Bắc Kinh đe dọa "Trung Quốc năm 2017 cũng đã khác 1962", đòi Ấn Độ lập tức lui quân

Hải Võ |

Đại diện chính phủ Trung Quốc chiều 3/7 gọi hành động của phía Ấn Độ ở khu vực biên giới Sikkim những ngày qua là "phản bội".

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố ranh giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã được phân định rõ.

"Đường biên giới Trung-Ấn ở vùng Sikkim đã được phân rõ. Hành động của phía Ấn Độ phản bội lại lập trường mà các nhiệm kỳ chính phủ Ấn Độ đã tuân thủ," ông Cảnh nói trong cuộc họp báo ngày 3/7.

Đại diện chính phủ Trung Quốc cũng trả đũa tuyên bố của Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley hồi tuần trước, rằng "Ấn Độ năm 2017 đã không còn là Ấn Độ năm 1962", do Bộ quốc phòng Trung Quốc trước đó cảnh cáo Ấn Độ "học lại bài học lịch sử".

Ông Cảnh Sảng nói "ông ấy (Jaitley) rất đúng khi nói Ấn Độ năm 2017 khác năm 1962, giống như Trung Quốc cũng đã rất khác".

Ông tuyên bố Trung Quốc sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để gìn giữ biên giới, yêu cầu New Delhi tôn trọng hiệp ước năm 1890 và lập tức rút quân "trở về phần lãnh thổ của Ấn Độ".

"Cựu Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru đã công nhận Hiệp ước Anh-Trung năm 1890 về đường biên giới ở Sikkim trong lá thư năm 1959 gửi đồng cấp Trung Quốc Chu Ân Lai. Các kỳ chính phủ Ấn Độ sau đó cũng công nhận hiệp ước," ông Cảnh nói, thêm rằng Bắc Kinh đã "giao thiệp nghiêm khắc" ở các cấp đại diện Ấn Độ tại Bắc Kinh và New Delhi.

Trung Quốc cáo buộc quân đội Ấn Độ vượt qua Đường kiểm soát thực tế (LAC) khoảng 1 tháng trước để ngăn cản nước này xây dựng một con đường, đồng thời cho biết Bắc Kinh "quan ngại sâu sắc" về tình hình biên giới Trung-Ấn.

Bắc Kinh đã phản đối chính thức vào tuần trước khi chỉ trích lực lượng biên phòng Ấn Độ "vượt biên", nhưng Newl Delhi khẳng định các binh sĩ Quân giải phóng nhân dân (PLA) đã tiến vào khu vực để "đơn phương" xây dựng con đường.

"Ấn Độ quan ngại sâu sắc về các hành động gần đây của Trung Quốc và đã nhắc nhở chính phủ Trung Quốc rằng hoạt động xây dựng như vậy là minh chứng cho sự thay đổi hiện trạng rõ rệt và ẩn chứa đe dọa an ninh nghiêm trọng đối với Ấn Độ," thông cáo của Bộ ngoại giao Ấn Độ cho biết và kêu gọi Bắc Kinh giải quyết mâu thuẫn bằng đối thoại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại