Nhìn gương Sri Lanka, Myanmar vội giảm dự án do Trung Quốc đầu tư để tránh nợ

Minh Khôi |

Myanmar đã đồng ý giảm quy mô dự án cảng biển do Trung Quốc đầu tư ở tỉnh Rakhine, phía Tây nước này, từ 7,2 tỷ USD ban đầu xuống 1,3 tỷ USD do lo ngại không trả được khoản nợ "khủng".

Dự án này nằm ở đặc khu kinh tế Kyaukpyu, một cảng tự nhiên nhìn ra Ấn Độ Dương, phù hợp với các tàu, thuyền lớn. Tại đây đã có một đường ống dẫn dầu đến Trung Quốc và một cảng có khả năng neo đậu tàu hàng trọng tải 300.000 tấn.

"Myanmar đã tái đàm phán thành công về cảng nước sâu ở Kyaukpyu", Sean Turnell, cố vấn kinh tế của bà Aung San Suu Kyi cho hay.

Tờ Nikkei Asian Review nhận định, với động thái này, Myanmer có thể giảm bớt gánh nặng tài chính trong khi vẫn có thể "giữ mặt" cho Trung Quốc. Bắc Kinh có ý định biến đặc khu kinh tế này thành một điểm quan trọng trong sáng kiến Vành đai - Con đường. 

Nhìn gương Sri Lanka, Myanmar vội giảm dự án do Trung Quốc đầu tư để tránh nợ - Ảnh 1.

Kyaukpyu là điểm xoay trục trong Vành đai - Con đường của Trung Quốc. Ảnh: Nikkei.

Việc xây dựng sẽ được hoàn thiện trong 4 giai đoạn như kế hoạch ban đầu. Ở giai đoạn đầu tiên, một cảng có khả năng neo đậu từ 2-3 tàu sẽ được xây dựng. Kế hoạch ban đầu là 2 cảng cho khoảng hơn 10 tàu.

Nhưng giai đoạn tiếp theo sẽ không được tiến hành cho đến khi điều kiện cụ thể được đáp ứng, một quan chức cấp cao Myanmar cho biết.

Cả 2 nước sẽ cùng đầu tư vào dự án. Công ty đầu tư nhà nước Citic Group của Trung Quốc sẽ giữ 70% cổ phần, trong khi chính phủ Myanmar và 42 công ty nội địa giữ phần còn lại.

Citic Group cũng dẫn đầu một nhóm khác sẽ phát triển khu công nghiệp tại đặc khu kinh tế Kyaukpyu, đầu tư 2,7 tỷ USD đổi lấy 51% cổ phần.

Ngày càng nhiều quốc gia thận trọng về cái bẫy nợ mà sáng kiến Vành đai - Con đường giăng ra.

Myanmar đã quyết định tái đàm phán dự án sau khi xem xét tình hình ở Sri Lanka. Quốc gia này vừa phải trao quyền điều hành một cảng do Trung Quốc tài trợ trong 99 năm vì không thể chi trả được khoản nợ.

Hầu hết nguồn vốn cho phát triển của Myanmar đến từ Trung Quốc. "Việc phải nhượng quyền sở hữu cho Trung Quốc nếu việc kinh doanh chậm chạp hoặc chúng tôi không thể trả được các khoản nợ là hoàn toàn có thể", đại diện một công ty địa phương nói.

Chính phủ Myanmar đã giành được sự nhượng bộ khi thái độ nghi ngờ ngày một gia tăng với các dự án thuộc sáng kiến Vành đai - Con đường tại các quốc gia tham dự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại