Bị bạn học trêu đùa, bé 8 tuổi thủng trực tràng do ngồi vào chiếc bút dựng ngược

P.V |

Bé trai H.A.T. (8 tuổi, trú tại Yên Lập, Phú Thọ) bị thủng trực tràng do ngồi vào chiếc bút dựng ngược khi chơi đùa cùng các bạn trong lớp học.

Theo lời kể của bệnh nhi, khi chuẩn bị ngồi xuống ghế thì em bị bạn ngồi bên cạnh đặt cây bút dưới ghế hướng đầu nhọn lên trên, em không biết nên đã ngồi lên.

Bệnh nhi được đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ sau tai nạn 6h trong tình trạng đau tại vết thương vùng tầng sinh môn, đau bụng vùng hạ vị, tỉnh táo, huyết động ổn định.

Qua thăm khám, các bác sĩ kết luận chiếc bút đâm vào tầng sinh môn xuyên thủng trực tràng vào trong ổ bụng gây viên phúc mạc. Khả năng còn các tổn thương cơ quan khác trong ổ bụng.

Qua hội chẩn các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp thống nhất phương án điều trị phẫu thuật 2 thì: Thì 1: xử trí vết thương vùng tầng sinh môn, vết thương trực tràng. Thì 2: Phẫu thuật nội soi ổ bụng xử lý vết thương trong ổ bụng.

Bệnh nhi được phẫu thuật khâu vết thương 2 mặt trực tràng, xử lý vết thương vùng tầng sinh môn, đồng thời rửa trực tràng trong mổ.

Sau đó, phẫu thuật nội soi ổ bụng thấy vết thương đi ra mặt sau bàng quang, đâm thủng phúc mạc, rất may không thấy tổn thương phối hợp khác, ổ bụng tương đối sạch, các bác sĩ đã rửa ổ bụng và quyết định không làm hậu môn nhân tạo để dẫn lưu phân mà đặt dẫn lưu qua hậu môn.

ThS.BS Trần Thanh Tùng, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp cho biết: Vết thương vùng hậu môn trực tràng thường rất phức tạp tổn thương nhiều cơ quan, nguy cơ nhiễm khuẩn cao do đoạn cuối trực tràng là nơi chứa phân. Xử lý các chấn thương, vết thương vùng tầng sinh môn đa phần là phải làm hậu môn nhân tạo để dẫn lưu phân tránh tình trạng nhiễm khuẩn nặng. Bệnh nhân sẽ được đóng hậu môn nhân tạo sau 2-3 tháng.

Rất may trường hợp này vết thương sắc gọn và bệnh nhi đến viện sớm, được xử lý kịp thời nên không phải làm hậu môn nhân tạo. Tránh được cuộc mổ lần 2 và tạo tâm lý tốt để trẻ hòa nhập với cộng đồng không gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của trẻ sau này.

Qua trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo: Tuổi học trò thường rất tinh nghịch nhưng chưa ý thức được hết những hậu quả nguy hiểm sẽ xảy ra từ các trò chơi của mình. Tai nạn té ngã gãy tay hoặc chân, chấn thương đầu mặt… thường xảy ra khi trẻ nô đùa, xô đẩy nhau.

Để tránh những tai nạn không đáng có từ các trò "nghịch dại", học sinh cần tuyệt đối không chơi những trò chơi nguy hiểm có tính sát thương cao, không chơi với những đồ vật sắc nhọn như dao, kéo, que, gậy… để hạn chế bị chấn thương.

Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ, thầy cô cũng nên tìm hiểu, cảnh báo cho các em học sinh về những tác hại khi chơi những trò chơi nguy hiểm, hướng các bé chơi những trò chơi lành mạnh, an toàn để tránh tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra; tăng cường trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ để trẻ tránh xa những trò chơi nguy hiểm, biết bảo vệ bản thân mình và những người xung quanh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại