Bệnh lao có xu hướng ngày càng trẻ hóa

QUANG HUY |

Trước đây, bệnh lao thường xuất hiện ở những người trên 50 tuổi, nhưng nay căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa. Đáng lo nhất là bệnh lao diễn tiến âm thầm nên phát hiện muộn.

BS-CKII Trần Nhật Quang, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, thăm khám cho người mắc lao.

BS-CKII Trần Nhật Quang, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, thăm khám cho người mắc lao.

Bệnh nặng vì chủ quan

Chị L.T.T. (28 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TPHCM) bị viêm họng nên tự mua thuốc về uống. Nhưng sau gần 1 tháng chị uống thuốc kháng sinh, các cơn ho không có dấu hiệu thuyên giảm. Ra lại tiệm thuốc, nhân viên tiệm thuốc khẳng định chị bị viêm họng hạt, phải đi đốt mới khỏi. Khi cơn ho diễn ra ngày càng nhiều, nhất là đêm khuya, kèm theo dấu hiệu tức ngực, khó thở, ăn uống kém…, chị T. mới chịu đến bệnh viện. Qua thăm khám, bác sĩ không nhận thấy chị có dấu hiệu của viêm họng hạt nên khuyên chị đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) khám lại.

Trường hợp khác, chị H.N.T.H. (17 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) được gia đình đưa đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cấp cứu trong tình trạng ho ra máu nhiều. Dù bệnh nhân chưa thể làm xét nghiệm đờm để xác định bệnh, nhưng theo bác sĩ, kết quả chụp X-quang phổi của bệnh nhân cho thấy phổi bị tổn thương nhiều, khả năng lớn là bệnh nhân mắc lao phổi. Người nhà bệnh nhân H. cho hay, trước tết H. bị sốt và ho liên tục. Qua thăm khám ở bệnh viện địa phương, các bác sĩ chẩn đoán H. bị lao phổi. “Nghĩ con còn quá trẻ để mắc bệnh này nên gia đình chậm trễ cho con nhập viện. Đến khi H. hay sốt, ho ra máu thì gia đình mới vội vã đưa con đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thăm khám, kết quả bị lao phổi”, chị B.T.V.A. (mẹ bệnh nhân H.) kể.

Theo các chuyên gia y tế, người mắc lao cần được cách ly tại nhà bằng cách ở phòng riêng, mang khẩu trang khi tiếp xúc với người thân hoặc cộng đồng. Người mắc lao nên được điều trị triệt để nhằm giảm bớt nguồn lây trong cộng đồng. Nếu có các triệu chứng nghi mắc lao, người dân nên đi tầm soát sớm để được điều trị kịp thời.

Theo BS-CKII Trần Nhật Quang, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, những trường hợp người trẻ mắc lao như bệnh nhân H., T. không còn hiếm gặp mà đang có xu hướng gia tăng. Số ca mắc lao được điều trị tại đơn vị trong năm 2022 là 315.032 trường hợp, trong đó, bệnh nhân ở lứa tuổi từ 15-44 ghi nhận từ các địa phương ngoài TPHCM tăng đáng kể so với các năm trước. Bệnh viện cũng đã ghi nhận số ca mắc lao từ 0-4 tuổi trong năm 2021 là 94 ca, năm 2022 là 120 ca. Tính chung trong năm 2022, có trên 7.000 người trẻ mắc lao.

Bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

TS-BS Nguyễn Hữu Lân, Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, cảnh báo, lao là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Khi xâm nhập vào cơ thể, vi trùng lao theo đường máu bạch huyết đến cư trú, phát triển, làm tổn thương đầu tiên là phổi, rồi các cơ quan khác trong cơ thể người bệnh. Dù vi trùng lao chỉ khu trú ở một bộ phận nào đó, nhưng có thể gây nên các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, kém ăn, gầy, sụt cân, da xanh, thiếu máu, buồn nôn… Con đường lây nhiễm chủ yếu qua bụi trong không khí, qua hô hấp, do những giọt nước bọt, đờm, nhớt li ti bắn ra khi bệnh nhân ho, hắt hơi, giao tiếp với người xung quanh.

Về chẩn đoán bệnh lao, TS-BS Nguyễn Hữu Lân cho biết, từ khi có chiến lược quốc gia sàng lọc lao 2 X (X-quang - Xpert), việc chẩn đoán và sàng lọc bệnh lao dễ dàng và thuận lợi hơn. Đặc biệt, với máy xét nghiệm Gene Xpert, chỉ trong vòng 2 giờ là có kết quả, độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao. Kết quả từ máy xét nghiệm Gene Xpert cho biết mẫu bệnh phẩm có vi khuẩn lao hay không, có nhiều hay ít vi khuẩn, và vi khuẩn có kháng thuốc (kháng Rifamycin) hay không để có hướng điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, việc sàng lọc chủ động (đặc biệt là có các xe chở máy chụp X-quang lưu động về tận địa phương, đội ngũ cộng tác viên, nhân viên y tế đến từng nhà, mời từng người đến nhà văn hóa hoặc trạm y tế địa phương để khám mà không cần phải đi xa) giúp cho công tác sàng lọc được chủ động hơn nhiều so với trước. Từ đó giúp tỷ lệ người mắc lao khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, khoảng 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn, và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.

“Ai cũng có thể mắc lao, vì vậy khi người dân ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu) là triệu chứng nghi lao quan trọng nhất. Ngoài ra, các triệu chứng khác có thể gặp gồm: sụt ký nhanh, kém ăn, mệt mỏi; sốt nhẹ về chiều; ra mồ hôi trộm ban đêm; đau ngực, đôi khi khó thở… Khi đó, người dân cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị đúng theo công thức của chương trình chống lao quốc gia, đảm bảo theo nguyên tắc DOST (hóa trị liệu ngắn ngày có kiểm soát)”, TS-BS Nguyễn Hữu Lân khuyến cáo.

Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tháng 10-2022 ghi nhận mức tăng các ca mắc lao phổi là 4,5% so với cùng kỳ năm 2021. WHO cảnh báo số người mắc bệnh lao phổi trên toàn cầu đã tăng lần đầu tiên sau gần 2 thập niên. Báo cáo nêu rõ, trong tổng cộng 10,6 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh lao phổi (2021), 1,6 triệu người đã chết. Việt Nam là một trong 30 quốc gia có tỷ lệ mắc lao cao nhất thế giới, khi bình quân mỗi năm có trên 170.000 người mắc và khoảng 10.000 người chết do bệnh lao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại