"Trò cút bắt" của Mỹ và Iran xung quanh eo biển Hormuz?
Trong quá khứ, việc sử dụng dầu mỏ như một thứ vũ khí đã biến Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trở thành những "con hổ không cần tới móng vuốt".
Việc những "con hổ" cắt đứt nguồn cung dầu liên quan tới yêu cầu Israel rút quân khỏi các vùng đất đã chiếm trong Chiến tranh 6 ngày năm 1967 là nguồn cơn dẫn tới khủng hoảng kinh tế nặng nề ở Phương Tây những năm 1970.
Các thành viên của OPEC thường xuyên đe dọa sẽ "khóa" eo biển Hormuz nhằm chứng minh năng lực gây tổn thương cho các đối thủ và thu được lợi nhuận nhiều hơn khi giá dầu mỏ tăng cao.
Hiện tại, Iran vẫn tiếp tục theo đuổi chiến thuật này nhằm gây thiệt hại tối đa cho Mỹ và các đồng minh khu vực, đồng thời gây áp lực với Phương Tây và đem lại lợi thế cho mình trên bàn đàm phán liên quan tới Thỏa thuận hạt nhân 2015.
Vào tháng 12/1973, một lệnh cấm vận dầu mỏ đã dược OPEC áp đặt với Mỹ, Hà Lan và Đan Mạch liên quan tới việc yêu cầu Israel rút quân khỏi các vùng đất đã chiếm trong Chiến tranh 6 ngày năm 1967. Cho tới khi cấm vận được dỡ bỏ tháng 3/1974, giá dầu đã tăng gấp 3 lần.
Vào trung tuần tháng 4/2020, Iran đã triển khai tên lửa chống hạm tới đảo Qeshm ở eo biển Hormuz và tung 11 tàu cao tốc "quấy rối" 6 tàu chiến Mỹ. Nhưng những phản ứng sau đó của Washington có vẻ vẫn là chưa đủ đối với Tehran.
Ngày 21/4, Tư lệnh Hải quân Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Đô đốc Alireza Tangsiri cho biết họ đang sở hữu tên lửa chống hạm có thể tiêu diệt tàu sân bay Mỹ ở khoảng cách lên tới 700 km.
Chiều ngày 22/4, IRGC tuyên bố phóng thành công vệ tinh quân sự Noor bằng tên lửa 3 tầng đẩy Qased. Năng lực tiệm cận Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) uy hiếp khu vực Bắc Mỹ như "giọt nước tràn ly" đã kích hoạt phản ứng "dữ dội" của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thông qua mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ cho biết: "Tôi đã ra lệnh cho Hải quân Mỹ tiêu diệt và phá hủy bất kỳ tàu chiến Iran nào nếu họ dám quấy nhiễu tàu của chúng tôi trên biển".
Tuy thông điệp của ông Trump không phải là một mệnh lệnh nhưng nếu một viên chỉ huy hải quân "hiểu sai vấn đề" thì lần tới, khi người Iran cố tình "diễn trò" trước mũi tàu chiến Mỹ, số phận của những con tàu cao tốc có thể sẽ kết thúc dưới đáy biển.
Chắc chắn khi IRGC bị thiệt hại nặng, họ sẽ kích hoạt phương án trả đũa mà họ đã lên kế hoạch từ lâu: Phong tỏa eo biển Hormuz bằng thủy lôi và tên lửa chống hạm.
Một kế hoạch tấn công tàu địch tại eo biển Hormuz của lực lượng Hải quân Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Mắc bẫy ông Trump, Iran gián tiếp cứu công nghiệp dầu mỏ Mỹ?
Ngày 20/4 (21/4 giờ Việt Nam) đã trở thành ngày lịch sử của ngành dầu mỏ thế giới, sau khi giá dầu thô WTI (dầu ngọt nhẹ Tây Texas, Mỹ) giao tháng 5 rơi xuống mức -37,63 USD/thùng.
Theo ông Stephen Innes, chiến lược gia của AxiCorp: "Lúc này, thị trường toàn cầu đang dũng cảm chiến đấu nhưng nhu cầu đang giảm không tưởng vì đại dịch Covid-19".
Hãng tin CNN thì cho biết hàng trăm công ty dầu mỏ Mỹ có nguy cơ phá sản.
Hầu hết các đại gia đứng đầu ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ đều đã vay nợ lớn trong giai đoạn trước và một số trong nhóm này có thể sẽ không thể sống sót sau đợt suy giảm giá dầu lịch sử này.
Hàng trăm doanh nghiệp dầu mỏ Mỹ đứng trước nguy cơ phá sản do giá dầu quá thấp.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 1/2020, CEO công ty dầu khí Chevron, Michael Wirth bình luận:
"Tôi còn nhớ vào giữa tháng 9/2019, giá dầu thô tăng gần 15% một ngày sau cuộc tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình vào các cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Aramco ở Arab Saudi.
Còn vụ Mỹ ám sát Tướng Soleimani vào ngày 3/1/2020 đã khiến giá dầu tăng gần 4%".
Trong một bài viết được Forbes xuất bản ngày 23/4, nhà phân tích Tim Treadgold cho rằng để "cứu vớt" giá dầu, thế giới chỉ cần làm điều mà Iran đã đe dọa Mỹ và đồng minh nhiều thập kỷ: Đóng cửa eo biển Hormuz.
Nhà phân tích người Australia hóm hỉnh "trớ trêu thay, khi chúng ta trao cho Iran cơ hội thực hiện chính xác những gì họ đã đe dọa, tạo ra "nút thắt" chặn 30% nguồn dầu mỏ đến phần còn lại của thế giới - sẽ khiến giá dầu tăng phi mã".
Iran, Iraq, UAE, Arab Saudi, Kuwait, Qatar và Bahrain chắc chắn là những bên chịu thiệt hại kinh tế nặng nề khi Hormuz bị "khóa" do đa phần nguồn thu của họ phụ thuộc vào xuất khẩu dầu chủ yếu qua eo biển.
Nhưng đối với người Mỹ, việc Iran tuyên bố phong tỏa eo biển Hormuz ở thời điểm hiện tại có thể là một tín hiệu tốt cho ngành công nghiệp dầu mỏ nước này khi giá dầu tăng trở lại.
Tàu tấn công nhanh Iran uy hiếp tàu chiến Hải quân Mỹ trên vịnh Ba Tư