[Kỳ 2] Bài nói của Cao Thiện Văn về mậu dịch và quan hệ Trung – Mỹ
---
Xung đột giữa hai mô thức kinh tế
Trong cạnh tranh, chính phủ Trung Quốc thông qua chính sách nghề nghiệp, trợ cấp, hạn chế nhập khẩu, cho vay lãi suất thấp, thậm chí cả trực tiếp đặt hàng để ủng hộ công ty của mình. Điều này khiến các công ty Mỹ ở vào địa vị cạnh tranh bất lợi trong thị trường Trung Quốc và cả thế giới.
Ví dụ rõ nhất là trong ngành sản xuất điện mặt trời. Ban đầu cả Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều bắt đầu thử làm tấm pin mặt trời, cùng nhau cạnh tranh.
Nhưng khi các công ty Mỹ và châu Âu làm, các chủ công ty phải bỏ tiền túi ra để đầu tư, thì phía sau công ty Trung Quốc có chính sách sản nghiệp, được chính phủ trợ cấp nhiều tiền lại còn được ngân hàng cho vay với lãi suất thấp. Kết quả là, do chính phủ trợ cấp quá lớn nên hình thành số lượng quá dư thừa.
TS Cao Thiện Văn: Nếu chính sách sản nghiệp của Trung Quốc làm sai thì các công ty Trung Quốc sẽ chết
Sau khi nền kinh tế lớn như Trung Quốc sản xuất dư thừa ắt sẽ xuất khẩu ra toàn cầu; các nhà chế tạo Mỹ phải đương đầu với các sản phẩm giá rẻ cạnh tranh.
Cứ như thế, sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc đã đánh bật các hãng sản xuất pin mặt trời của Mỹ và châu Âu ra khỏi thị trường. Mặc dù thua trong cạnh tranh, nhưng họ cho rằng đó là do cạnh tranh không công bằng, dù thua nhưng họ không tâm phục khẩu phục.
Không ai nói trước được sự phát triển của kỹ thuật trong tương lai sẽ ra sao. Trong quá trình cạnh tranh đó, nếu chính sách sản nghiệp của Trung Quốc làm đúng thì các công ty Mỹ, châu Âu không có cửa cạnh tranh được với Trung Quốc vì họ đã chậm hơn ngay từ tuyến xuất phát.
Trung Quốc có đủ các sản phẩm giá rẻ xuất ra thị trường quốc tế khiến các công ty Mỹ, Âu phá sản, các công ty Trung Quốc đã lũng đoạn thị trường. Đợi đến khi đạt tới quy mô đầy đủ, các công ty Trung Quốc bắt đầu hốt tiền thì các công ty Âu, Mỹ chả còn cửa mà bước vào thị trường nữa.
Nếu chính sách sản nghiệp của Trung Quốc làm sai thì các công ty Trung Quốc sẽ chết; nhưng khi các công ty này của Trung Quốc chết thì cũng đồng thời kéo các công ty liên quan của Âu, Mỹ sụp đổ theo…
Một ví dụ nữa là ngành công nghiệp sắt thép. Sản lượng sắt thép Trung Quốc quá dư thừa, nghiêm trọng nhất trong mọi ngành nghề. Năng lực sản xuất sắt thép của Trung Quốc chiếm khoảng một nửa của thế giới.
Ngành sản xuất sắt thép Trung Quốc tồn tại vấn đề sản xuất quá dư thừa, kết quả khiến giá sắt thép toàn thế giới bị đẩy xuống mức rất thấp, các hãng sản xuất sắt thép Mỹ, Nhật đều rất khó sống.
Tương lai quan hệ Trung - Mỹ trở nên khó đoán định
Nhưng vì sao sản lượng sắt thép Trung Quốc lại quá dư thừa như vậy? Đó là vì trong lĩnh vực này Trung Quốc có quá nhiều xí nghiệp quốc doanh.
Kinh doanh của các xí nghiệp loại này khó duy trì, nhưng thông qua sáp nhập hoặc rót vốn vẫn tiếp tục sống được, tuy khá yếu ớt so với sự trói buộc của thị trường; cho dù nguồn tài chính của chúng không phải là vô hạn, nhưng cũng vượt xa phạm vi vốn của một công ty bình thường.
Do đó tuy sản lượng quá thừa nhưng các công ty này vẫn miễn cưỡng tồn tại được. Sắt thép Trung Quốc bán giá rất rẻ khiến sản phẩm của các công ty Mỹ không thể tiêu thụ được, đành phải đóng cửa sụp đổ.
Các hãng Mỹ bị đóng cửa không cam chịu, vì họ thua không phải do ưu thế kỹ thuật hay quản lý, mà do chính phủ Trung Quốc đứng sau ủng hộ các công ty Trung Quốc dẫn đến việc các công ty Mỹ phá sản. Họ cho rằng mình đã bị cạnh tranh không công bằng.
Ví dụ nữa là máy bay loại lớn. Hiện nay Trung Quốc chưa có được giấy phép (chế tạo) máy bay khách loại lớn, nhưng đã có hơn 800 đơn đặt hàng.
Nếu máy bay C919 của Trung Quốc là sản phẩm của một công ty tư nhân hoàn toàn hay một công ty cạnh tranh theo quy tắc thị trường Âu, Mỹ thì liệu có nhận được nhiều đơn đặt hàng như thế không? Đối với các công ty Boeing và Airbus họ có thể coi hành vi giành được đơn đặt hàng đó của C919 là cạnh tranh không công bằng.
Nếu Trung Quốc có thể xuất khẩu số lượng lớn máy bay chở khách lớn giá rẻ ra thị trường quốc tế thì Boeing và Airbus có thể phải đóng cửa vì bị cạnh tranh về giá cả. Cả Boeing và Airbus đều cảm thấy đó là sự cạnh tranh không công bằng; nhưng nếu họ kiện Trung Quốc ra WTO thì sẽ thấy Trung Quốc không vi phạm bất cứ quy tắc nào trong hiệp nghị của WTO.
Công nghiệp điện mặt trời Trung Quốc đã bức tử các công ty cùng loại của Âu, Mỹ .
Khi Trung Quốc gia nhập WTO chưa có bất cứ quy định nào về xí nghiệp quốc doanh, chính sách sản nghiệp, chính phủ trợ cấp; vì khi đó trong ý thức của người Mỹ chưa hề có khái niệm thể chế kinh tế thị trường dưới sự chủ đạo của chính phủ. Cho nên, ở tầng thứ thấp, hạt nhân của xung đột Trung – Mỹ, tôi cho rằng chính là sự xung đột giữa hai mô thức kinh tế.
Kinh tế Mỹ là kinh tế thị trường tự do, WTO được xây dựng trên các quy tắc của kinh tế thị trường tự do; Trung Quốc là kinh tế thị trường dưới sự chủ đạo của chính phủ.
Sự vận hành của hai chế độ này không giống nhau và không dung hòa nhau. Trong cạnh tranh, bất cứ một công ty đơn lẻ nào (của Mỹ) bị công ty quốc doanh Trung Quốc cạnh tranh trực tiếp cũng đều sẽ lâm vào địa vị rất bị động…
Xu hướng quan hệ Trung – Mỹ tới đây
Sau khi thảo luận xong những vấn đề này, chúng ta có thể dễ dàng biết và hiểu được: thực thi đường lối cứng rắn về kinh tế mậu dịch với Trung Quốc là nhận thức chung của cả 2 đảng (Cộng hào và Dân chủ) trên chính trường Mỹ, được sự ủng hộ rộng rãi trong Quốc hội và ngày càng nhận được sự ủng hộ rộng lớn trong xã hội Mỹ.
Nhìn lại lịch sử hơn 40 năm khôi phục giao lưu Trung – Mỹ thì thấy: từ 1972 – 1992, cơ sở chính trị của quan hệ Trung – Mỹ là đối kháng Liên Xô, cho nên giữa hai nước dù tồn tại bất đồng trong nhiều lĩnh vực, nhưng quan hệ hai nước đến rất gần nhau, rất nhiều lưu học sinh tới Mỹ học tập, kinh tế có thể giao lưu bình thường.
Sắt thép Trung Quốc dư thừa quá nhiều đã khiến nhiều công ty Âu, Mỹ phá sản .
Từ 1992 đến 2012, giới tư tưởng chiến lược Mỹ hy vọng lôi kéo Trung Quốc vào hệ thống kinh tế do Mỹ chủ đạo và nuôi hy vọng Trung Quốc sẽ biến đổi trở nên thị trường hóa hơn, tiếp cận hình thái ý thức Mỹ hơn.
Đối với các thương gia Mỹ, thị trường Trung Quốc rộng lớn, có thể khiến họ giành được lợi ích thương mại lớn; đồng thời khi đó kỹ thuật của Trung Quốc hoàn toàn không thể trở thành mối đe dọa đối với Mỹ; cho nên giới tư tưởng chiến lược và giới công thương Mỹ đều ủng hộ tiếp xúc với Trung Quốc; Hội thương gia Mỹ có thái độ hữu nghị với Trung Quốc, quan hệ kinh tế mậu dịch là hòn đá tảng trong quan hệ Trung – Mỹ.
Từ năm 2012 đến nay, những hòn đá tảng đó đã lung lay, chống Trung Quốc đang trở thành nhận thức chung của giới chính trị Mỹ. Tóm lại, 3 thế lực chính trị trong nước Mỹ đều nhất trí cao trong việc phản đối Trung Quốc.
Thế lực chính trị thứ nhất là giới tư tưởng chiến lược Mỹ. Họ cho rằng hình thái ý thức của Trung Quốc ngược với Mỹ, chính sách đối với Trung Quốc trước đây đã thất bại.
Thế lực thứ hai là công nhân công nghiệp vùng Rust Belt (khu vực tập trung ngành công nghiệp chế tạo ở Mỹ); họ cho rằng sau khi Trung Quốc gia nhập hệ thống kinh tế toàn cầu đã nhận được số lượng lớn công việc chế tạo khiến họ bị thất nghiệp. Thế lực thứ 3 là giới công thương; họ cho rằng chế độ kinh tế Trung Quốc tạo thành sự cạnh tranh không công bằng, gặm nhấm phá hoại lợi ích của họ.
Giới tư tưởng chiến lược, công nhân ngành chế tạo vùng Rust Belt và giới công thương là 3 lực lượng chính trị tương đối độc lập, nhưng cả 3 đều nhất trí cao trong vấn đề chống Trung Quốc, hình thành nên sự cộng hưởng rộng rãi. Xét từ quang phổ chính trị Mỹ, đó chính là hiện trạng hiện nay.
Tương lai của quan hệ kinh tế mậu dịch Trung – Mỹ chứa đầy tính không xác định, hai bên cần phải đi cùng hướng, tìm kiếm và mở rộng gắn kết lợi ích; cần thiết phải thỏa hiệp với nhau về mô thức kinh tế và các vấn đề then chốt, hình thành sự sắp xếp chế độ hóa, cần thiết tìm thấy bạn bè đáng tin cậy dưới quang phổ chính trị của mỗi bên.
Viễn cảnh đáng lo ngại là, nếu những thỏa hiệp này không thể đạt được, cộng với sự đối kháng về kỹ thuật và hình thái ý thức, hai bên sẽ chuyển từ sự hòa hợp về đầu tư, chuyển nhượng kỹ thuật và trao đổi nhân tài trước đây, sang cục diện không ngừng rời xa nhau; tiến trình toàn cầu hóa mấy chục năm qua sẽ trở thành quá trình vỡ vụn hóa, quan hệ Trung – Mỹ sẽ trở nên ngày càng không ổn định.