Báo động tai nạn do trẻ tự chế pháo nổ tăng cao

Dương Liễu |

Các bác sĩ nhận định đặc điểm chung của các vụ nổ pháo trên là trẻ muốn khám phá, tự tìm mua nguyên liệu trên mạng xã hội và tìm các video hướng dẫn để thực hiện...

Báo động tai nạn do trẻ tự chế pháo nổ tăng cao - Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám sau phẫu thuật cho bệnh nhân gặp tai nạn do pháo nổ - Ảnh: BVCC

Các clip hướng dẫn làm pháo nổ hay còn gọi là "pháo cối" rất nguy hiểm. Điều này khiến nhiều trẻ bị tai nạn vì pháo tự chế tăng cao, có trẻ bị chấn thương nghiêm trọng, thậm chí không ít trường hợp tử vong.

Dễ dàng mua - bán

Chỉ cần gõ "Cách tạo chế pháo nổ", "Nguyên liệu làm pháo" trên các trang mạng xã hội như: Facebook, TikTok, sàn thương mại điện tử..., nhận được hàng loạt các kết quả hướng dẫn làm pháo nổ, rao bán công khai nguyên liệu làm pháo.

Trên một trang thương mại điện tử H.T. rao bán "bột than xoan mịn" có công dụng chuyên sử dụng để bón rau. Tuy nhiên, khi liên hệ vào số điện thoại trang này, một nữ nhân viên cho chúng tôi biết loại bột than này có thể dùng để chế tạo pháo, tạo ra tiếng nổ rất lớn.

Dù giới thiệu là dùng để tưới rau tốt tươi, nhưng thực chất có nhiều công dụng trong đó có cả chế pháo nổ. Nữ nhân viên này cho chúng tôi biết giá là 45.000 đồng/kg, muốn mua bao nhiêu có bấy nhiêu.

Trên mạng xã hội TikTok có hàng trăm clip hướng dẫn làm pháo nổ bằng các nguyên liệu như kaliclorat (KCL03), lưu huỳnh, hộp diêm, quẹt lửa... hứa hẹn tạo ra những tiếng nổ lớn.

Đặc biệt, mạng xã hội YouTube có hàng trăm clip hướng dẫn làm pháo nổ hay còn gọi là "pháo cối". Thậm chí nhiều nơi còn bán cả "combo" kèm theo hướng dẫn tỉ mỉ để người mua dễ dàng thực hiện.

Tai nạn thương tâm vì pháo tự chế

Mới đây ngày 27-12-2022, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) đã tiếp nhận điều trị bệnh nhi N.M.T. (12 tuổi, ngụ Đắk Lắk) nhập viện trong tình trạng thương tích ở mặt, mắt, ngực, tay... do pháo nổ. Hiện bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch.

Theo thông tin từ gia đình, ngày 25-12, em T. và ba người bạn gần nhà đặt mua nguyên liệu trên mạng rồi cùng chế tạo pháo.

Hậu quả, pháo nổ khiến hai em trong nhóm tử vong, một em đang tiếp tục điều trị tại bệnh viện tuyến dưới, còn T. thì được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2.

Em đã được các bác sĩ tầm soát các thương tổn, phẫu thuật cắt lọc vết thương, lấy dị vật, khâu vết thương và điều trị bỏng mắt. Bệnh nhi được điều trị tích cực, hiện đã tạm qua cơn nguy kịch, tình trạng dần ổn định.

Trước đó, bệnh viện cũng điều trị cho một số trẻ em bị tai nạn tương tự. Trong đó, có một thiếu niên nam 15 tuổi (ngụ Bình Thuận) bị tai nạn trong lúc tự chế pháo, vĩnh viễn mất đi ba ngón tay (ngón 2, 3, 4) ở bàn tay phải, kèm vết thương rất nặng ở lòng bàn tay.

Trường hợp khác 14 tuổi (ngụ Bình Phước) đã bỏ lưu huỳnh vào máy xay sinh tố khiến máy bị cháy và làm em phỏng nặng. Tuy các em được cứu chữa nhưng đều để lại di chứng suốt đời.

Tương tự, tại Hà Nội liên tiếp những vụ tai nạn do sử dụng pháo nổ tự chế hoặc tự chế pháo nổ theo hướng dẫn trên mạng để chơi.

Bệnh nhân nam 15 tuổi (trú tại Nam Định) vừa cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108 trong tình trạng nát bàn tay phải, gãy đốt một ngón tay phải, bờ nham nhở, lộ cân cơ do pháo.

Các bác sĩ nhận định đặc điểm chung của các vụ nổ pháo trên là trẻ muốn khám phá, tự tìm mua nguyên liệu trên mạng xã hội và tìm các video hướng dẫn để thực hiện.

ThS - bác sĩ Nguyễn Điện Thanh Hiệp - Viện chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 - cho biết: "Pháo phát nổ có thể gây chấn thương phần mềm, rách da. Hội chứng sóng nổ gây đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay chân... Các chấn thương do pháo thường tùy thuộc vào lượng nổ và tính chất quả pháo".

Theo bác sĩ CKI Nguyễn Hiền - khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), gia đình và nhà trường cần quan tâm và tăng cường giáo dục hơn nữa để trẻ nhận thức được hành vi tự chế pháo là vi phạm pháp luật. Nguy hiểm hơn, hành vi này đe dọa đến tính mạng của bản thân và những người xung quanh.

Tổn thương đa cơ quan do pháo

Theo các bác sĩ, pháo tự chế gây nổ không chỉ gây phỏng, chấn thương phần mềm mà còn nguy hại đến hệ hô hấp, tổn thương mắt. Trong trường hợp lượng pháo nổ không lớn vẫn có thể nhiễm độc khói hóa chất, đặc biệt đối với người có tiền sử bệnh hen suyễn, hô hấp.

Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho hay sức ép của vụ nổ pháo có thể xé toang nhãn cầu, làm thoát dịch và mô nội nhãn ra ngoài. Nếu vỏ bọc nhãn cầu còn nguyên vẹn thì sức ép, xung chấn cũng sẽ gây tổn thương các môi trường nội nhãn như phù giác mạc, chảy máu trong, sa lệch thể thủy tinh, rách võng mạc...

Đặc biệt, dị vật chui vào trong mắt sẽ gây hủy hoại các mô mắt, là nguồn nhiễm trùng và viêm nhiễm dai dẳng, đau đớn kéo dài đến vài năm cho nạn nhân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags

pháo

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại