Tưởng con đau chân ai ngờ ung thư
Tại khoa Nhi, Bệnh viện K trung ương nhiều bệnh nhi bị ung thư và được bố mẹ đưa đi bệnh viện khi đã quá muộn.
Trường hợp bé B.A (5 tuổi, Bắc Ninh) bị ung thư xương. Mẹ của cháu bé cho biết từ hai tháng trước khi nhập viện bé thường xuyên than với mẹ đau chân. Mẹ bé nghĩ con bị đau do nô đùa, đá bóng. Tuy nhiên, bé càng lúc càng kêu đau chân. Chị lại cho con tới một phòng khám bác sĩ cho biết cháu thiếu canxi.
Dấu hiệu ung thư trẻ em
Khi bé bị sưng đầu gối chị mới cho con đến Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh khám. Bé được chẩn đoán viêm dịch khớp và bé được bố mẹ cho đến Bệnh viện Nhi trung ương khám. Sau khi chọc dịch khớp và chụp Xquang bác sĩ cho biết cháu bị ung thư xương.
Hai từ ung thư khiến cả gia đình A ngã quỵ vì họ không ngờ từ dấu hiệu đau đau ở chân đã được cảnh báo trước đó. Bé A được chuyển sang khoa Nhi, bệnh viện K trung ương điều trị. Dù đã đánh hóa chất, điều trị tốt nhất nhưng tế bào ung thư vẫn phát triển, bé A phải cắt bỏ chân.
Không giống bé A, trường hợp bé Nguyễn H.L (3 tuổi, Đông Hưng, Thái Bình) đã điều trị ung thư máu 1 năm nay. Bố của H. L cho biết bé thường xuyên sốt, bụng chướng nhưng không tìm ra bệnh bé chỉ lên bệnh viện huyện điều trị.
Cả tháng con không khỏi mới đưa lên Bệnh viện Nhi tỉnh Thái Bình. Bác sĩ nghi ngờ ung thư máu và chuyển bé lên tuyến trên. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bé bị ung thư máu.
Dấu hiệu của ung thư
Theo thạc sĩ Nguyễn Thu Hằng – Khoa Ung thư, Bệnh viện Nhi trung ương ung thư là một nhóm các bệnh liên quan đến việc phân chia tế bào một cách vô tổ chức và những tế bào đó có khả năng xâm lấn những mô khác bằng cách phát triển trực tiếp vào mô lân cận hoặc di chuyển đến nơi xa (di căn). Di căn là nguyên nhân gây tử vong chính của ung thư.
Ung thư máu là bệnh ung thư phổ biến ở trẻ em
Theo bác sĩ Hằng nguyên nhân gây bệnh của nhiều loại ung thư chưa được xác định rõ. Các bác sĩ hiếm khi biết tại sao người này bị ung thư và người kia thì không; tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra một số yếu tố làm tăng nguy cơ gây ung thư. Ở người lớn, yếu tố nguy cơ bao gồm hút thuốc, béo phì và các yếu tố môi trường.
Ở trẻ em, yếu tố nguy cơ rất khác nhau và thay đổi tùy loại bệnh, ít khi do một nguyên nhân cụ thể nào mà có sự tương tác phức tạp giữa biến đổi di truyền và các yếu tố môi trường.
Người tiếp xúc với tia xạ liều cao, hóa chất như benzen,… có nguy cơ bị ung thư cao hơn.
Một người có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ không có nghĩa là người đó sẽ mắc bệnh ung thư. Đa số mọi người có nhiều các yếu tố nguy cơ nhưng không tiến triển thành bệnh.
Khác với người lớn, các loại bệnh ung thư thường xảy ra ở trẻ em như khối u não và tủy sống, u nguyên bào thần kinh, u nguyên bào thận, lymphoma, sarcoma, u nguyên bào võng mạc và ung thư xương
Bác sĩ Hằng nhấn mạnh ung thư không đồng nghĩa với tử vong. Hiện nay, kết quả điều trị ung thư nói chung đã được cải thiện rõ rệt, trong đó nhiều loại ung thư có tỉ lệ khỏi cao, bệnh nhân sống khỏe mạnh, phát triển bình thường và thành công trong cuộc sống sau này.
Khuyến cáo 7 dấu hiệu cảnh báo trẻ có nguy cơ mắc ung thư
Người bé xanh xao, bầm tím hoặc chảy máu, nhức xương toàn thân
Khối u hoặc hạch to, không đau, không sốt, hoặc có các dấu hiệu nhiễm trùng khác
Sụt cân không rõ lý do, hay ho, sốt dai dẳng hoặc khó thở, ra mồ hôi trộm ban đêm
Có những thay đổi về mắt, đồng tử có màu trắng, mắt lác, mất thị giác, bầm tím da hoặc sưng quanh mắt.
Chướng bụng
Đau đầu đặc biệt nếu đau dai dẳng bất thường hoặc đau dữ dội, nôn nhất là lúc sáng sớm hay ngày càng tiến triển nặng hơn
Đau nhức xương hoặc tứ chi, sưng không phải do chấn thương hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng.