Ba kích - Vị thuốc bổ thận tráng dương

BS. Vũ Quốc Trung |

Ba kích là vị thuốc thuộc nhóm ''thuốc bổ dưỡng'' trong y học cổ truyền. Vị thuốc có tác dụng bổ thận, tráng dương, tăng cường sức khỏe, trừ phong thấp.

1. Đặc điểm của cây ba kích

Ba kích còn có tên là dây ruột gà, ba kích thiên.

Tên khoa học Morinda officinalis stow. họ cà phê (Rubiaceae).

Nội dung

1. Đặc điểm của cây ba kích

2. Đặc điểm của vị thuốc ba kích

3. Công dụng của vị ba kích

4. Bài thuốc chữa bệnh có vị ba kích

5. Dược thiện ba kích phòng trị bệnh

Cây dây leo bằng thân quấn, sống nhiều năm. Ngọn có cạnh, màu tím, có lông, khi già thì nhẵn.

Lá mọc đối, hình mác hoặc bầu dục thuôn nhọn; phiến lá cứng có lông tập trung ở mép và ở gân, khi già ít lông hơn, màu trắng mốc, dài 6 -15cm, rộng 2,5 - 6cm, cuống ngắn. Lá kèn mỏng ôm sát vào thân.

Hoa nhỏ tập trung thành tán ở đầu cành, lúc mới nở màu trắng, sau hơi vàng; tràng hoa liền ở phía dưới thành ống ngắn. Quả hình cầu có cuống riêng rẽ, khi chín màu đỏ. Mùa hoa tháng 5-6, mùa quả tháng 7-10. Cây mọc ở vùng đồi núi thấp, các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.

Bộ phận dùng làm thuốc: Rễ cây ba kích, phơi, sấy khô, cắt thành đoạn ngắn chừng 10 cm. Bảo quản nơi khô ráo, phòng ẩm.

2. Đặc điểm của vị thuốc ba kích

Ba kích có hình trụ tròn bẹt hơi cong, nạc mập và dầy, dài ngắn không đều nhau, đường kính 1-2cm. Bề mặt màu vàng xám, sần sùi. Vỏ ngoài có vân dọc, hướng nằm ngang nứt nẻ lộ ra lõi gỗ, hình dáng trông như chuỗi ngọc, chất cứng rắn, mặt cắt không bằng phẳng, vỏ dày, dễ tách riêng khỏi lõi gỗ.

Mặt cắt vỏ màu tím nhạt, phần gỗ màu nâu vàng, không có mùi, vị ngọt, hơi chát. Loại nào thân to, mập mạp, hình chuỗi ngọc, nạc dày, sắc tím là loại tốt.

Ba kích - Vị thuốc bổ thận tráng dương - Ảnh 2.

Cây ba kích

3. Công dụng của vị ba kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm, giảm đau, trừ thấp; thích hợp với các bệnh liệt dương , di tinh, dạ con lạnh không có thai, kinh nguyệt không đều , hay lạnh và đau bụng dưới, phong thấp tê đau.

Theo các nghiên cứu hiện đại, trong rễ ba kích khô có acid hữu cơ, đường, nhựa, anthraglucoside, phy tosterol, tinh dầu, vitamin C, chất đường, mỡ thực vật... có tác dụng kích thích tố đối với da và hạ huyết áp; có thể kích thích tăng trưởng tế bào lympho T của người thận hư, thúc đẩy sự chuyển hóa của tế bào lympho T, tăng cường hệ miễn dịch, kéo dài tuổi thọ.

4. Bài thuốc chữa bệnh có vị ba kích

4.1 Chữa thận hư

Nam giới liệt dương, xuất tinh sớm, phụ nữ khó thụ thai, dương hư, dùng 1 trong 2 bài thuốc sau:

- Bài 1: Ba kích, đảng sâm, phúc bồn tử, thỏ ty tử, thần khúc, mỗi vị 300g; củ mài 600g. Các vị trên, tán bột mịn, hoàn viên với mật ong. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 8-10g.

- Bài 2: Ba kích, cốt toái bổ, đảng sâm, nhục thung dung, long cốt, mỗi vị 300g; Ngũ vị tử 150g. Tất cả tán bột mịn. Hoàn viên với mật ong. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 8-10g.

4.2 Chữa suy nhược cơ thể" data-rel="follow">suy nhược cơ thể

Chán ăn, mất ngủ, chân tay đau nhức, huyết áp cao:

- Dùng bài: Ba kích 150g, hà thủ ô 150g, ngưu tất 150g, lá dâu non 250g, vừng đen 150g (sao thơm), rau má 500g. Các vị trên tán bột mịn, hoàn viên. Ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 8g.

4.3 Chữa đau lưng, mỏi gối, gân xương yếu

- Dùng bài: Ba kích, đỗ trọng bắc (tẩm muối sao), nhục thung dung, thỏ ty tử, tỳ giải, lượng bằng nhau, mỗi vị 400g. Các vị trên hoàn viên. Mỗi lần uống 6g, ngày 3 lần.

Ba kích - Vị thuốc bổ thận tráng dương - Ảnh 3.

Rễ cây ba kích được đưa vào sử dụng làm thuốc

5. Dược thiện ba kích phòng trị bệnh

5. 1 Ba kích tửu (rượu ba kích):

- Thành phần: Ba kích 30g, hoài ngưu tất 30g, rượu trắng 500ml.

- Cách thực hiện: Ngâm rượu 7-10 ngày. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10-20ml.

- Công dụng: Dùng cho người thận hư, liệt dương, lưng đau gối mỏi, phong thấp đau tế, co gân nhũn xương.

5. 2 Ba kích đồn đại tràng (ba kích hầm lòng già):

- Thành phần: Ba kích 30g, ruột già lợn 200g

- Cách thực hiện: Ruột già lợn rửa sạch, nhồi ba kích vào, cho nước vừa phải, nấu cách thuỷ, ăn lòng uống thang, ngày 1 lần. Uống liền trong 3 ngày.

- Công dụng: Dùng cho phụ nữ bị sa dạ con hoặc tiểu tiện quá nhiều lần.

5. 3 Ba kích đồn kê tràng (ba kích hầm ruột gà):

- Thành phần: Ba kích 15g, ruột gà 3 bộ rửa sạch.

- Cách thực hiện: Sắc với 400ml nước, còn 150ml, gia vị vừa đủ, uống thang, ăn ruột gà.

- Công dụng: Dùng cho người thận hư, mắc chứng tiểu đêm, liệt dương, xuất tinh sớm, di tinh, đái dầm.

5. 4 Ba kích giới tửu đường thuỷ (thuốc cai rượu):

- Thành phần: Ba kích 15g, đại hoàng bào chế qua rượu 30g

- Cách thực hiện: Ba kích trộn lẫn với gạo nếp, rang cho gạo cháy đen, bỏ gạo đi, nghiền chung với đại hoàng thành bột, trộn đường, mật ong hoàn viên, uống ngày 2 lần, mỗi lần 3g.

- Công dụng: Dùng để cai rượu.

5. 5 Ba kích tràng cốt tửu (rượu ba kích cứng xương):

- Thành phần: Ba kích 80g, đương qui 120g, ngưu tất 40g, khương hoạt 80g, thạch khôi 80g, xuyên tiêu 20g, rượu trắng 1000ml.

- Cách thực hiện: Nghiền thành bột thô, bọc trong túi vải, ngâm rượu 7-10 ngày. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 - 20ml.

- Công dụng: Dùng cho người bị đau nhức xương.

5. 6 Ba kích câu kỷ tửu (rượu ba kích câu kỷ tử):

- Thành phần: Ba kích 60g, xuyên tiêu 30g, cúc hoa 60g, thục địa 45g, phụ tử chế 20g, câu kỷ tử 30g, rượu trắng 1500ml.

- Cách thực hiện: Ngâm rượu 7-10 ngày. Ngày uống 2 lần, uống nóng trước khi ăn, mỗi lần 20-30ml.

- Công dụng: Dùng cho người thận dương hư, liệt dương, xuất tinh sớm, gối mỏi lưng đau.

5. 7 Ba kích chỉ cấm hoàn (viên ba kích trị tiểu rắt):

- Thành phần: Ba kích (bỏ lõi), ích trí nhân, trứng bọ ngựa cây dâu, thỏ ty tử lượng bằng nhau.

- Cách thực hiện: Các vị thuốc trên, tán bột mịn, hoàn viên. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 10-20g. Uống trước bữa ăn với nước muối nhạt.

- Công dụng: Dùng cho người bị bệnh đái dỉn, không hãm được.

6. Kiêng kỵ

Người âm hư hỏa vượng (sốt nhẹ về chiều) táo kết không dùng ba kích.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại