Bầu Thắng, bầu Đức, có nên cúi xuống nhìn lại chân mình?

Kinh Luân |

Chân mình còn lấm mê mê/Lại đi cầm đuốc mà rê chân người. Đã đến lúc phải đặt câu hỏi rằng những phát ngôn của bầu Đức, bầu Thắng có thực sự vì lợi ích của bóng đá Việt Nam?

1. Những ngày qua, sau những phát ngôn làm dậy sóng bóng đá Việt nhằm vào bầu Tú, đến lượt bầu Thắng lên tiếng, thậm chí "theo gương" ông bầu phố Núi úp mở việc rút khỏi bóng đá bằng cách không tài trợ cho đội Long An của em trai mình nữa. Chuyện gì đang diễn ra vậy?

Ông Võ Quốc Thắng tuyên bố rằng suốt 6 năm làm chủ tịch hội đồng quản trị VPF, ông chưa bao giờ lĩnh lương, cũng không xài một lít xăng, cũng như không đụng đến một đồng bạc của VPF vào việc cá nhân. Chẳng phải tự nhiên bầu Thắng lại đưa ra lời tuyên bố ấy. Đích đến của nó, chắc hẳn chẳng ai còn lạ - là bầu Tú, người kế nhiệm của ông.

Thay cho lời bình luận, người viết có một câu hỏi. Với một doanh nghiệp, việc lãnh đạo cao nhất không lĩnh lương có là điều tốt? Theo báo cáo về thu nhập của HĐQT tại hội đồng thường niên 2016 của công ty FPT, tổng mức lương thực chi cho 3 thành viên điều hành HĐQT, trong đó có chủ tịch Trương Gia Bình trong năm 2015 là 9,2 tỷ đồng. Ngoài ra họ còn được thưởng 12,5 tỷ đồng.

Đem việc mình không nhận lương để "mắng vốn" bầu Tú trong hoàn cảnh này, việc làm của bầu Thắng chẳng khác nào anh dân thường kỳ kèo với ông tổ trưởng tổ dân phố: "Ông để tôi làm cho, tôi không nhận phụ cấp đâu".

Bầu Thắng, bầu Đức, có nên cúi xuống nhìn lại chân mình? - Ảnh 1.

Trưởng BTC giải V.League 2017 Nguyễn Minh Ngọc và Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng ngồi im bất động trên khán đài khi trên sân các cầu thủ Long An đang phản đối trọng tài. Ảnh: Duy Anh.

Mải kể công và so sánh mình với bầu Tú, có lẽ ông bầu người Long An này quên rằng dưới 2 nhiệm kỳ của ông, V.League được đánh giá thế nào, và nhiều "phốt" ra sao.

Suốt 6 năm, kéo dài qua 2 nhiệm kỳ của bầu Thắng, V.League chưa bao giờ ngớt tiếng ca thán về sự nghiệp dư và lề lối làm ăn nặng tính "được chăng hay chớ". Mới mùa giải trước thôi, nếu Văn Toàn không ra tay can ngăn nhằm "hạ nhiệt" sự bức xúc của đồng đội và lãnh đạo, thì có lẽ HAGL của bầu Đức đã có màn "bỏ đá" xấu xí ngang ngửa Long An - đội bóng mà bầu Thắng tài trợ.

Chẳng cần phải tranh cãi, chẳng phải "trọng tài" và "bạo lực sân cỏ" là hai từ khóa hot nhất của V.League suốt hai nhiệm kỳ của ông "chủ tịch lương 0 đồng" Võ Quốc Thắng hay sao?

2. Có một câu chuyện rằng hơn hai ngàn năm trước, mang tên "Người đàn bà ngoại tình" kể rằng Đức Giê-su được hỏi ý kiến về việc ném đá đến chết một người đàn bà phạm tội ngoại tình, ông bảo những người đang hỏi mình: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi".

Gần đây nhất, bầu Thắng chia sẻ câu nói "đau lòng" của bầu Đức khi hủy cuộc hẹn với bầu Tú: "Vì sao anh em mình phải mất thời gian để ngồi với một người không có lòng tự trọng như thế?".

Bầu Thắng, bầu Đức, có nên cúi xuống nhìn lại chân mình? - Ảnh 2.

Những chiếc ghế của bầu Tú đang là tâm điểm chỉ trích của cả bầu Đức lẫn bầu Thắng.

Lời nói nặng nề ấy được dành cho bầu Tú, chỉ vì ông Tú làm đúng cái điều mà bầu Đức từng làm trước đây vài tháng: xin từ chức, nhưng không được chấp nhận. Đáng nói, bầu Tú vẫn bảo lưu quan điểm sẽ rút khỏi vị trí Tổng giám đốc và Trưởng ban điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia khi tìm được ứng viên phù hợp trong tương lai.

Nếu như thế là thiếu tự trọng, thì phải đánh giá thế nào về ông Đức - bản thân là ông bầu một đội bóng lại nhúng tay khá sâu vào việc sa thải HLV Miura, chọn HLV Hữu Thắng cho ĐTQG Việt Nam, từng nuốt lời hứa "Sa thải Miura đi, tôi sẽ lo tất cho đội tuyển".

Nếu không hài lòng với bầu Tú, với VPF, thậm chí là VFF, bầu Đức cùng bầu Thắng hoàn toàn có thể làm cái điều mà 7 năm trước, các ông cùng bầu Kiên từng ấp ủ - tách khỏi V.League để lập ra Super Liga, trở thành đối trọng nặng ký của VPF, nếu có nhiều CLB đồng tình với bầu Đức như bầu Thắng đã từng tiết lộ.

Bầu Thắng, bầu Đức, có nên cúi xuống nhìn lại chân mình? - Ảnh 4.

Bóng đá Long An sẽ mất nhà tài trợ vì lời hứa của ông Võ Quốc Thắng?

Cũng nên nhớ, những phát ngôn hòng dồn bầu Tú "vào ngõ cụt" đến từ bầu Thắng - người phải rời VPF để ông Tú tiếp quản, cũng như bầu Đức - người rời chiếc ghế phó chủ tịch VFF, để bầu Tú ứng cử vào đúng vị trí ấy.

Sáng 10/4 vừa qua, sau hơn 1 giờ tranh cãi, HĐQG VPF đã bỏ phiếu thống nhất bác bỏ việc ông Trần Anh Tú xin rút khỏi vị trí Tổng giám đốc VPF và Trưởng ban điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia.

Ông Trần Anh Tú bảo lưu quan điểm sẽ rút khỏi hai vị trí này khi tìm được ứng viên phù hợp trong tương lai.

Ông Tú đã xác nhận điều này từ khi nhậm chức Chủ tịch VPF nhiệm kỳ III ngày 3/12/2017.

Nếu như bầu Tú "không có tự trọng", cũng như sai phạm như lời ông Đức, ông Thắng buộc tội, hai ông bầu này phải chăng nên kiến nghị bằng giấy trắng mực đen để VPF, VFF, thậm chí là cơ quan chức xử lý, thay vì làm theo cái cách mà Công Vinh từng "dọa" giám sát Đoàn Phú Tấn hồi năm ngoái: "Tôi nói với chú làm gì. Tôi sẽ đưa lên công luận vấn đề này".

Điều thực sự nằm sau mũi dùi mà cả bầu Đức lẫn bầu Thắng chĩa về phía bầu Tú là gì? Lại thêm lần nữa, bầu Đức "đặt tất tay" như đã từng làm với chiếc ghế ở VFF của mình, để đảm bảo bằng chức vô địch SEA Games 2017 - "miếng bánh vẽ" chưa từng thành hiện thực?

Sau tất cả, "các chú các bác đánh nhau xong chưa, để bọn cháu còn đá bóng"!

Bầu Đức lại “gây bão” ở làng bóng Việt như thế nào?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại