Armenia viện dẫn hiệp định quân sự "cầu viện" Nga: Kịch bản nào cho chiến sự Karabakh?

DK |

Hoạt động chung của hàng nghìn lính Nga và Armenia trong tập trận Kavkaz-2020 vài ngày trước khi xung đột Nagorno-Karabakh là một "ý tưởng" về kịch bản chiến sự tương lai gần.

Armenia cho rằng lực lượng Scandinavia tới Karabakh là "phi thực tế"?

Sáng 1/11, bình luận với Public TV của Armenia, ông Vagharshak Harutyunyan, Cố vấn của Thủ tướng Armenia cho biết đề xuất của Mỹ về việc lực lượng gìn giữ hòa bình từ các nước Scandinavia triển khai ở Karabakh là "phi thực tế".

Theo ông Harutyunyan, đây "chỉ là một đề xuất", và việc thực hiện điều đó ở hiện tại là khó có thể xảy ra đồng thời nhấn mạnh: "Vấn đề chính hiện nay, là việc xem xét cấu trúc và thành phần lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ được triển khai ở Karabakh".

"Azerbaijan đang "ngả" về phía Thổ Nhĩ Kỳ. Về phía mình, Nga đã tỏ thái độ cực lực phản đối mạnh mẽ sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ ở Karabakh".

Hôm 31/10, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ O'Brien đưa ra ý kiến rằng lực lượng gìn giữ hòa bình không nên là các Chủ tịch Nhóm Minsk của OSCE (Mỹ, Pháp, Nga) cũng như các nước láng giềng (bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ) đồng thời gợi ý rằng có thể họ sẽ đến từ khu vực khác, ví dụ như các nước Scandinavia.

Armenia viện dẫn hiệp định quân sự cầu viện Nga: Kịch bản nào cho chiến sự Karabakh? - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Sputnik Armenia).

Vì sao Armenia không cầu viện CSTO mà "chỉ đích danh" Nga?

Trong các cuộc phỏng vấn gần đây với báo chí nước ngoài, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nhiều lần tuyên bố rằng việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga ở Nagorno-Karabakh sẽ giúp giải quyết xung đột.

Theo ông Nikol Pashinyan, kinh nghiệm cho thấy rằng các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các cấu trúc chính trị - quân sự khác không đủ khả năng giải quyết hiệu quả các tình huống của cuộc xung đột như Nga.

Giải thích vì sao Armenia không kêu gọi CSTO (Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể) mà lại "lựa chọn" Nga, ông Harutyunyan nhấn mạnh rằng Yeveran "không có niềm tin" rằng các thành viên khác của CSTO sẽ bỏ qua mối quan hệ và sự gần gũi của họ với Ankara để chấm dứt xung đột.

Armenia viện dẫn hiệp định quân sự cầu viện Nga: Kịch bản nào cho chiến sự Karabakh? - Ảnh 2.

Cố vấn của Thủ tướng Armenia ông Vagharshak Harutyunyan (Nguồn: Armenpress).

Nhưng đồng thời, ông Harutyunyan cho rằng CSTO đã "hoàn thành các chức năng của mình" khi kêu gọi hai phía chấm dứt xung đột vì CSTO chỉ đơn thuần là "một lực lượng quân sự thống nhất hoạt động trong khu vực của chúng ta".

Hôm 31/10, ông Vagharshak Harutyunyan cũng cho biết rằng các cuộc tham vấn giữa Nga và Armenia trên cơ sở đoạn hai của "Hiệp định Hữu nghị, Hợp tác và Tương trợ giữa Nga và Armenia" sẽ sớm bắt đầu.

Theo ông, các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo chiến thuật vào các đô thị Vardenis và Kapan của Armenia cung cấp đủ cơ sở để khẳng định rằng nước này đang bị xâm lược.

Cần nhấn mạnh rằng theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày, Moscow cam kết sẽ cung cấp cho Yeveran "tất cả sự hỗ trợ cần thiết" nếu xung đột diễn ra trên lãnh thổ của Armenia.

Armenia viện dẫn hiệp định quân sự cầu viện Nga: Kịch bản nào cho chiến sự Karabakh? - Ảnh 3.

Các hướng tấn công của phía Azerbaijan vào khu vực phía nam của thị trấn lịch sử Shushi cho tới hết ngày 31/10.

Nếu Nga quyết can thiệp, kịch bản này sẽ lặp lại?

Trong bối cảnh Armenia đã viện dẫn hiệp định quân sự giữa hai nước và trước động thái "thăm dò" của Mỹ, câu hỏi lúc này là Nga sẽ đưa những lực lượng nào vào Armenia và việc triển khai sẽ chỉ giới hạn ở nước này hay vùng xung đột Nagorno-Karabakh.

Cần nhấn mạnh rằng  yêu cầu của Armenia đặt Nga vào tình thế bấp bênh khi tham gia xung đột sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường và có nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu công khai với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng việc từ chối đề nghị bảo vệ của đồng minh sẽ làm giảm uy tín của Moscow.

Cựu Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế của Bộ Quốc phòng Nga, ông Yevgeny Buzhisnky bình luận với hãng thông tấn Interfax: "Tôi loại trừ khả năng (công khai) tham chiến của Quân đội Nga. Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất quan trọng đối với Nga".

Như vậy là theo lời của ông Yevgeny Buzhisnky, khả năng lực lượng Nga trực tiếp triển khai ở Karabakh là thấp.

Armenia viện dẫn hiệp định quân sự cầu viện Nga: Kịch bản nào cho chiến sự Karabakh? - Ảnh 5.

Khả năng Nga triển khai lực lượng quân sự ồ ạt ở Nagorno-Karabakh là thấp?

Tuy nhiên cần nhấn mạnh là chỉ trước khi cuộc xung đột nổ ra vài ngày đã diễn ra cuộc tập trận Kavkaz-2020 (Caucasus 2020) với sự tham gia của Nga, Armenia, Belarus, Trung Quốc, Iran, Myanmar và Pakistan.

Cuộc tập trận với 80.000 binh sĩ, 250 xe tăng, 500 xe bọc thép, khoảng 200 khẩu pháo và các tàu hải quân Nga và Iran đã không ngăn được xung đột nổ ra, tuy nhiên việc 1.500 lính Nga và Armenia tập trận chung có thể là "ý tưởng" về cách thức Moscow hỗ trợ Yeveran.

Thay vì một đợt triển khai ồ ạt của lính Nga tạo thành "bức tường" ngăn cách hai bên tham chiến, nhiều khả năng Yeveran và Stepanakert sẽ sớm ra tuyên bố về một "lằn ranh đỏ" từ "hành lang Lachin", Shushi tới Hadrut ở phía nam Nagorno-Karabakh.

Cho tới lúc này, một lần nữa kịch bản chiến sự mùa hè ở Libya sẽ tái diễn.

Nhiều khả năng sẽ xuất hiện các "cố vấn quân sự" cùng các vũ khí hiện đại, đặc biệt các hệ thống phòng không tầm thấp giúp phía Armenia "khắc chế" máy bay không người lái (UAV).

Kết quả của "kịch bản Libya" này có thể là thiệt hại nặng nề cho các đơn vị "luồn sâu", UAV cũng như hỏa lực tầm xa, chấm dứt đà tiến công và "làm nguội" những "cái đầu nóng" của đối phương.

Armenia viện dẫn hiệp định quân sự cầu viện Nga: Kịch bản nào cho chiến sự Karabakh? - Ảnh 7.

Cuộc tập kích căn cứ Al-Watiya ở miền tây Libya và thiệt hại nặng của lực lượng GNA ở ngoại vi Sirte là lý do chính khiến "lằn ranh đỏ" Sirte - Jufra vẫn được duy trì. Kịch bản này hoàn toàn có thể xảy ra ở Nagorno-Karabakh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại