phát ngôn viên của Liên minh Châu Âu đã đưa ra tuyên bố mới về những diễn biến gần đây trên Biển Đông. Nguyên văn như sau:
"Những động thái đơn phương trong những tuần qua tại Biển Đông đã làm căng thẳng leo thang và làm suy hại tới môi trường an ninh hàng hải, là mối đe dọa nghiêm trọng tới phát triển kinh tế hòa bình tại khu vực.
Tất cả các bên tại khu vực cần phải kiềm chế, tiến tới việc hòa giải, hạn chế sử dụng phương án quân sự tại khu vực và giải quyết bất đồng thông qua luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Các bên có thể nhờ tới sự hỗ trợ từ bên thứ ba dưới hình thức hòa giải hoặc tạo điều kiện để giải quyết khiếu nại của các bên - nếu cần thiết.
Liên minh Châu Âu (EU) sẽ tiếp tục ủng hộ quy trình do ASEAN dẫn đầu để củng cố các quy định quốc tế và khu vực theo luật định, để gây dựng hợp tác đa phương cũng như hợp tác sâu rộng với các bên thứ ba.
Chúng tôi trông đợi vào một kết luận nhanh chóng, bằng phương thức minh bạch về các cuộc thảo luận về sự hiệu quả và ràng buộc pháp lí của "Quy tắc ứng xử trên Biển Đông".
EU cam kết trật tự pháp lý đối với vấn đề về biển và đại dương dựa trên luật pháp quốc tế, an ninh và hợp tác hàng hải, cũng như tự do hàng hải và hàng không vì lợi ích của tất cả các quốc gia trên thế giới."
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 22/8, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định, những ngày qua, tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đã trở lại và tiếp tục hành vi xâm phạm nghiêm trọng vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, được xác lập tại Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu khỏi EEZ của Việt Nam, không có hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hinh, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như khu vực.
Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi và bảo vệ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế và của Việt Nam. Với quyết tâm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam luôn sẵn sàng giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp hợp với luật pháp quốc tế, bà Hằng nhấn mạnh.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc liên tục vi phạm trật tự quốc tế ở khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương.
Trong bản thông cáo được công bố ngày 26/8 (giờ địa phương), Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ: "Gần đây, Trung Quốc đã nối lại hành vi can thiệp mang tính cưỡng ép đối với các hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam ở Biển Đông , mâu thuẫn trực tiếp với cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Đối thoại Shangri-La rằng Trung Quốc sẽ đi theo con đường phát triển hòa bình.
Các hành động của Trung Quốc trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, trong đó tất cả các quốc gia, lớn và nhỏ, được bảo đảm chủ quyền, không bị cưỡng ép và có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực đã được quốc tế thừa nhận".