Sáng ngày 23/12/2016, bé N.N.P.D (16 tháng tuổi, quê Phú Yên) được gia đình đưa đến nhà trẻ tư nhân như mọi ngày.
Đến 15h cùng ngày, người giữ trẻ điện thoại thông báo cho người nhà đến đưa bé đi bệnh viện gấp vì bé khó thở và cổ sưng to. Bé đau nên khóc nhiều.
Theo chị Nguyễn Thị T. (34 tuổi, mẹ của bé D.), người giữ trẻ nói rằng khoảng 10h sáng hôm đó bé cầm chiếc thìa (loại dùng uống cà phê) để chơi. Trong lúc đi chơi, bé bị té ngã khiến chiếc thìa đâm sâu vào cổ họng. Thấy vậy, người này rút lập tức rút thìa ra.
Sau khi lấy thìa ra, người giữ trẻ cho bé uống sữa và ăn thức ăn theo lịch của nhà trẻ. Tuy nhiên, bé D. cứ ăn vào là bị nôn ói. Đến 15h, người này phát hiện phần cổ họng bé sưng to, khó thở nên điện thoại báo cho gia đình bé.
"Cô này vừa thông báo, tôi đã lập tức đưa con đến bệnh viện ở quê. Ở bệnh viện được 2 ngày nhưng cổ con tôi vẫn sưng to, ăn vào lại nôn ra hết, nóng sốt nhiều nên tôi xin chuyển bé đến BV Nhi Đồng 1 để điều trị.", chị T. nói.
Bác sĩ Huy - Phó khoa Tai - Mũi - Họng, BV Nhi Đồng 1 đang kiểm tra vết mổ cho bé D.
Ngày 25/12, bé D. được chuyển tới BV Nhi Đồng 1 TPHCM. Qua quá trình kiểm tra thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ phát hiện bé D. có vết rách từ thực quản vùng cổ đến thực quản vùng ngực.
Vết rách dài khoảng 7cm khiến tất cả thức ăn bị dồn ứ gây nhiễm trùng nặng tạo mủ, gây áp-xe, tiên lương tử vong cao.
Tổn thương khiến bé D. bị tràn khí dưới da, tràn khí vùng cổ, ngực và dịch màn phổi. Các bác sĩ phải mổ hở vùng cổ để lấy hết thức ăn ứ đọng, dẫn lưu dịch nhầy, vệ sinh cổ họng liên tục.
Để bảo vệ và vệ sinh vết thương, bác sĩ mở dạ dày bé qua da để truyền thức ăn.
Sau gần 1 tháng điều trị, hiện tại sức khỏe của bé D. đã ổn định, vết mổ tiến triển tốt. Vài ngày tới bé có thể xuất viện để về nhà đón tết. Lành bệnh, bé sẽ ăn uống bình thường và giọng nói không bị ảnh hưởng.
Theo bác sĩ Nguyễn Thế Huy – Phó Khoa Tai – Mũi – Họng, BV Nhi Đồng 1, bệnh viện tiếp nhận rất nhiều trường hợp các bé bị sốc muỗng, nĩa, cậy, tăm,… nhưng bé D. là chấn thương nặng nhất từ trước đến nay.
Trường hợp dị vật đã được lấy ra mà bé có biểu hiện nôn ói, khó nuốt, đau nhức khi ăn, uống, người nhà phải đưa bé đến bệnh viện kiểm tra ngay.
Bác sĩ Huy khuyến cáo thêm, tết đang đến gần cũng là lúc phụ huynh tập trung vào công việc cuối năm, dọn dẹp nhà cửa.
Đây cũng là thời gian trẻ được nghỉ tết và bị tai nạn nhiều nhất. Vì thế, phụ huynh nên thay nhau trông chừng trẻ, tránh trường hợp tai nạn xảy ra cho con trẻ.
Khi tai nạn xảy ra, người thân không nên tự rút dị vật mà hãy đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để tránh gây tổn thương phức tạp hơn.
Trường hợp dị vật đã được lấy ra mà bé có biểu hiện nôn ói, khó nuốt, đau nhức khi ăn, uống, người nhà phải đưa bé đến bệnh viện kiểm tra ngay. Vì lúc này, bé có thể bị tổn thương, để lâu dài sẽ gây ra nhiễm trùng, nguy hiểm đến tính mạng của bé.
Bác sĩ Huy nói thêm: "Người thân nên nhắc nhở, chỉ dẫn bé cách sử dụng thìa, nĩa khi ăn.
Trường hợp bé ngậm tăm, cầm vật dài thì càng không nên, vì trong lúc di chuyển bé có thể té ngã và gây chấn thương. Nhất là khi bé đang ăn kẹo cây, đồ ăn xiên que…".
Trẻ em rất hiếu động. Ngoài tai nạn do ăn uống, người lớn cũng nên nhắc nhở khi con cầm vật dài, nhọn chạy nhảy, đùa giỡn với nhau.