Bệnh nhiễm trùng (nhiễm khuẩn) gia tăng dẫn đến tình trạng thiếu thuốc kháng sinh toàn cầu - Ảnh: TRƯỜNG Y ĐẠI HỌC WASHINGTON-SAINT LOUIS
Bà Lisa Hedman, trưởng nhóm cung cấp và tiếp cận thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết trong số 35 quốc gia có dữ liệu mà WHO thu thập, 80% bị thiếu hụt thuốc kháng sinh liên quan đến amoxicillin.
Trong thời kỳ đại dịch, nhu cầu về thuốc kháng sinh giảm, kết hợp với sự căng thẳng nghiêm trọng đối với chuỗi cung ứng khiến các nhà sản xuất thuốc phải thu hẹp quy mô sản xuất.
Tuy nhiên, khi nhiều quốc gia trải qua mùa đông đầu tiên không bị phong tỏa, áp lực nguồn cung và các yêu cầu pháp lý đang khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong việc mở rộng quy mô sản xuất thuốc.
Bà Hedman nói các nút thắt cổ chai cũng xảy ra vì "các quốc gia không ngờ rằng bệnh nhiễm trùng đường hô hấp sẽ tấn công mạnh như vậy".
Tình trạng thiếu amoxicillin đã được báo cáo ở Mỹ và Canada. Trong khi ở EU, 25 trong số 27 quốc gia thành viên đã báo cáo cho Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) việc bị thiếu một số loại kháng sinh.
Tác động ở các quốc gia nghèo hơn hoặc nhỏ hơn ít được biết đến. Tuy nhiên họ có thể bị ảnh hưởng nặng nề hơn, đặc biệt là khi đồng tiền của họ mất giá và phải tìm nguồn thuốc trên thị trường mở.
Ông Dušan Jasovský, dược sĩ tại tổ chức viện trợ Médecins Sans Frontières (MSF), cho biết ước tính có khoảng 5,7 triệu người chết mỗi năm vì họ không được tiếp cận với thuốc chống vi trùng, bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc chống nấm và thuốc chống vi rút.
Bà Ilaria Passarani, tổng thư ký của Tập đoàn Dược phẩm Liên minh châu Âu, cho hay các loại thuốc dùng để điều trị các bệnh nhiễm trùng như bệnh lao và nhiễm trùng da cũng bị ảnh hưởng.
Theo ông Adrian van den Hoven - Hiệp hội Các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm châu Âu, sau hai năm phong tỏa, các nhà sản xuất thuốc kháng sinh khó dự đoán chính xác nhu cầu gia tăng trong mùa đông này.
Ông Jasovský của MSF cho biết nguồn dự trữ kháng sinh đã cạn kiệt. Trong khi đó, hầu hết các thành phần dược phẩm tích cực trên thế giới hiện nay đều đến từ Ấn Độ và Trung Quốc, chứ không phải từ châu Âu.
Chưa kể chuỗi cung ứng kháng sinh có thể mất 4-6 tháng từ sản xuất đến phân phối.