Ảnh: BV.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình hàng năm vẫn tiếp nhận các ca bệnh uốn ván nhập viện trong tình trạng nguy kịch, thậm chí có thời điểm điều trị 3 - 4 bệnh nhân uốn ván thở máy cùng lúc.
Hiện tại, bệnh viện đang điều trị cho một bệnh nhân uốn ván là nam giới 66 tuổi, khi nhập viện trong tình trạng tím tái, sắp ngừng thở, người cứng như gỗ, co giật toàn thân, hai hàm răng cắn chặt, không nuốt, không ho khạc được, không đặt được ống thở (nội khí quản).
Bệnh nhân nhanh chóng được mở khí quản cấp cứu, thở máy, dùng thuốc an thần, giãn cơ, điều trị và chăm sóc tích cực. Hiện tại, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng tiên lượng sẽ phải thở máy và phục hồi chức năng dài ngày, mới có hy vọng sống sót.
Theo chia sẻ của TS.BS Hoàng Công Tình, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, uốn ván là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Clostridium tetani gây nên. Tỷ lệ tử vong chung do uốn ván có thể đến 90%, uốn ván rốn sơ sinh tử vong trên 95%. Ngoài ra, nếu bệnh nhân sống sót thường để lại di chứng nặng nề, quá trình điều trị khó khăn và tốn kém.
Mở khí quản cấp cứu, tạo đường thở cho bệnh nhân mắc uốn ván. Ảnh: BV.
Nha bào uốn ván (ở trong bụi, nước và đất bẩn, phân gia súc - gia cầm) xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương ở da và niêm mạc: giẫm phải đinh - gai, vết bỏng, vết thương hở, vết thương dập nát bẩn, viêm chân răng, sâu răng, viêm tai giữa…
Do đó, trong trường hợp có vết thương, cần rửa vết thương bằng nước sạch. Sát trùng vết thương bằng các dung dịch sát trùng.
Để hở vết thương, không để vết thương tạo đường hầm, không bịt kín hoặc đắp bất cứ thứ gì lên vết thương.
Nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được tiêm phòng vắc xin uốn ván hoặc huyết thanh trung hòa độc tố uốn ván.
Cách phòng ngừa bệnh uốn ván
Chuyên gia y tế cho rằng, để phòng ngừa bệnh uốn ván, đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, cần tiêm vắc xin uốn ván giúp phòng bệnh uốn ván sơ sinh cho cả mẹ và con.
Sau khi tiêm vắc xin cho phụ nữ có thai, kháng thể hình thành trong cơ thể mẹ sẽ truyền cho thai nhi để bảo vệ cho trẻ không bị mắc uốn ván sơ sinh, đồng thời kháng thể này cũng bảo vệ cho chính bà mẹ trong quá trình sinh đẻ.
Tiêm vắc xin uốn ván cho trẻ từ 2 tháng tuổi và người lớn, liệu trình cơ bản gồm 3 - 4 mũi (3 mũi cách nhau 1 tháng, mũi thứ 4 sau mũi 3 từ 16-18 tháng) và sau 10 năm lại tiêm nhắc lại 1 mũi.
Khi có biểu hiện bệnh uốn ván, cần cần đến ngay cơ sở y tế có khả năng cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc.
Điều trị uốn ván chủ yếu bằng thở máy, an thần, giãn cơ, dùng huyết thanh trung hoà độc tố uốn ván, kháng sinh phòng bội nhiễm vi khuẩn, dinh dưỡng và phục hồi chức năng.