Bệnh nhân 35 tuổi, từ Lạng Sơn vào Bệnh viện Da liễu Trung ương, Hà Nội, khám do nổi nhiều nốt sần đỏ, ấn đau, rải rác tay chân và thân mình.
Bệnh nhân cho biết tình trạng này diễn biến hơn hai năm nay. Anh khám ở nhiều nơi, điều trị nhiều đợt nhưng bệnh không thuyên giảm, ngày càng tiến triển nặng.
Hình ảnh tổn thương của bệnh nhân
Bác sĩ cho rằng bệnh nhân xuất hiện triệu chứng không điển hình nghi ngờ mắc bệnh phong - một căn bệnh da liễu trước đây rất phổ biến ở Việt Nam. Kết quả xét nghiệm rạch dái tai xác định bệnh nhân dương tính với vi khuẩn phong. Bệnh nhân nhập viện điều trị ngày 6/7.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế bệnh phong là một bệnh nhiễm trùng kinh diễn do trực khuẩn Mycobacterium leprae gây nên. Bệnh tiến triển lâu dài, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây tàn tật nặng nề.
Chính những tàn tật này làm cho người ta sợ hãi và xa lánh người bệnh. Hình ảnh lâm sàng của bệnh phong rất đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, biểu hiện ở da và thần kinh ngoại biên là hay gặp nhất.
+ Thương tổn da: Bao gồm các dát (gặp trong phong thể bất định), củ (gặp trong phong thể củ), mảng thâm nhiễm, u phong (gặp trong phong thể trung gian và thể u). Các thương tổn này kèm theo giảm hoặc mất cảm giác.
+ Thương tổn thần kinh ngoại biên: Các dây thần kinh ngoại biên viêm to (hay bị nhất là dây trụ, dây quay, dây chày sau...) mất cảm giác (nóng lạnh, đau, xúc giác) tại các vùng da do dây thần kinh chi phối. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tàn tật như: Cò ngón tay, ngón chân, bàn chân rủ, hở mi...
+ Triệu chứng khác: Ngoài biểu hiện ở da và thần kinh ngoại biên, có thể gặp một số triệu chứng khác như: Rối loạn bài tiết (da khô, bóng mỡ), rối loạn dinh dưỡng (rụng lông mày, loét ổ gà...), viêm mũi, viêm thanh quản...
Một người được coi là bị bệnh phong khi có ít nhất một trong ba dấu hiệu sau: Thương tổn da kèm theo mất cảm giác. Thương tổn thần kinh có biểu hiện tàn tật: Dây thần kinh to, mất cảm giác, co ngón hoặc teo cơ, …Xét nghiệm tại thương tổn tìm thấy trực khuẩn phong Mycobacterium leprae.
Bệnh phong là bệnh lây truyền, tuy nhiên lây chậm, lây ít và rất khó lây. Bệnh lây là do tiếp xúc gần gũi, nhiều và thường xuyên với nguồn bệnh. Theo nhiều nhà nghiên cứu, tỷ lệ lây lan giữa vợ - chồng, nếu một trong hai người bị bệnh chỉ từ 3 - 5%.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Quang, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng cho biết thêm cơ chế lây nhiễm của bệnh phong chủ yếu qua tiếp xúc.
Trước đây, khi nhìn thấy bệnh nhân phong với những tổn thương đặc trưng như cụt ngón chân, ngón tay, mọi người thường có tâm lý xa lánh, kỳ thị. Nhiều nghiên cứu cho rằng bệnh lây qua các dịch tiết của người bệnh. Tuy nhiên theo bác sĩ, cơ chế lây lan đòi hỏi phải có tiếp xúc gần và kéo dài. Nếu người bệnh bắt đầu điều trị, khả năng truyền bệnh giảm tới 99%.