Nhà vật lý lý thuyết và vũ trụ học thiên tài người Anh Stephen Hawking qua đời sáng ngày 14/3, hưởng thọ 76 tuổi.
Ông quá nổi tiếng với những nghiên cứu mang tính đột phá về vật lý lý thuyết nhưng bản thân ông cũng chính là nhân vật truyền cảm hứng cho toàn thế giới khi vượt qua bệnh xơ cứng teo cơ (ALS) hay còn gọi là bệnh Lou Gehrig, vốn phá hủy hệ thống neuron thần kinh của cơ thể và thường khiến người bệnh tử vong chỉ sau vài năm.
Năm 1953, khi 21 tuổi, các bác sĩ chẩn đoán Hawking mắc ALS và dự báo ông chỉ trụ được không quá hai năm. Chính bản thân ông cũng từng không mong sống tới ngày sinh nhật lần thứ 25.
Căn bệnh khiến Hawking bị liệt, chỉ có thể di chuyển một vài ngón tay và hoàn toàn phụ thuộc vào người khác hoặc về công nghệ để làm hầu hết mọi thứ - tắm, mặc quần áo, ăn uống, thậm chí là nói chuyện.
Ông phải giao tiếp qua máy tổng hợp giọng nói.
Không đầu hàng số phận, nhà khoc học Stephen Hawking đã làm nên điều kỳ diệu. Ảnh: Telegraph
Nhưng điều tuyệt vời đã xảy ra trái ngược hoàn toàn với dự liệu của bác sĩ, nhà khoa học đại tài với công trình đột phá về các hố đen và tính chất của không gian và thời gian, sống qua hơn 5 thập kỷ khi vẫn mang trong người căn bệnh ALS.
Dù cơ thể bị liệt và buộc giao tiếp qua máy tổng hợp giọng nói, căn bệnh ALS không làm chậm đam mê và sự nghiệp nghiên cứu vũ trụ của Hawking.
Ông Hawking có 30 năm trên cương vị giáo sư đầu ngành về toán tại Đại học Cambridge và là giám đốc Trung tâm Vũ trụ Lý thuyết của trường.
Sự sống vượt qua bệnh hiểm nghèo của nhà khoa học thiên tài Hawking trở thành bí ẩn y học. Không ai thực sự biết làm thế nào và tại sao ông Hawking lại vượt qua được ALS trong suốt nửa thế kỷ.
Tuy vậy, một số nhà nghiên cứu tin rằng, tùy từng người, bệnh sẽ tiến triển ở mức độ khác nhau.
Theo Hiệp hội ALS, dù thời gian sống của bệnh nhân bị chấn đoán mắc ALS là khoảng 3 năm, song 20% số này chạm tới 5 năm, 10% sống được thêm 10 năm và 5% có thể vượt qua mốc 20 năm.
Một yếu tố đóng vai trò quan trọng đối với tuổi thọ của bệnh nhân ALS là gen di truyền.
Theo bác sĩ Anthony Geraci, Giám đốc Trung tâm Thần kinh cơ thuộc Viện Thần kinh học Northwell Health ở New York (Mỹ), các nhà khoa học đã xác định hơn 20 gen liên quan đến ALS, trong đó vài loại tác động đến khả năng sống còn.
Ví dụ, gen SOD1 đẩy nhanh tiến triển bệnh.
Còn theo Giáo sư Nigel Leigh thuộc trường Đại học King’s College, London (Anh), những người được chẩn đoán ALS sớm, từ khi còn nhỏ, sẽ có thể sống lâu hơn, đôi khi tới 10 năm.
Trường hợp của Hawking, ông biết mình mắc bệnh từ năm 21 tuổi, trong khi thông thường các bệnh nhân khác được chẩn đoán bệnh ở độ tuổi từ 55 đến 75.
Hai loại thuốc được dùng để điều trị bệnh teo cơ ALS được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ cho phép là riluzole (Rilutek) và edaravone (Radicava).
Nhưng mỗi loại chỉ có thể kéo dài thời gian sống của bệnh nhân khoảng 6 tháng và không thể kéo dài thời gian tới hơn 50 năm như trường hợp của Hawking, theo Phó giáo sư Leo McCluskey từ Trung tâm ALS thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ).
Nhà vật lý thiên tài trong lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 71. Ảnh: AP
Năm 2012, khi ông Hawking 70 tuổi, Scientific American đã có cuộc phỏng vấn McCluskey.
Trong cuộc phỏng vấn đó, ông nhấn mạnh rằng, việc nhà vật lý Hawking mắc ALS từ trẻ chắc chắn là một phần lý do giải thích vì sao bệnh tiến triển rất chậm.
Tuy nhiên, Phó giáo sư McCluskey cũng nói, sự kết hợp giữa chế độ chăm sóc và tính sinh học của căn bệnh trong cơ thể Hawking cũng là lý do giúp ông sống lâu hơn.
Bệnh nhân ALS thường qua đời vì suy hô hấp khi tế bào thần kinh kiểm soát cơ hô hấp ngừng hoạt động hoặc do suy dinh dưỡng, mất nước khi cơ kiểm soát hoạt động nuốt bị hư hại.
“Nếu không rơi vào hai trường hợp này, bạn có thể sống trong thời gian dài dù sức khỏe có kém đi. Điều xảy ra với Hawking thật đáng kinh ngạc. Ông ấy đúng là một ngoại lệ”, McCluskey phải thốt lên.
Còn đối với riêng Hawking, ông từng chia sẻ, sự tập trung vào công việc đã phần nào giúp ông vượt qua được tình trạng cơ thể và cho giúp ông có thêm nhiều năm sống mà không phải ai mắc ALS cũng có được.
Thậm chí, trong một cuộc trò chuyện với phóng viên New York Times, ông hoàng vật lý từng dành lời tư vấn tới những người khuyết tật khác.
Ông nói: “Lời khuyên của tôi dành cho những người khuyết tật khác là hãy tập trung vào những thứ bệnh tật không ngăn bạn làm tốt và đừng hối tiếc vì những gì bệnh tật cản trở bạn. Đừng khiến tinh thần cũng bị khuyết tật như thể chất”.
Có lẽ, đây mới chính là lý do khiến Hawking viết lên một câu chuyện tuyệt đẹp về một nhà vật lý học đại tài, cống hiến cả đời cho nghiên cứu khoa học và truyền cảm hứng cho toàn thế giới.