Mới đây, trang tin АяиПPO đăng tải bài viết nhan đề "Испытания танков «Армата» в Сирии вызвали сомнения" (tạm dịch: Nghi vấn xung quanh việc Nga đưa xe tăng "Armata" tới thử nghiệm ở Syria).
Nhằm đem lại cho độc giả một phân tích khá độc đáo từ các chuyên gia Nga, liên quan tới việc Moscow quyết định đưa xe tăng hiện đại T-14 Armata tới thực chiến ở Syria, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Tuyên bố đưa T-14 Armata tới Syria, Nga đang muốn điều gì?
Những nghi vấn liên quan tới uẩn khúc đằng sau việc Nga đưa xe tăng tối tân nhất tới "thao trường Syria" khiến chúng ta cần phải đặt ra một câu hỏi: "Tuyên bố ầm ĩ" này hướng tới ai?
Xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-14 Armata, ứng cử viên cho vị trí "bá chủ" trong lĩnh vực chế tạo xe tăng thế giới đang “thử lửa” tại Syria, nhưng thông tin lại không xuất phát từ giới quân sự Nga, mà lại từ một vị Bộ trưởng Công thương.
Tới đây, có thể thấy câu chuyện liên quan tới T-14 Armata và chiến trường Syria mang ý nghĩa thương mại nhiều hơn là quân sự – rõ ràng đây là một hành động quảng cáo để xuất khẩu vì thực tế là nhà sản xuất vẫn chưa nhận được "cái gật đầu" cuối cùng của quân đội Nga.
Tại sao lại như vậy? Vấn đề đầu tiên là giá thành, chi phí cho mỗi chiếc T-14 Armata khá cao ở thời điểm hiện tại.
Thứ hai và cũng là quan trọng nhất, các kíp lái xe tăng Nga đang được huấn luyện tập trung để tiếp nhận biến thể mới nhất của dòng xe tăng T-90, T-90M "Proryv-3".
Bộ Quốc phòng Nga đã hoàn tất việc đặt mua gần 1.500 chiếc T-90M, trong khi đó số T-14 Armata được đưa vào trang bị chỉ vỏn vẹn 20 chiếc. Kể cả khi hợp đồng cung cấp 100 chiếc nữa được bàn giao xong, số lượng của chúng cũng chỉ bằng 8% so với T-90M.
Quân đội Nga nhận bàn giao chiếc xe tăng T-90M "Proryv-3" đầu tiên hôm 22/4 (Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga)
Bài toán kinh tế của người Nga
Ở Nga, T-14 Armata được gọi là “cỗ xe tăng để duyệt binh” vì số lượng hiện tại của chúng chỉ đủ để tham gia vào các cuộc thử nghiệm và những lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ở Moscow.
Tuy nhiên, dự án Armata đang đứng trước một "tương lai tươi sáng", chỉ đơn giản là do các thiết kế của nó được đánh giá là "vượt thời gian".
Điều này đồng nghĩa với việc chiếc xe tăng với những tính năng kỹ thuật và năng lực độc đáo lại không nhận nhiều "sự quan tâm", hay nói cách khác là “Nó là cần thiết, nhưng thiếu nó, tạm thời chúng ta vẫn có thể chịu đựng được”.
Nhưng với quan điểm nói trên và bài toán kinh tế để cân bằng chi phí nghiên cứu, phát triển không hề nhỏ đã phải bỏ ra, Moscow sẽ phải đối mặt với một vấn đề khác: Bằng cách này hay cách khác, họ phải tiêu thụ được "sản phẩm" này.
Tới đây, chúng ta có thể ánh xạ tới quá trình phát triển của T-90 từ cơ sở là T-72, dòng xe tăng đã được "thử lửa" nhiều chục năm và trở nên rất "đắt hàng".
Với T-90, nhà sản xuất khí tài thiết giáp hạng nặng chủ lực của Nga “Uralvagonzavod” không chỉ hiện đại hóa thiết kế xe tăng từ thập niên 1970 mà họ đã đưa chiếc MBT lên "một tầm cao mới".
Khi quân đội Nga tiếp nhận những chiếc T-90AM đầu tiên, biến thể T-90S với mức giá gần 2,5 triệu USD/chiếc và biến thể nâng cấp sâu T-90MS với giá 4,3 triệu USD đã được mang ra xuất khẩu.
Hợp đồng ủy quyền lắp ráp xe tăng T-90S/SK với Ấn Độ (mà theo đó họ sẽ tiếp nhận thêm 464 bộ phụ tùng để tự lắp ráp_ mang lại cho Uralvagonzavod tối thiếu 2,8 tỷ USD. Và ngạc nhiên thay, số tiền này đúng bằng chi phí phải bỏ ra để sản xuất xe tăng đáp ứng nhu cầu trong nước.
Những chiếc xe tăng trong một nhà máy lắp ráp được cho là ở Ấn Độ (Nguồn: News Click India).
Syria là "địa chỉ vàng" để tiến hành quảng bá vũ khí?
Hiện tại, người Nga cần phải thuyết phục các khách hàng rằng Armata là một nền tảng độc đáo, là một giải pháp quân sự tương lai bao gồm không chỉ là xe tăng mà còn là xe chiến đấu bộ binh và các loại xe kỹ thuật.
So sánh "trên giấy" các tính năng kỹ-chiến thuật của T-14 Armata với Abrams М1А1 của Mỹ hay Leopard 2А6 của Đức khó có thể gây ấn tượng cho khách hàng, nhưng năng lực bộc lộ trong thực chiến rõ ràng rất đáng quan tâm.
Rõ ràng hiệu quả trong thực chiến của khí tài càng lớn thì nhu cầu trang bị nó càng cao.
Cũng như súng trường tấn công AK, xe tăng T-90 đã "chứng tỏ bản thân" rất tốt ở chiến trường Syria và nhanh chóng ký được các đơn hàng lớn. Hay khi Thổ quyết tâm lựa chọn S-400 Triumph thay cho Patriot, họ đã vô tình “quảng bá” dòng vũ khí hiện đại hóa từ S-300 này.
Tạm thời, T-14 Armata vẫn chưa được quảng bá theo cách này. Chúng chưa tham gia vào các chiến dịch quân sự.
Và nếu lưu ý việc T-14 Armata chưa được trang bị rộng rãi trong quân đội Nga, thì những "chiêu trò" nhằm khẳng định sự xuất chúng trong tính năng chiến đấu của chúng là điều cần thiết.
Su-57 của Nga từng có mặt trên bầu trời Syria, thậm chí có người còn nói nó đã “chạm mặt” với F-35 của Mỹ. Tại sao T-14 Armata lại không thử sức trên chiến trường Syria? Hay chỉ cần tuyên bố rằng điều đó đã diễn ra?
Mới đây, tờ VZGLYAD (Nga) đã đăng tải bình luận của ông Victor Mukharovsky, chuyên gia quân sự Nga và cũng là cựu binh xe tăng như sau:
“Tung Armata vào chiến trường Syria – đó là một chuyện cổ tích đẹp. Nhưng nên đưa chúng vào thao trường, những nơi có điều kiện gần nhất với thực tế chiến đấu.
Hiện nay chúng ta (Nga) chỉ có một thao trường như vậy tại Syria. Lực lượng Nga tại nước cộng hòa Arab này hiện không đụng độ vũ trang trực tiếp với bất cứ bên nào tham gia vào cuộc xung đột.
Chúng ta đang giữ quan điểm trung lập trước Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề Idlib, nơi từng viên đạn bắn ra đều được ghi nhận. Với năng lực trinh sát từ trên không của người Mỹ, sự xuất hiện của T-14 Armata không thể qua mắt được họ.
Theo một kế hoạch nào đó, các xe tăng mới của Nga sẽ được đưa tới Syria nhưng chỉ sau khi một sự kiện “long trời lở đất” diễn ra ở nước này (nhiều khả năng là cuộc xung đột giữa Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Quân đội Arab Syria (SAA) ở tỉnh Idlib trong tháng 2 và 3/2020)”.
Hình minh họa.
Ai sẽ mua T-14 Armata ở Trung Đông?
Khoảng 1 tuần trước, một loạt các tờ báo, ban đầu là của Syria và Thổ và sau đó là cả của Nga đưa tin về việc gần 150 xe tăng và thiết giáp đã được đưa tới cảng Tartus của Syria bằng tàu đổ bộ cỡ lớn “Saratov”. Chuyến hàng được cho là bù đắp những thiệt hại của SAA ở tỉnh Idlib.
Các tàu đổ bộ cỡ lớn của Nga có khả năng vận chuyển được 10-13 xe tăng, hoặc 30-35 xe thiết giáp và 300 lính thủy đánh bộ. Trong thành phần lô hàng có thể là vài chiếc T-14 Armata nhằm nhằm kiểm tra tính ổn định trên điều kiện chiến trường Syria.
Quan điểm của Bộ Quốc phòng Nga trong câu chuyện này là khá khó hiểu. Họ không xác nhận, cũng chẳng phủ nhận thông tin nói trên. Và nếu “chuyến công tác” của các tiêm kích Su-57 tới Syria được họ tuyên bố rộng rãi, thì tại sao họ lại lựa chọn im lặng khi nói tới T-14 Armata.
Tới đây, có thể đưa ra giả định rằng xe tăng đã tới Syria theo “con đường khác”. Và không loại trừ khả năng không phải để thử nghiệm, mà là lô hàng xuất khẩu đầu tiên.
Chuyên gia người Nga trong lĩnh vực sản xuất xe tăng, ông Constantin Belousov bình luận:
"Thị trường tiềm năng của Armata hướng vào Trung Đông, Châu Âu, Trung Quốc, Ai Cập.
Tốc độ nhanh, hỏa lực mạnh, sở hữu các hệ thống phòng vệ hiện đại và quan trọng nhất là khả năng hoạt động trong điều kiện sa mạc biến T-14 Armata thành một "sát thủ Trung Đông”, món hàng hấp dẫn nhất đối với quân đội các nước Arab.
Đối với Nga, chiếc xe tăng vẫn trong giai đoạn hoàn thiện này rất đắt đỏ, và việc họ nhanh chóng mua những chiếc T-90M "Proryv-3" có ít tính năng hơn nhưng lại là giải pháp hiệu quả là một lựa chọn không tồi ở thời điểm hiện tại.
Nhưng nếu T-14 Armata được xuất khẩu để cân bằng chi phí trang bị trong tương lai thì điều này hoàn toàn dễ hiểu.
Điều quan trọng là phải bán chiếc xe tăng này càng sớm càng tốt. Mà để làm được điều đó "theo một cách đẹp mắt", thì có lẽ câu chuyện về chuyến thử nghiệm tại Syria lúc này là rất cần thiết".
Xe tăng T-14 Armata trong quá trình thử nghiệm