Từ triệu chứng đau lưng mãn tính suốt 1 năm ròng…
Tori Geib, 30 tuổi đến từ Ohio, Mỹ cho hay: "Tôi bị đau lưng mãn tính khoảng 1 năm trước khi phát hiện ra khối u.
Trước đó, tôi đã tìm đến khoa xương khớp để thăm khám và tìm nguyên nhân gây ra chứng đau lưng nhưng thật tiếc, bác sĩ đã chẩn đoán tôi mắc bệnh trầm cảm và tôi cần phải uống thuốc".
Cô Tori đau lưng suốt 1 năm trước khi phát hiện ra căn bệnh hiểm nghèo
Một tháng sau, Tori phải nhập viện cấp cứu 2 lần vì cơn đau quá khủng khiếp và vượt quá sức chịu đựng của cô.
Tại đây, cô được cho dùng thuốc steroid, thuốc chống viêm, và thuốc giãn cơ liều thấp. Các bác sĩ một lần nữa cho rằng có thể cô đã làm việc quá sức.
Tori chia sẻ: "Tôi đã từng nghĩ có thể do công việc căng thẳng. Đôi lúc tôi cũng băn khoăn về chẩn đoán của bác sĩ nhưng lại gạt đi vì nghĩ rằng họ để là những chuyên gia, y bác sĩ và họ chắc sẽ không chẩn đoán sai."
Đến khối u bất thường
Cuối tháng 3, Tori nhận ra một bên vú có cục cứng khác thường so với bên còn lại. Vì từng làm phẫu thuật vú vào năm 2008 nên cô thường cảm thấy khu vực này khá cứng do vết sẹo để lại.
Cô đã ngay lập tức hỏi ý kiến tư vấn của mẹ, vốn từng là một nữ y tá. Bà đã nhận ra sự bất thường ở bầu ngực của cô không phải do vết sẹo đơn thuần nên đã khuyên Tori đi kiểm tra ngay.
Sau khi nhanh chóng đặt lịch với phòng khám, cô được bác sĩ tiến hành chụp X-quang và lấy mẫu sinh thiết tuyến vú.
Một tuần sau Tori nhận kết quả, cô vô cùng bàng hoàng và đã òa khóc khi biết mình đang mắc ung thư vú.
Nỗi đau vì phát hiện muộn và căn bệnh không thuốc chữa
Tori phải di chuyển đến Đại học bang Ohio để xin ý kiến từ các chuyên gia y khoa tại đây.
Khi đến đây, cô được đưa đi chụp CT và kết quả cho thấy ung thư đã di căn đến cột sống gây ra chứng đau lưng.
Để chắc chắn, các bác sĩ đã làm sinh thiết thêm một lần nữa và 1 tuần sau có kết quả là cô mắc ung thư vú giai đoạn 4 đã di căn đến cột sống.
Điều đáng chú ý chính là khi cô đi khám vì bị đau lưng mãn tính 1 năm trước, bác sĩ chụp X-quang đã phát hiện điều lạ thường trong xương với dòng chữ trong bệnh án:
"Có tổn thương đáng nghi ngờ trên cột sống và xương hông" nhưng không bác sĩ nào nói với cô rằng điều này đáng lo lắng và cần chú ý.
Cô chia sẻ: "Khi tôi biết cơn đau ở vùng lưng là do ung thư di căn cột sống chứ không phải do đau cơ hay làm việc quá sức, tôi như trút được gánh nặng tâm lý vì ít ra tôi cũng có câu trả lời rõ ràng và chính xác nhất."
Khi ung thư di căn, phần cột sống đã bị phá hủy 70% kích thước vốn có và Tori cần làm một thủ thuật để làm đầy đốt sống trước khi bước vào điều trị ung thư vú.
Nếu trước đó bác sĩ chịu trách nhiệm khám, chụp X-quang có thể xác định được tổn thương vùng xương sống sớm thì có lẽ cô đã được điều trị ung thư vú sớm hơn.
Người mắc ung thư vú di căn có thể sống trung bình từ 18-36 tháng kể từ thời điểm phát bệnh. Chỉ có khoảng 22% người bệnh sống sót sau 5 năm vật lộn với căn bệnh này.
Tori tâm sự: "Tôi hoàn toàn sốc trước thông tin này. Mọi thứ trở nên mờ đi khi tôi nhìn vào tờ kết quả. Mẹ đã ở bên tôi và tôi còn nhớ rõ mình đã khóc trên vai bà ấy.
Trước khi bác sĩ chẩn đoán, tôi không hề biết ung thư vú là bệnh không thể chữa được. Tôi đã rất lạc quan tới khi họ nói tôi đang mắc ung thư giai đoạn cuối".
Phương hướng điều trị
Tori đã phải nghỉ việc để tập trung điều trị bệnh ung thư vú. Căn bệnh đã bước vào giai đoạn cuối nên không thể cắt bỏ vú vì việc này cũng không đem lại kết quả gì.
Ở giai đoạn đầu của quá trình điều trị, bác sĩ áp dụng liệu pháp hormone để làm chậm sự phát triển khối u. Sau đó, Tori trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, xạ trị.
Hậu quả là ngực cô đã cứng như đá và Tori phải chịu rất nhiều đau đớn bởi khối u ở ngực trái. Ung thư cũng làm suy giảm khả năng hoạt động, cô phải chống nạng, dùng xe lăn, xe tập đi.
Ngoài ra, dạ dày của Tori cũng bị bỏng phóng xạ và không thể dung nạp chất xơ, đây là những tác dụng phụ vô cùng nặng nề trong quá trình chữa bệnh mà cô phải trải qua.
Tuy nhiên, sau 2 năm điều trị ung thư, bệnh của Tori đã có tiến triển khá hơn. Từ việc phải ngồi xe lăn, dùng gậy chống để đi lại thì hiện tại cô đã có thể tự đi.
Tori vẫn phải tuân theo lịch trình điều trị nghiêm ngặt. Có những hôm cô phải gặp đến 3-4 bác sĩ điều trị.
Tori lúc trước khi phát hiện ung thư vú di căn cột sống
Hiện tại, Tori phải đi chụp chiếu, thăm khám cứ ba tháng 1 lần để kiểm tra tình hình bệnh.
Biết rõ thời gian sống của mình còn rất ngắn ngủi, Tori Geib vẫn luôn cố gắng sống tích cực, thường xuyên gặp bạn bè và tham gia các nhóm hỗ trợ trực tuyến cho phụ nữ bị ung thư vú di căn.
Cô cũng khuyên mọi người nếu nghi ngờ với chẩn đoán của bác sĩ hãy trình bày quan điểm, kiểm tra tại nhiều cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác và sớm nhất.
Tori nhắn nhủ: "Điều quan trọng nhất là hãy tin tưởng vào bản thân, bạn là người biết cơ thể mình rõ nhất chứ không phải người khác".
Theo Health