Ủy ban An ninh của Nội các do Thủ tướng Narendra Modi chủ trì họp hôm 26.8 đã làm rõ ràng "về việc tiếp nhận loại vũ khí thay đổi cuộc chơi", theo Times of India. Động thái này diễn ra trước chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào đầu tháng 10 tới.
Không quân Ấn Độ (IAF) dự kiến sẽ nhận được tổ hợp S-400 đầu tiên của trong vòng 24 tháng sau khi ký hợp đồng. Các tổ hợp còn lại dự kiến sẽ được chuyển giao trong vòng 4-5 năm tới.
Ấn Độ sẽ phải trả trước 15% tổng chi phí khi đặt bút ký hợp đồng mua S-400, phần còn lại sẽ liên quan tới việc chuyển giao các tổ hợp, theo tờ báo của Ấn Độ. Tuy nhiên, chính phủ Ấn Độ vẫn chưa xác nhận sự sẵn sàng ký kết thỏa thuận này.
S-400 Triumf là hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Nga đã được bán ra thị trường. Tổ hợp này có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo ở khoảng cách lên tới 60km.
Hệ thống này có thể sử dụng ít nhất 4 loại tên lửa phòng không, phù hợp với các loại mục tiêu khác nhau. Một tổ hợp S-400 có thể phát hiện ra khoảng 300 mục tiêu trên không ở phạm vi 600km và có thể tấn công đồng thời 36 mục tiêu cùng lúc.
RT nhận định, Ấn Độ dường như đã bỏ qua các mối đe dọa trừng phạt tài chính của Mỹ, nhằm ngăn chặn việc kinh doanh với Nga. Các biện pháp trừng phạt có thể được thực hiện theo đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt - CAATSA, nhằm trừng phạt các quốc gia mua vũ khí của Nga.
Tuần trước, Mỹ đã trừng phạt một đơn vị quân đội Trung Quốc bởi việc mua các tổ hợp S-400 và chiến đấu cơ Sukhoi Su-35.
Theo RT, Trung Quốc dường như là quốc gia đầu tiên bị Washington trừng phạt theo đạo luật CAATSA liên quan tới S-400 - hệ thống tên lửa hiện đại khiến Mỹ bất đồng với đồng minh trong NATO là Thổ Nhĩ Kỳ.
Bất chấp những cảnh báo của Washington, Ankara đã ký hợp đồng mua S-400 của Nga. Thương vụ Nga- Thổ dẫn tới sự giận dữ của Mỹ. Thậm chí, Mỹ đã đóng băng việc chuyển giao các máy bay chiến đấu F-35 Lightning II do Mỹ sản xuất cho Thổ Nhĩ Kỳ trong mùa hè này bởi thương vụ S-400. Tuy nhiên, cho tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa bị trừng phạt theo đạo luật CAATSA.