Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đi một bước xa hơn trong nỗ lực cảnh cáo Thổ Nhĩ Kỳ về việc mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Đó là đe dọa áp cấm vận đối với toàn bộ khối NATO và các đồng minh khác nếu họ cân nhắc những thỏa thuận tương tự.
Nhận thấy việc S-400 được chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ trước thời hạn sẽ là một "mối lo ngại" với Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nhấn mạnh rằng, Washington phản đối kế hoạch đa dạng hóa nguồn cung vũ khí của các quốc gia khác.
Hồi đầu tuần này, Rosboronexport đã xác nhận rằng, lô S-400 đầu tiên sẽ được chuyển giao cho Ankara vào năm 2019.
"Chuyện này đi ngược lại chính sách của chúng tôi khi một đồng minh NATO như Thổ Nhĩ Kỳ lại sử dụng hệ thống S-400. Một phần là vì nó không tương thích với các hệ thống khác của NATO", Nauert cho hay, "Và vì thế chúng tôi phản đối việc một số đối tác và đồng minh của mình trên khắp thế giới có ý định mua S-400".
Bà Nauert cũng nhấn mạnh rằng, Mỹ đã "nói rõ điều gì có thể dẫn tới cấm vận nhằm vào các nước và tổ chức khác trên thế giới" nếu họ mua các hệ thống phòng không của Nga.
Sắc lệnh Xử lý Đối thủ của Mỹ Thông qua Cấm vận (CAATSA) cho phép chính quyền Mỹ trừng phạt các tổ chức tham gia vào các vụ giao dịch với các công ty thuộc lĩnh vực quốc phòng của Nga.
Chia sẻ với RT, cựu quan chức ngoại giao Mỹ Jim Jatras cho rằng, vấn đề thực sự không nằm ở sự tương thích giữa các hệ thống của Nga và NATO, mà là nỗ lực duy trì quỹ đạo ảnh hưởng của Washington.
"Vấn đề của việc này không thật sự nằm ở khả năng tương thích", ông Jatras nói với RT, "Có nhiều quốc gia mua thiết bị quân sự từ nhiều nguồn khác nhau".
"Chúng tôi không thực sự có đồng minh, chúng tôi có các vệ tinh và một vệ tinh hữu dụng sẽ làm những gì mình được bảo. Và nếu nó không muốn hành xử như một vệ tinh hữu dụng thì chúng tôi sẽ lôi ra một cây gậy lớn và dọa dẫm", Jatras nhấn mạnh.
Thổ Nhĩ Kỳ không phải nước duy nhất đang chịu áp lực từ Washington vì có kế hoạch mua S-400 của Nga. Các nghị sĩ Mỹ cũng đan đe dọa áp cấm vận đối với Ấn Độ nếu New Delhi tiếp tục mua 5 hệ thống với thỏa thuận trị giá 5,7 tỉ USD.
Cũng như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ vẫn đang duy trì cam kết với thỏa thuận này, dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm nay.
Quan hệ song phương của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào giai đoạn tồi tệ. Trong những tuần qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhiều lần cáo buộc Nhà Trắng phát động một cuộc chiến tranh kinh tế nhằm vào Ankara, khiến đồng lira sụt giá thê thảm so với đồng USD sau khi Mỹ cấm vận hàng nhập khẩu nhôm, thép của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara cũng nhiều lần bảo vệ quyền chủ quyền của mình, quyền được mua sắm các loại vũ khí từ bất cứ nhà cung cấp nào mà mình mong muốn. Trong tình thế đó, Mỹ đã dọa sẽ ngừng chuyển giao các tiêm kích F-35 cho Ankara.