Tỷ lệ mắc cao ở trẻ nhỏ
Bệnh nhi N.K.H (3 tuổi, tại Hà Nội) ở nhà có triệu chứng sốt cao, bé được mẹ cho đi khám tại phòng khám tư nhân gần nhà. Sau hai ngày điều trị tại nhà, gia đình bé H nhận thấy bé có các triệu chứng như: nổi các nốt đỏ ở mặt và các vết loét ở khoang miệng, chảy nước mũi và ho nhiều.
Gia đình bé H, đã đưa bé tới bệnh viện Nhi Trung ương khám tại đây bé được chẩn đoán mắc sởi biến chứng viêm phổi, phải nhập viện để điều trị.
Theo TS.BS Đỗ Thiện Hải – Phó khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung hiện nay tại khoa đang điều trị cho khoảng 50 bệnh nhi mắc sởi. Bệnh sởi là bệnh cấp tính do vi rút gây ra và lây lan rất nhanh.
Đặc điểm của vi rút sởi sẽ làm cho hệ miễn dịch bị suy rất nhanh, khiến cho bệnh nhân dễ bị nhiễm các bệnh nhiễm trùng cơ hội như: viêm phổi nặng, tiêu chảy kéo dài…
Bác sĩ Đỗ Thiện Hải chia sẻ khoa đang điều trị cho khoảng gần 50 trường hợp mắc sởi có biến chứng.
Tại Bệnh viện Bạch Mai số bệnh nhân người lớn mắc sởi vào điều trị cũng tăng lên đáng kể. TS.BS Đoàn Thu Trà - Phó giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, Trung tâm nhiệt đới hiện đang điều trị cho khoảng 10 ca bệnh nhân sởi người lớn bị biến chứng.
Đa phần các trường hợp mắc bệnh đều nghĩ bệnh sởi chỉ mắc ở trẻ nhỏ, ít mắc ở người lớn nên chủ quan.
Bệnh nhân N.A (29 tuổi tại Bắc Giang) bệnh nhân vào viện trong tình trạng có sốt và phát ban. Trước đó, bệnh nhân đã sốt 1 tuần, sau đó xuất hiện các nốt ban trên da.
Bệnh nhân chia sẻ, chỉ nghĩ sốt vi rút thông thường nên không dùng thuốc hạ sốt. Khi bệnh nhân có sốt cao, ho, đau rát cổ hỏng mới đi khám và được chẩn đoán mắc sởi biến chứng viêm đường hô hấp.
Theo bác sĩ Trà bệnh sởi ở người lớn đang diễn biến tăng và phức tạp có thời điểm Trung tâm tiếp nhận tới 10 ca sởi một ngày. Trong đó, có ca trường hợp là phụ nữ có thai, người suy giảm miễn dịch...
Theo thống kê của Bệnh viện Bạch Mai, trong tháng 5/2019, số ca mắc sởi điều trị tại trung tâm là 70 ca, trong đó phổ biến là trong độ tuổi 25-35, hầu hết các bệnh nhân đều chưa tiêm phòng vắc xin sởi.
Đa phần bệnh nhân mắc sởi tới khám là do đã có biến chứng như: viêm đường hô hấp, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết… Thậm chí có ca bị sởi biến chứng viêm não, viêm màng não rất nặng mới đến viện thăm khám và điều trị.
Phòng sởi đơn giản bằng cách nào?
Các chuyên gia khẳng định, cách phòng bệnh đặc hiệu là tiêm vắc xin đầy đủ cho trẻ nhỏ. Đối với người lớn chưa từng mắc sởi hay chưa tiêm phòng cần bổ sung mũi tiêm này càng sớm càng tốt.
Bác sĩ Hải cho hay, bệnh sởi có thể điều trị tại nhà, cần phải lưu ý hạ sốt đúng cách, vệ sinh sạch sẽ, ngày vệ sinh 3-4 lần mũi, họng để phòng biến chứng viêm phổi.
Nên ăn những thức ăn dễ tiêu, uống nhiều nước, nước ép hoa quả chứa nhiều Vitamin A để bổ sung kịp thời các chất dinh dưỡng mất do quá trình nhiễm trùng.
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, trong 4 tháng đầu năm 2019, 170 nước trên thế giới đã ghi nhận các ổ dịch sởi với ít nhất 112.163 trường hợp mắc. Số trường hợp mắc sởi trên toàn cầu đã tăng 300. Tổ chức Y tế thế giới đã chỉ ra việc e ngại sử dụng vắc xin phòng sởi là mối đe dọa lớn toàn cầu.
Tại Mỹ, sau gần 20 năm công bố loại trừ bệnh sởi, ngay trong đầu năm 2019 đã ghi nhận các ổ dịch sởi tại 22/50 bang với 695 trường hợp mắc. Nguyên nhân bệnh sởi gia tăng mạnh ở Mỹ là do tỷ lệ tiêm phòng sởi thấp.
Đọc thêm bài cùng tác giả Ngọc Minh, tại đây.