Siêu hạm Nga đắp chiếu vì thiếu động cơ, Việt Nam có nên mua lại?

Hải Dương |

Hai tàu hộ vệ tên lửa Dự án 20385 lớp Gremyashchy của Hải quân Nga vẫn đang trong tình trạng "đắp chiếu dài hạn" do thiếu động cơ nhập khẩu từ Đức.

Ông Leonid Kuzmin - Giám đốc phụ trách mảng thị trường của nhà máy đóng tàu Severnaya Verf cho biết, các tàu hộ vệ tên lửa Dự án 20385 được đóng mới theo đơn đặt hàng của Hải quân Nga vẫn đang trong tình trạng không thể hoàn thiện do thiếu động cơ nhập khẩu từ Đức.

Việc Đức đơn phương chấm dứt hợp đồng cung cấp hệ thống động lực dành cho tàu chiến của Nga được lý giải là do tuân thủ theo lệnh cấm vận vũ khí mà châu Âu áp đặt lên Nga, vì những cáo buộc liên quan đến tình hình khủng hoảng ở Ukraine.

Mặc dù Nga đang nỗ lực tiến hành thử nghiệm động cơ diesel loại mới nhằm thay thế, tuy nhiên công việc là không hề đơn giản và có thể hoàn thành trong thời gian ngắn, khiến hải quân nước này phải quay lại đóng thế hệ cũ hơn là Dự án 20381.


Mô hình tàu hộ vệ tên lửa Dự án 20385 lớp Gremyashchy

Mô hình tàu hộ vệ tên lửa Dự án 20385 lớp Gremyashchy

So với "người tiền nhiệm" Steregushchy, ngoài khác biệt ở động cơ MTU của Đức, cấu hình vũ khí của Gremyashchy mạnh hơn rất nhiều.

Thay đổi đáng kể nhất là bệ phóng tên lửa 9M96 của hệ thống phòng không Redut bố trí phía trước thượng tầng đã được di chuyển ra phía sau hangar, nhường chỗ cho bệ phóng đa năng UKSK tương thích với phi đạn hành trình chống hạm siêu âm họ Klub.

Với trang bị như trên, sức mạnh của các khinh hạm lớp Gremyashchy được đánh giá còn vượt trội nhiều tàu chiến mặt nước cỡ 4.000 tấn khác, khi nó đảm trách tốt cả vai trò "sát thủ diệt hạm" lẫn phòng không hạm đội.


Tàu hộ vệ tên lửa Đô đốc Grigorovich Dự án 11356P/M

Tàu hộ vệ tên lửa Đô đốc Grigorovich Dự án 11356P/M

Trước đó, cũng vì lý do tương tự là thiếu động cơ do Ukraine sản xuất mà Nga đã buộc phải rao bán 3 tàu hộ vệ tên lửa thuộc Dự án 11356P/M.

Tuy rằng đây là những chiến hạm rất tiên tiến, nhưng do chi phí quá đắt đỏ cộng với lượng giãn nước hơi vượt quá nhu cầu của Hải quân Việt Nam, cho nên chúng ta đã không thể tiếp cận được món hàng thanh lý chất lượng cao trên.

Nhưng với Dự án 20385 thì lại khác, đây là lớp chiến hạm có lượng giãn nước 2.000 tấn tương đương với Gepard 3.9 trong khi sức mạnh vượt trội gấp nhiều lần.

Khả năng Nga buộc phải bán đi 2 chiếc Gremyashchy và Provornyy cũng là rất cao, do họ đang thiếu kinh phí để đóng tiếp khinh hạm thuộc Dự án 20381. Giữ lại và nghiên cứu chế tạo từ đầu 2 bộ động cơ riêng lẻ không phải là giải pháp tối ưu.

Trong hoàn cảnh thương vụ SIGMA 9814 đang bị "treo" vô thời hạn, tương lai Việt Nam đang rất thiếu một tàu chiến mặt nước có khả năng lập "ô phòng không" cho hạm đội.

Do có thể chuyển giao nhanh chóng vì đã gần hoàn thành, nếu Việt Nam liên hệ được với phía Đức để mua lại các động cơ MTU như đã làm với cặp Gepard thứ hai thì chúng ta sẽ đứng trước cơ hội sở hữu một cặp tàu chiến mặt nước cực mạnh.

Đây là phương án nên được lưu tâm nhằm phục vụ cho tiến trình đưa lực lượng hải quân tiến thẳng lên hiện đại của Việt Nam, bởi vì cơ hội trên không dễ dàng có được lần thứ hai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại