Bắt bệnh qua vị trí đau trên bụng: Nếu kèm các triệu chứng này cần đi khám ngay lập tức

Lam Chi |

Đau bụng là biểu hiện của rất nhiều bệnh như rối loạn tiêu hóa, viêm nhiễm và thậm chí cả ung thư.

Đau bụng là tình trạng rất phổ biến. Trong nhiều trường hợp, cơn đau sẽ thuyên giảm. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp khác, các cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng hơn và gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời. Chính vì thế, hiểu biết về các vị trí đau bụng là điều quan trọng để tìm hiểu nguyên nhân và có những cách xử trí phù hợp.

Các vị trí đau bụng

Có 3 loại đau bụng:

- Đau cấp tính: Thường kéo dài trong vài giờ, vài ngày và có thể đi kèm với các triệu chứng khác.

- Đau mạn tính: Kéo dài từ vài tuần tới vài tháng hoặc hơn. Cơn đau có thể thoáng qua và quay lại.

- Đau tiến triển: Đau tăng dần và thường đi kèm triệu chứng khác.

Theo các chuyên gia tại Manhattan Gastroenterology (Mỹ), mọi người nên biết về 9 vùng và 4 góc phần tư của bụng để biết được cơn đau tới từ đâu. Đồng thời, dựa vào mức độ nghiêm trọng của cơn đau để tìm cách điều trị chính xác trước khi cơn đau trở nên tồi tệ hơn.

9 vùng bụng gồm: hạ sườn phải, thượng vị, hạ sườn trái, hông phải, quanh rốn, hông trái, hố chậu phải, hạ vị, hố chậu trái.

4 góc phần tư gồm: góc phần tư phía trên bên phải, góc phần tư phía dưới bên phải, góc phần tư phía trên bên trái và góc phần tư phía dưới bên trái.

Các cơn đau ở 9 vùng, 4 góc phần tư này thường liên quan tới các cơ quan cụ thể như sau:

Bắt bệnh qua vị trí đau trên bụng: Nếu kèm các triệu chứng này cần đi khám ngay lập tức - Ảnh 1.

Vị trí đau bụng cảnh báo bệnh (Ảnh: LC)

Các nguyên nhân thường gặp của đau bụng

Hầu hết các nguyên nhân gây đau bụng là các yếu tố có tính chất cấp tính và không nghiêm trọng, liên quan tới quá trình tiêu hóa hoặc nhiễm trùng tạm thời.

Vấn đề liên quan quá trình tiêu hóa

Ví dụ đau bụng sau khi ăn thường là do khó tiêu, đầy hơi, táo bón, tiêu chảy, dị ứng và không dung nạp thực phẩm, ngộ độc thực phẩm.

Viêm nhiễm

Kích ứng hoặc nhiễm trùng trong các cơ quan nội tạng có thể gây viêm tạm thời, chẳng hạn như viêm dạ dày do virus, viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược axit dạ dày, nhiễm trùng đường tiết niệu.

Ngoài ra, các vấn đề liên quan tới phần phụ cũng có thể gây đau bụng. Các cơn đau âm ỉ, tái đi tái lại cũng có thể là triệu chứng của ung thư.

Đau bụng thế nào là nguy hiểm?

Nếu cơn đau bụng nghiêm trọng, không có dấu hiệu đỡ, cần tới ngay các cơ sở y tế để được thăm khám.

Bạn cũng cần đi khám ngay khi cơn đau bụng đi kèm với các triệu chứng như:

- Táo bón nặng hơn 2 ngày;

- Các dấu hiệu mất nước như đi tiểu thường xuyên, nước tiểu sẫm màu, khát nước;

- Không tiểu được, đặc biệt nếu có kèm nôn;

- Tiểu đau, tiểu nhiều;

- Sốt;

- Cơn đau kéo dài hơn vài giờ;

- Nôn hoặc đại tiện ra máu, nôn liên tục;

- Khó thở;

- Bụng sưng, cứng;

- Vàng da;

- Giảm cân không rõ nguyên nhân.

Nguồn: Manhattan Gastroenterology, Cleveland Clinic, WebMD

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại