Hãng tin CNBC dẫn một bài viết của tờ Nhân dân Nhật báo nói rằng Apple đã hưởng lợi từ nguồn lao động giá rẻ và chuỗi cung ứng mạnh ở Trung Quốc, và Apple cần phải chia sẻ lợi nhuận nhiều hơn với người Trung Quốc nếu không sẽ phải đối mặt với "sự giận dữ và tinh thần dân tộc chủ nghĩa" trong cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ hiện nay.
Bài viết dạng quan điểm (opinion) nhấn mạnh Apple đạt doanh thu 9,6 tỷ USD tại thị trường Trung Quốc trong quý 2 năm nay, và con số doanh thu này góp phần đưa "quả táo" đạt ngưỡng vốn hóa thị trường 1 nghìn tỷ USD.
Theo bài báo, cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể khiến Apple và các công ty Mỹ khác trở thành "lá bài mặc cả" trong tay Bắc Kinh.
"Thành công lớn của Apple đạt được tại thị trường Trung Quốc có thể kích thích tin thần dân tộc chủ nghĩa nếu những biện pháp bảo hộ mà Tổng thống Donald Trump áp dụng gần đây gây ảnh hưởng lớn đến các công ty Trung Quốc", bài báo viết.
"Trung Quốc hiện là thị trường nước ngoài quan trọng nhất đối với Apple, khiến công ty này rơi vào tình thế rủi ro nếu người tiêu dùng Trung Quốc biến Apple thành một mục tiêu của sự giận dữ và tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Cho dù xảy ra xung đột thương mại, Trung Quốc không muốn đóng cửa đối với Apple, nhưng nếu công ty Mỹ này muốn kiếm được nhiều tiền ở Trung Quốc, họ cần phải chia sẻ thành công phát triển của họ với người dân Trung Quốc", bài báo có đoạn.
Bài báo không nói rõ Apple nên chia sẻ lợi nhuận với người Trung Quốc như thế nào.
Đến nay, Apple nhìn chung chưa chịu ảnh hưởng gì từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Hồi tháng 6, ông Trump nói với Giám đốc điều hành (CEO) Tim Cook của Apple rằng điện thoại iPhone lắp ráp tại Trung Quốc sẽ không bị Mỹ áp thuế.
Bài viết của Nhân dân Nhật báo còn nhằm vào tính kinh tế của chiếc điện thoại iPhone. Bài báo nói các công ty Trung Quốc trong chuỗi cung ứng của Apple chỉ được hưởng 1,8% tổng lợi nhuận của thiết bị đình đám này, nhưng không dẫn nguồn của số liệu được nêu.
Như vậy, cuối cùng truyền thông nhà nước Trung Quốc đã lập luận rằng các công ty Mỹ có thể trở thành đối tượng "hứng đòn" trong cuộc xung đột thương mại giữa hai nước.
Trong cuộc xung đột này, hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ nhì Trung Quốc ZTE đã trở thành một "nạn nhân". Mấy tháng trước, Mỹ đã tuyên bố trừng phạt ZTE bằng cách cấm các công ty Mỹ bán linh kiện cho ZTE. Đến nay, lệnh trừng phạt đã được dỡ, nhưng cũng đã khiến ZTE thiệt hại hàng tỷ USD.
"Cuộc xung đột thương mại do chính quyền ông Trump châm ngòi đã nhắc nhở Trung Quốc phải xem xét lại thương mại Trung-Mỹ", bài báo của Nhân dân Nhật báo viết.
"Có vẻ như các công ty Mỹ làm ăn ở Trung Quốc là những người hưởng lợi nhiều nhất từ thương mại Trung-Mỹ. Thị trường Trung Quốc có ý nghĩa sống còn đối với các thương hiệu hàng đầu của Mỹ, giúp Bắc Kinh có nhiều cơ hội để chơi cứng rắn trong cuộc xung đột thương mại này".