Hình ảnh các y, bác sĩ Bắc Ninh chống dịch bị ngất xỉu vì kiệt sức, do mặc đồ bảo hộ cấp độ 4 làm việc liên tục 4-5 tiếng hồi tháng 5/2021.
Hơn 3 tháng trước, chị T.T.H (bác sĩ tại một trạm Y tế phường thuộc quận Đống Đa, TP Hà Nội) quyết định viết đơn nghỉ việc sau gần chục năm gắn bó với nghề.
Theo đó, lý do nghỉ việc của chị H là do mức thu nhập không đảm bảo cho cuộc sống gia đình.
Chị H cho biết trung bình hàng tháng, lương của chị dao động từ 8 – 8,5 triệu đồng. Tháng nào tăng ca ở trạm nhiều thì mới được thêm 500 nghìn đồng tiền trách nhiệm. Để đảm bảo cuộc sống gia đình, hết giờ tăng ca chị lại tìm thêm các công việc khác để kiếm thêm thu nhập.
Khi dịch COVID-19 bùng phát, nữ bác sĩ cùng đồng nghiệp luôn túc trực, chia nhau làm tất cả các công việc: truy vết, điều tra dịch tễ, tiêm chủng, xét nghiệm,… Đặc biệt, cuối năm ngoái, Đống Đa trở thành vùng nguy cơ cao. Chỉ trong 2 tuần, quận ghi nhận hơn 1.000 ca F0 khiến các nhân viên y tế luôn làm việc trong tình trạng ‘ngày đêm lẫn lộn’, vô cùng áp lực.
Việc quyết định xin nghỉ việc không dễ dàng gì với cả chị H và gia đình. Phải mất thời gian suy nghĩ rất lâu, chị H mới quyết tâm ‘dứt áo ra đi’.
Tương tự, một bác sĩ nam thuộc một bệnh viện công ở Hà Nội cũng đã viết đơn xin nghỉ việc cũng vì lý do thu nhập. Anh quyết định nộp đơn xin vào bệnh viện tư để đảm bảo đời sống gia đình.
"Việc nhiều lên, tăng ca quá trời. Bình thường tôi chỉ làm việc 8 tiếng, nhưng giai đoạn có dịch, tôi phải làm thêm nhiều giờ nhưng thu nhập không tăng. Vả lại, tôi nghỉ cơ quan này sang cơ quan khác, chứ không phải bỏ nghề, tôi vẫn cống hiến, vẫn cứu người thì không việc gì phải hổ thẹn", nam bác sĩ cho hay.
Trao đổi với PV về tình trạng trên, Thầy thuốc Nhân dân, BS Trần Sĩ Tuấn (nguyên Tổng biên tập báo Sức khỏe và Đời sống), cho rằng vấn đề nhân viên y tế nghỉ bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư là tình trạng ‘chảy máu chất xám’ ở bệnh viện công.
Theo bác sĩ Tuấn, bệnh viện tư theo bản chất thông thường là các bệnh viện phục vụ các đối tượng có điều kiện kinh tế. Còn bệnh viện công chủ yếu phục vụ cho đa số người dân, cả những người có kinh tế hoặc thu nhập thấp.
"Nếu các tinh hoa của ngành sang bệnh viện tư nhiều thì người bệnh nghèo sẽ thiệt thòi. Đó là mặt không được.
Còn mặt được là tạo sự cạnh tranh lành mạnh. Bệnh viện công hay tư đều phục vụ đồng bào trong nước, phục vụ nhân dân Việt Nam. Vì thế, bệnh viện công phải có chế độ lương, thưởng xứng đáng hơn để giữ người", BS Tuấn phân tích.
COVID khiến cuộc sống của nhân viên y tế bị xáo trộn. Ảnh minh họa
"Chảy máu chất xám y tế công" bắt đầu từ đâu?
BS Tuấn cho biết thêm trong đại dịch COVID-19, nhân viên y tế quá vất vả, chế độ đãi ngộ không tương xứng. Sau đó, một loạt sai phạm y tế phải xử lý hình sự. Đa số cán bộ công nhân viên ngành y rất tâm huyết nhưng ít nhiều họ bị xáo trộn tâm lý. Hy vọng sau khi cải cách chế độ tiền lương và "gạn đục khơi trong", ngành Y sẽ lấy lại vị thế trong lòng người dân, tình hình bỏ việc sẽ được cải thiện.
Đề xuất giải pháp cần làm ngay lập tức để giữ chân nhân viên y tế tại các bệnh viện công, BS Trần Sĩ Tuấn cho biết với y tế của nước ta hiện nay không nên tăng giá khám chữa bệnh mà nên đầu tư nhiều hơn cho y tế, nhất là cải cách chế độ tiền lương.
"Nguyên nhân chính là do chế độ tiền lương và đãi ngộ, kế đến là những vấn đề tiêu cực xảy ra trong các bệnh viện công vừa qua phải xử lý hình sự. Hành lang pháp lý để các bệnh viện có thể tổ chức và mạnh dạn đấu thầu thuốc và trang thiết bị, mà không sợ sai, không sợ vướng pháp lý. Chúng ta phải giải quyết được tình trạng trên thì mới giữ chân họ được", BS Tuấn nhấn mạnh.
Tính riêng TP HCM, theo thống kê của Sở Y tế, trong năm 2021, toàn thành phố có 968 nhân viên y tế nghỉ việc. Nhân sự nghỉ việc phần lớn là điều dưỡng và bác sĩ ở trạm y tế phường, xã.
Ngày 21/6, Hội nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM tiếp xúc cử tri là Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Qua đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TP HCM cần khẩn trương đảm bảo cung ứng dịch vụ y tế, ổn định giá cả, khơi thông bất cập trong đấu thầu, mua sắm thuốc, giải bài toán thiếu thuốc và các vật tư y tế. Chủ tịch nước đề xuất Chính phủ phải nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc bất cập để triển khai đấu thầu các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, không để những vướng mắc về thủ tục mua sắm vật tư y tế ảnh hưởng đến nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.