Nâng cao nhận thức hiểu biết kỹ năng thực hành đúng về dinh dưỡng
Với thông điệp là “Hành động hôm nay, Tương lai ngày mai; Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh vì Một Thế giới KHÔNG còn nạn đói”.
Thông điệp này kêu gọi các cấp, các ngành và toàn xã hội hãy chung góp sức, cùng hành động nhằm giúp cho tất cả mọi người có cơ hội dễ dàng tiếp cận hơn với chế độ ăn uống lành mạnh, có lợi cho sức khỏe, với chi phí hợp lý nhất. Đồng thời kêu gọi mọi người hãy nâng cao nhận thức, nâng cao hiểu biết và kỹ năng thực hành đúng về dinh dưỡng, khuyến khích tạo nguồn thực phẩm an toàn trên cơ sở sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ ngôi nhà chung của nhân loại, không chỉ cho hôm nay mà cho cả các thế hệ tương lai sau này.
Đây cũng là một giải pháp căn bản để giải quyết gánh nặng kép về dinh dưỡng mà chúng ta đang phải đối mặt.
Theo ông Albert T. Lieberg, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam “Hơn 800 triệu người trên thế giới đang không đủ ăn, song hơn 600 triệu người lớn và 120 triệu trẻ em gái và trai (độ tuổi 5-19) lại đang trong tình trạng béo phì… Ngoài những ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng sức khỏe cộng đồng, những thay đổi về chế độ ăn trong thời gian gần đây còn chính là nguyên nhân to lớn dẫn đến suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu”,
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế, đời sống của người dân được cải thiện về mọi mặt. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm đáng kể và bền vững; Tình hình an ninh lương thực, thực phẩm và bữa ăn của người dân đã được cải thiện rõ rệt. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ, đặc biệt là việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Tình trạng béo phì gia tăng ở cả trẻ em và người lớn.
Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong đó có vấn đề về thực phẩm lành mạnh
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong quá trình phát triển của mình, trong đó có những vấn đề về thực phẩm lành mạnh và sẵn có cho toàn bộ người dân, về ô nhiễm môi trường, về biến đổi khí hậu…
Tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn ở mức khá cao là 23,8%, SDD thể nhẹ cân là 13,4% (theo số liệu của mạng lưới giám sát dinh dưỡng toàn quốc năm 2017-Viện DDQG công bố).
Bên cạnh đó, tỷ lệ thừa cân, béo phì đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, nhất là ở khu vực đô thị. Tình trạng dinh dưỡng của các em học sinh cũng đáng báo động: Theo kết quả điều tra nghiên cứu được Viện DDQG tiến hành trong giai đoạn 2017-2018 với cỡ mẫu 5000 học sinh từ 75 trường học từ Tiểu học đến THCS; THPT (thuộc 25 xã/phường) trên một số tỉnh thành phố cũng cho thấy, tỷ lệ thừa cân/béo phì chung ở học sinh là 29,0% (tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 17,8%; khu vực thành thị là 41,9%).
Phát biểu tại buổi lễ, PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: “Trong một số thập kỷ gần đây, bên cạnh sự phát triển vượt bậc của các điều kiện kinh tế, xã hội, chúng ta cũng có rất nhiều sự thay đổi tiêu cực về thói quen ăn uống, cách sử dụng thực phẩm, lối sống và sinh hoạt…
Một chế độ ăn ít rau xanh, nhiều chất béo, sử dụng nhiều thực phẩm chế biến sẵn; Một lối sống tĩnh tại, ít hoạt động thể lực…, tất cả những yếu tố này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của người dân Việt Nam”.
Ông nhấn mạnh: “Để giải quyết căn bản tình trạng này, chúng ta cần nâng cao kiến thức để có những thực hành đúng về dinh dưỡng; cần phải thay đổi lối sống và thói quen ăn uống có hại cho sức khỏe bằng một chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì một lối sống năng động, tích cực để mang lại một tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe tốt nhất cho mỗi người chúng ta.”.
Theo kết quả cuộc Tổng điều tra các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế tiến hành năm 2015 (STEP-2015) cho thấy có đến 57,2% số người trưởng thành (18 đến 69 tuổi) ăn ít rau/trái cây (tức là ăn ít hơn 5 suất rau/trái cây trung bình trong 1 ngày -theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới-TCYTTG); mức tiêu thụ muối hiện nay của người Việt Nam cao gấp 2 lần mức khuyến nghị (theo khuyến nghị của TCYTTG là < 5gam muối/người/ngày, tương đương với < 8g bột canh, hoặc < 25ml nước mắm, hoặc 35ml xì dầu), có đến 28,1% số người thiếu hoạt động thể lực (tức là có <150 phút hoạt động thể lực cường độ trung bình trên tuần hoặc tương đương).
Mô hình bệnh tật của người dân Việt Nam đang chuyển tiếp từ các bệnh lây nhiễm là chủ yếu sang các bệnh không lây nhiễm; Theo ướctính của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, năm 2017 cả nước có trên 541.000 trường hợp tử vong do tất cả các nguyên nhân, trong đó tử vong do các BKLN chiếm tới 76% (411.600 ca), trong đó đứng đầu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, gout.
Chính vì lẽ đó, đồng hưởng ứng Ngày Lương thực Thế giới 16/10 do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tổ chức trên toàn cầu, Bộ Y tế Việt Nam đã phát động một Chiến dịch truyền thông với tên gọi Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển”, từ 16-23/10/2019 nhằm hưởng ứng Ngày Lương thực Thế giới và kêu gọi toàn dân thực hiện dinh dưỡng hợp lý, với chủ đề “Dinh dưỡng hợp lý là nền tảng của Sức khỏe”.
Bộ Y tế kêu gọi toàn dân hãy thực hiện tốt các khuyến cáo sau đây:
- Phát triển VAC trên cơ sở bảo vệ môi trường để tạo ra nguồn thực phẩm an toàn;
-Sử dụng đa dạng các loại thực phẩm sẵn có ở địa phương cho bữa ăn gia đình;
- Tăng cường ăn các loại rau/củ và trái cây; các loại hạt (đậu, đỗ, vừng lạc…);
- Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến sẵn có nhiều đường ngọt, muối, chất béo. Không ăn mặn;
-Nâng cao chất lượng bữa ăn học đường, bảo đảm đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi;
- Khuyến khích các hoạt động thể lực và duy trì lối sống năng động, lành mạnh;
- Thực hiện chăm sóc dinh dưỡng sớm trong 1000 ngày đầu đời, giúp trẻ phát triển tối ưu cả về thể chất, tầm vóc và trí tuệ khi trưởng thành.