Báo quân sự Nga: Su-35 là lựa chọn tốt nhất cho Việt Nam bảo vệ Biển Đông

Hồ Trung Nghĩa |

Theo bình luận của Topwar.ru - tờ báo chuyên về quân sự - quốc phòng của Nga, việc Việt Nam lựa chọn mua Su-35 sẽ tốt hơn rất nhiều so với Rafale hoặc Gripen trong chiến lược bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.

Trong bài viết đăng ngày 5/5/2016, tờ TopWar.ru của Nga đã đưa ra nhiều bình luận về tính chính xác và khả năng mua các loại máy bay chiến đấu phương Tây như Rafale hoặc Gripen của Việt Nam.

Theo TopWar.ru, thời gian qua, báo chí quốc tế tràn ngập các tin đồn đoán rằng, Hà Nội đang có kế hoạch mua sắm các máy bay tiêm kích đa năng thế hệ 4++, với mục đích là nhằm duy trì sự kiểm soát đối với quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.

Những tin đồn này lại càng mạnh hơn với sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ, với việc Việt Nam có thể được trang bị loại máy bay trinh sát, săn ngầm P-8A, cùng với việc Mỹ có thể sử dụng cả các máy bay không người lái bí mật, những hành động đó lại càng làm cho sự việc trên càng thêm ồn ào.

Nhiều nhà quan sát còn cho rằng Việt Nam sẽ từ bỏ nguồn cung cấp vũ khí truyền thống là Nga để hướng tới phương Tây với những hợp đồng cùng các máy bay chiến đấu chiến thuật, và nhằm giải thích rằng họ đang hướng chính sách đối ngoại về phương Tây.

Vừa qua, hãng tin Reuters của Anh cho biết từ một nguồn tin giấu tên rằng, Việt Nam đang có kế hoạch trang bị từ phương Tây 12 máy bay chiến đấu, có thể là Rafale hoặc Gripen.

Tin này được cho là "rò rỉ", cùng với việc Việt Nam có kế hoạch trang bị cả máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4++ như Su-35S của Nga. Tuy nhiên không có sự xác nhận nào về một kế hoạch như vậy.

Trong thương mại và kinh tế, Việt Nam và Hoa Kỳ đang có mối quan hệ khá thân thiết, với kim ngạch thương mại đạt đỉnh 38 tỷ USD, trong khi với Nga chỉ 4 tỷ USD...

Để đạt được những thành tựu đó, trước hết là do hai bên đã thiết lập được mối quan hệ ngoại giao "bình thường" 20 năm trước, hai là Hoa Kỳ đã nhìn thấy được ảnh hưởng địa chiến lược tuyệt vời của Việt Nam đối với khu vực Đông Nam Á.

Trong năm 2005, tại một cuộc họp giữa Thủ tướng Phan Văn Khải và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ ngài Rumsfeld tại Washington, hai bên đã kích hoạt mối quan hệ hợp tác về quân sự giữa hai nước.

Từ đó và sau này là phát triển thành việc chia sẻ thông tin tình báo "chính thống" cùng với việc Hoa Kỳ giúp đào tạo các học viên Việt Nam trong các học viện quân sự của Mỹ với tiêu chuẩn phương Tây.

Trong cuộc gặp gỡ này, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã dùng những từ ngữ nhằm để "mở đường" cho việc xây dựng một mối quan hệ thuận lợi, trên cơ sở cơ bản là chính sách đối ngoại và kinh tế.

Tuy nhiên về sâu rộng hơn là các giải pháp nhằm đối phó với vấn đề quân sự hóa Biển Đông ngày hôm nay của Trung Quốc tại các quần đảo ở Biển Đông. Sẽ có nhiều chi tiết thú vị của mối quan hệ hợp tác Việt Nam và Hoa Kỳ sắp diễn ra vào tháng 5 năm 2016.

Nhưng cho dù quan điểm của phương Tây thế nào đi nữa thì có một điều không thay đổi và thậm chí là trong một thời gian rất dài, yếu tố cơ sở của kỹ thuật-quân sự Việt Nam là 90% vũ khí của Nga, như các máy bay chiến đấu Su-30MK2, Su-27SK/UBK...

Vấn đề đầu tiên của những tàu chiến tiên tiến Trung Quốc như Type-052C (Lan Châu, Côn Minh...) là các tên lửa diệt hạm tầm xa Kh-59MK được trang bị đầu tự dẫn radar chủ động có thể xuyên qua lớp "giáp" HQ-9 của chúng.

Vì vậy không thể nói rằng không quân Việt Nam không có sức răn đe. Su-30MK2 Việt Nam có thể không chiến với các máy bay chiến đấu Trung Quốc như J-10A, J-11... hay Su-30MKK.

Tuy nhiên ưu thế vẫn nằm về phía Trung Quốc về số lượng máy bay chiến đấu. Do đó phía Không quân Nhân dân Việt Nam thực sự cần thêm máy bay chiến đấu chiến thuật.

Trang bị của Không quân Việt Nam hiện nay có các máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2V với ưu điểm là rất cơ động nhờ được trang bị động cơ AL-31F, hơn cả Rafale và Gripen.

Nhưng máy bay chiến đấu Su-30MK2V được trang bị loại ra đa N001VE nâng cấp với khả năng phát hiện mục tiêu máy bay chiến đấu ở khoảng cách 130 km. Như vậy là chưa đủ để đối đầu với các máy bay chiến đấu tầm xa như Su-27/30 và J-11B hay J-15S của Trung Quốc.

Tuy nhiên Su-30MK2V cũng có những lợi thế đáng nể cùng ra đa N001VE với khả năng không-đối-không và không-đối-biển và các khả năng khác có thể nói là không thua kém so với Su-30MKI.

Với những gì đang diễn ra thì phía Việt Nam nên xác định các hợp đồng tiếp theo là máy bay chiến đấu của Nga.

Phải công nhận là phía Việt Nam đang sử dụng một lượng lớn máy bay Nga, các kỹ năng chiến thuật và kỹ thuật cũng như các kinh nghiệm có được từ việc khai thác các máy bay chiến đấu Su-30MK2 và Su-27SK.

Một số thông tin còn tiết lộ rằng, hiện tại Ấn Độ đã giúp đỡ việc đào tạo cho các phi công Việt Nam với dòng máy bay Su-30MKI.


Không quân Thái Lan cũng đang sử dụng tiêm kích Gripen. (Ảnh minh họa)

Không quân Thái Lan cũng đang sử dụng tiêm kích Gripen. (Ảnh minh họa)

Ở khu vực Đông Nam Á, cũng đã có một quốc gia sử dụng dòng máy bay chiến đấu Gripen là không quân Thái Lan với 8 Jas-39C và 4 Jas-39D. Nếu Việt Nam cũng học theo Thái Lan trang bị Gripen, họ sẽ sớm thất vọng.

Thứ nhất, là bán kính chiến đấu thấp của Gripen (gần 900 km) sẽ không cho phép phía không quân Việt Nam có thể tuần tra vùng biển vùng trời ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cùng với đó, việc trang bị 12 máy bay chiến đấu sẽ là quá ít để có thể bắt đầu cuộc đối đầu nào với lực lượng không quân Trung Quốc.

Thứ hai, máy bay chiến đấu Gripen được trang bị loại radar PS-05 của Ericsson với tầm phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 65 km không cho phép không chiến với ngay cả phiên bản tiêu chuẩn của J-10A với tầm phát hiện mục tiêu gần 100 km.

Ngay cả việc Gripen được trang bị các loại radar khác tinh vi hiện đại hơn cũng không thể vượt qua được 24 chiếc Su-35 được trang bị radar Irbis mà Trung Quốc sắp tiếp nhận.

Ngoài ra, phía Trung Quốc đã đi đến giai đoạn cuối của việc sản xuất các máy bay chiến đấu thế hệ mới nội địa như J-31, J-15, J-20 tại các nhà máy Thẩm Dương và Thành Đô.

Trong khi đó, dòng máy bay chiến đấu Rafale của Pháp có bán kính chiến đấu lớn hơn nhiều so với Gripen, từ 1.300 - 1700 km, tùy thuộc vào chế độ bay.

Rafale được trang bị radar RBE-2AA với phạm vi phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 160 km, có thể nói là quá yếu để đáp ứng được yêu cầu quân sự chiến thuật của Việt Nam, vì radar RBE-2AA vẫn yếu hơn so với radar N035 "Irbis-E”.

Bên cạnh đó, hệ thống thông tin liên lạc của Rafale không đồng bộ với tổ hợp K-DlAE được phía Nga tích hợp sẵn trên Su-30MK2 của Việt Nam, và mức giá hàng trăm triệu USD sẽ không thể thu hút được sự quan tâm của Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Với những gì đã có sẵn và hiệu quả chiến đấu cao lẫn giá hợp lý vẫn là các máy bay Su-35S của Nga, cùng việc tiêu tốn rất ít chi phí và thời gian để đào tạo chuyển loại máy bay, cùng với sự hỗ trợ hậu cần kỹ thuật dành cho Su-30MK2 của không quân Việt Nam.

Việc Nga bán tiêm kích đa năng Su-35S cho Việt Nam về cơ bản sẽ thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực và cân bằng với kế hoạch Trung Quốc trang bị Su-35. Việc này sẽ mở ra triển vọng đối với việc kiểm soát các quần đảo của Việt Nam trên Biển Đông.

(Còn nữa)

Phần 2: "Con át chủ bài" ít người biết của Việt Nam khiến TQ phải kiêng dè

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại