Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Iran và Venezuela đang lớn mạnh, cũng như việc Tehran đã hỗ trợ đáng kể cho quốc gia Nam Mỹ trong nhiều lĩnh vực [từ hàng tiêu dùng, năng lượng cho tới an ninh], Mỹ đã thể hiện mối quan ngại ngày càng gia tăng trước nguy cơ quan hệ đối tác Iran-Venezuela sẽ làm suy yếu lợi ích của họ.
Đặc biệt, theo tạp chí MW, Mỹ đang rất lo ngại khả năng Iran có thể chuyển giao các tên lửa đạn đạo chiến lược cho quân đội Venezuela, bởi chúng có thể mang lại cho Venezuela khả năng tấn công lục địa Mỹ, từ đó thiết lập khả năng răn đe trước Washington.
Ông Elliott Abrams, đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ về Iran và Venezuela, đã nói rõ quan điểm của Mỹ trước nguy cơ này như sau: "Mỹ không thể chấp nhận việc Iran chuyển giao tên lửa tầm xa cho Venezuela, điều đó sẽ không được cho phép hay dung thứ".
MW cho rằng, tuyên bố này đã nhấn mạnh tới khả năng Mỹ có thể tiến hành biện pháp quân sự để ngăn chặn nếu Iran và Venezuela tiến hành hoạt động chuyển giao tên lửa.
"Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để ngăn chặn các chuyến hàng chuyển giao tên lửa tầm xa, nếu bằng cách nào đó chúng [các tên lửa] đến được Venezuela thì chúng sẽ bị loại bỏ ở đó" – Một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, trên thực tế, hoạt động giao dịch vũ khí này là hợp pháp, không có điều luật quốc tế hay bất cứ hiệp ước nào [mà Iran và Venezuela tham gia] ngăn cản họ mua hoặc bán các tên lửa được trang bị đầu đạn thông thường.
Tên lửa Khorramshahr của Iran. Ảnh: Wiki
Iran hiện đang có trong tay nhiều thiết kế tên lửa đạn đạo tiên tiến có khả năng tấn công Mỹ nếu được triển khai trên lãnh thổ Venezuela. Hầu hết đều có nguồn gốc từ Triều Tiên hoặc có bộ phận/thành phần do Triều Tiên cung cấp.
Trong khi đó, Venezuela đã mở Đại sứ quán tại Bình Nhưỡng vào năm 2019, đây là một trong số các quốc gia khác mà họ đang nỗ lực cải thiện mối quan hệ để cân bằng trước sức ép của Mỹ và phương Tây.
MW nhận định, đáng chú ý nhất trong số các tên lửa Iran có thể chuyển giao cho Venezuela là tên lửa Musudan và Sejil. Thiết kế này của Triều Tiên cho phép tấn công các mục tiêu trên khắp châu Âu và đang được sản xuất theo giấy phép tại Iran với tên gọi Khorramshahr.
Trong khi tên lửa Musudan có tầm bắn lên tới 4.000km thì biến thể Khorramshahr có tầm bắn khiêm tốn hơn [2.500km].
Sejil cũng là một thiết kế của Iran sử dụng công nghệ và thành phần tên lửa của Triều Tiên, với tầm bắn đủ để vươn tới Mỹ.
Kho vũ khí của Venezuela nhìn chung được xem là hiện đại hơn nhiều so với Iran, có đầy đủ máy bay chiến đấu, các hệ thống pháo và phòng không.
Mặc dù vậy, việc thiếu lực lượng răn đe chiến lược có thể khiến nước này ở vị thế thua kém hơn trong việc đối phó với các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Mỹ, và các đồng minh của Washington trong khu vực, như Brazil hay Columbia.
Từ năm 2006 đến 2010, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua ba nghị quyết cấm xuất khẩu công nghệ liên quan tới hệ thống vận chuyển vũ khí hạt nhân tới Iran, cấm Tehran xuất khẩu vũ khí, cũng như cấm các nước bán vũ khí thông thường cho quốc gia này.
Tuy nhiên, lệnh cấm vận vũ khí thông thường đối với Tehran bắt đầu hết hiệu lực dần từ ngày 18/10, cho phép nước này mua bán nhiều loại vũ khí mà không chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Liên Hợp Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Iran Mohammad Amir Khatami cho biết nhiều quốc gia đã liên hệ với Tehran để thảo luận về khả năng mua bán vũ khí do nước này sản xuất.
"Chúng tôi sẽ xuất khẩu vũ khí nhiều hơn nhập khẩu" - ông Khatami nói.