Chu Hằng (Hà Đông)
Trên thị trường có nhiều loại sữa chua (có đường, không đường,...). Công nghệ sản xuất sữa chua thường dùng hai loại men lactic là Streptococcus thermophylus và Lactobacillus bulgaricus chuyển hóa đường lactose giúp cho những người không quen ăn sữa (do cơ thể không dung nạp đường lactose) tiêu hóa sữa được dễ dàng, đồng thời còn cung cấp các vi khuẩn sống có ích cho đường ruột, giúp tiêu hóa tốt và ngăn ngừa bệnh đường tiêu hóa, chống béo phì,...
Sữa chua phù hợp với: trẻ em, người ốm, người già, người không dung nạp sữa... Tuy nhiên cũng không nên ăn quá nhiều sữa chua trong một ngày. Mỗi ngày bạn chỉ nên cho cháu ăn 2-3 hộp.
Khi ăn sữa chua cần lưu ý các điều sau đây:
- Khi mua sữa chua phải xem hạn dùng còn dài mới mua. Bảo quản sữa chua trong tủ lạnh.
- Không ăn sữa chua lúc đói bụng vì khi đó độ chua của dịch dạ dày cao sẽ tiêu diệt phần lớn các vi khuẩn có ích trong sữa chua.
Để tránh tác hại này, trước khi ăn sữa chua ta nên làm giảm độ chua của dịch dạ dày có thể ăn tạm ít hoa quả hoặc bánh quy... sau đó mới ăn sữa chua;
Người bị viêm họng nên lấy sữa chua ra khỏi tủ lạnh 10 phút rồi mới ăn.Tuyệt đối không được đun nóng sữa chua sẽ chết các vi khuẩn có ích trong sữa;
Ăn sữa chua phải cách xa lúc uống thuốc kháng sinh tối thiểu là 3 giờ để tránh các vi khuẩn có ích trong sữa chua bị tiêu diệt;
Người tiểu đường, người dư cân chỉ ăn sữa chua không đường; Sau khi ăn sữa chua cần súc miệng và đánh răng thật sạch để tránh các vi khuẩn lactic trong sữa chua còn sót lại, làm hỏng men răng.