Bác sỹ đang bị tước một quyền cơ bản của công dân

TS.BS. Lê Tuấn Thành |

Đó là quyền phòng vệ chính đáng. Khoản 1 điều 22 Bộ luật hình sự 2015 của Việt Nam quy định rõ quyền phòng vệ chính đáng khi một người bị tấn công và được chống trả lại tương đương với mức độ nguy hiểm mà mình phải đối mặt.

Phòng vệ chính đáng thực chất là sự chống trả một cách cần thiết, hợp pháp đối với người thực hiện hành vi xâm hại những lợi ích được pháp luật bảo vệ bằng cách gây ra thiệt hại cho chính người đó.

Tuy nhiên, một bác sỹ hay bất kỳ Nhân viên y tế nào cũng đang bị tước đi quyền này.

Lý do rất đơn giản, đạo đức xã hội không chấp nhận bất kỳ hành vi "tự vệ" nào của một bác sỹ (khi đang mặc áo blouse) dù là hành vi đó đáp trả thích đáng sự tấn công của một người khác.

Một lý do nữa, nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp của ngành Y cũng không cho phép người bác sỹ được gây ra bất kỳ thương tích nào đối với người khác (nguyên tắc “do no harm first”).

Như vậy khi đặt bác sỹ vào tình huống phải đối đầu với bất kỳ hành vi bạo lực nào thì chắc chắn phần bất lợi thuộc về họ, bởi vì:

Bác sỹ không bao giờ mang vũ khí phòng thân và không được phép làm như vậy.

Bác sỹ không được chống trả lại các hành vi bạo lực bởi những quy định về đạo đức nghề nghiệp.

Bác sỹ chắc chắn là nghề có trách nhiệm cao cả, bởi liên quan trực tiếp tới tính mạng con người và đóng góp đáng kể vào sự phát triển của xã hội.

Người bác sỹ làm việc cho hệ thống tư nhân có thể phải đối mặt với vấn đề kiện cáo nhưng rất ít khi phải đối mặt với nạn bạo hành.

Trong khi đó, các bác sỹ làm việc trong hệ thống y tế nhà nước thực chất đang gánh vác một vai trò rất quan trọng, đó là ổn định trật tự xã hội.

Lịch sử cho thấy bất kì khi nào dịch bện hoành hành, thì dù nền kinh tế có lớn đến đâu cũng sẽ bị kiệt quệ, đất nước sẽ lâm vào cảnh khốn cùng.

“Cái chết đen” – bệnh dịch hạch, là một trong những dịch bệnh lớn nhất của loài người khi cướp đi sinh mạng của 30-60% dân số châu Âu, ước tính dịch bệnh này đã kéo thụt lùi sự phát triển của loài người đến 150 năm.

Nhờ có vai trò của ngành Y, xã hội mới thoát khỏi sự đe dọa của các dịch bệnh, đặc biệt là giai đoạn bùng nổ mầm bệnh như hiện nay.

Với sứ mệnh tạo ra sự ổn định của xã hội, luôn hướng đến lợi ích cộng đồng, thì những người làm việc trong hệ thống Y tế dù là tư nhân hay nhà nước đều xứng đáng được bảo vệ trước sự đe dọa của búa rìu đến từ người bệnh hoặc người nhà của họ.

Với trách nhiệm cao cả như vậy, nhưng lại bị tước đi một quyền cơ bản của một công dân, thì thử hỏi còn ai muốn làm việc cho ngành Y nữa?

Chúng tôi yêu cầu một sự công bằng trước pháp luật, khi tước khỏi tay chúng tôi một quyền cơ bản thì phải trao cho chúng tôi một "tấm khiên" đủ mạnh để bảo vệ nhân viên Y tế.

Đó là quyền của một người đang thi hành công vụ bởi công việc này chính là trách nhiệm đối với toàn xã hội.

Đánh người là một hành vi không chấp nhận được, đánh người cứu mình và cứu người khác thì thực sự là một hành vi xứng đáng bị khởi tố hình sự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại