Ấn Độ 'chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất' trước nguy cơ làn sóng COVID-19 thứ 3

Trà My |

Trước nguy cơ của một làn sóng COVID-19 mới, các bệnh viện trên khắp Ấn Độ đang nhanh chóng bổ sung giường bệnh, đảm bảo lượng oxy dồi dào.

Khi số ca nhiễm và ca tử vong do COVID-19 bùng nổ ở Ấn Độ vào tháng 4 và tháng 5, bệnh viện Sir Ganga Ram ở New Delhi, Ấn Độ, và một số bệnh viện khác đã bị thiếu oxy đến mức nhiều bệnh nhân bị ngạt thở, theo Reuters.

Khi phóng viên của Reuters đến thăm bệnh viện này hôm 3/9, bệnh nhân COVID-19 cuối cùng của họ đã sẵn sàng xuất viện sau khi hồi phục. Một chuyên gia sức khỏe nhận định đây là một sự thay đổi đáng chú ý, cho thấy mức độ miễn dịch ngày càng gia tăng của Ấn Độ.

Nhưng các bệnh viện này đã phải trải qua làn sóng COVID-19 thứ 2 kinh hoàng, khi những giàn hỏa táng không ngừng cháy và thi thể được chôn rải rác bên bờ sông Hằng.

Và giờ đây, các chuyện gia dự đoán Ấn Độ chuẩn bị bước vào một đợt gia tăng số ca nhiễm mới, có thể xảy ra vào mùa lễ hội từ tháng 9 đến tháng 11.

Ấn Độ chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất trước nguy cơ làn sóng COVID-19 thứ 3 - Ảnh 1.

Các nhân viên y tế làm việc bên trong khu khám bệnh cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Sir Ganga Ram ở New Delhi ngày 3 tháng 9 năm 2021. Ảnh: REUTERS / Anushree Fadnavis

Mới đây, ngày 28/8, Ấn Độ báo cáo 46.759 ca nhiễm COVID-19 mới, con số cao nhất trong gần hai tháng qua. 

Hôm 29/8, số ca nhiễm mới là 45.083 ca, lý do là vì số ca nhiễm gia tăng đột biến ở bang Kerala. Tại bang Kerala, nơi số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến sau một lễ hội lớn, chính quyền bang đã báo cáo 31.265 ca nhiễm mới vào cuối ngày thứ 28/8 - chiếm gần 70% tổng số ca mới trong ngày của cả nước.

Bang Kerala có kế hoạch phong tỏa các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề và hạn chế di chuyển của người dân, theo một quy định được ban hành vào ngày 28/8. Theo đó, người dân chỉ được ra ngoài khi đến những địa điểm cung cấp dịch vụ hàng hóa thiết yếu hoặc cấp cứu y tế.

Trước nguy cơ của một làn sóng COVID-19 mới, các bệnh viện trên khắp Ấn Độ đang nhanh chóng bổ sung giường bệnh, đảm bảo lượng oxy dồi dào.

Bệnh viện Ganga Ram đang nâng công suất lưu trữ oxy lên 50%. Nơi đây cũng đã đặt một đường ống dài 1 km dẫn khí oxy trực tiếp đến các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) COVID-19 và đang lắp đặt thiết bị để giữ cho lưu lượng oxy ở mức cao.

Họ cũng đã đặt hàng một hệ thống tạo oxy tại chỗ, chủ yếu được sản xuất ở châu Âu và có thể mất vài tháng để hoàn thành do nhu cầu trên toàn cầu tăng vọt.

Satendra Katoch, giám đốc y tế của bệnh viện, cho biết: "Do khả năng xuất hiện các đột biến virus corona với khả năng lây truyền cao hơn và né miễn dịch, bệnh viện tiếp tục chuẩn bị cho tình huống xấu nhất".

[Đọc thêm: WHO vạch ra hai kịch bản COVID-19 ở Châu Á - Thái Bình Dương]

Tuy nhiên, bệnh viện tư nhân này cho biết họ không có khả năng kê thêm giường. Trong thời kỳ đỉnh điểm của làn sóng COVID-19 thứ hai ở Ấn Độ, Ganga Ram đã mở rộng gần 50% công suất, lên thành 600 giường. Nhưng ngay cả khi đó, khoảng 500 bệnh nhân vẫn phải vào danh sách chờ nhập viện mỗi ngày, theo bác sĩ Varun Prakash, người quản lý phòng ‘chiến tranh’ của bệnh viện.

Ấn Độ chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất trước nguy cơ làn sóng COVID-19 thứ 3 - Ảnh 2.

Người dân Ấn Độ xếp hàng đợi kiểm tra nhiệt độ tại một nhà ga ở Mumbai, Ấn Độ, ngày 27 tháng 8 năm 2021. Ảnh: REUTERS / Francis Mascarenhas

Trên toàn quốc, Ấn Độ đã bổ sung thêm nhiều giường bệnh trong vài tháng qua và nhập khẩu hơn 100 hệ thống chứa oxy để nâng tổng số lên khoảng 1.250. Các công ty như Linde đang có kế hoạch nâng 50% sản lượng khí oxy nói chung của Ấn Độ, lên mức 15.000 tấn một ngày.

Người đứng đầu Linde Nam Á, Moloy Banerjee, cho biết: "Cơ sở hạ tầng, hậu cần của việc phân phối [oxy] đã bị thiếu hụt trong làn sóng thứ hai".

Trong khi đó, chính phủ Ấn Độ đã phê duyệt việc xây dựng gần 1.600 hệ thống tạo oxy tại các bệnh viện, mặc dù mới chỉ có 300 hệ thống được thiết lập vào đầu tháng trước do việc nhập khẩu mất nhiều thời gian.

MỨC ĐỘ KHÁNG THỂ CAO

Hầu như tất cả các bang của Ấn Độ đều đang chuẩn bị cho các khoa nhi vì một số chuyên gia cảnh báo trẻ em chưa được tiêm chủng có thể dễ bị tổn thương trước bất kỳ đột biến virus mới nào. Các bang như Madhya Pradesh cũng đang tích trữ các loại thuốc chống virus như Remdesivir.

Một cuộc khảo sát của chính phủ ước tính khoảng 2/3 người Ấn Độ đã có kháng thể chống lại COVID-19 thông qua nhiễm bệnh tự nhiên. 57% người trưởng thành Ấn Độ cũng đã được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19. Với những con số này, nhiều chuyên gia y tế tin rằng bất kỳ đợt bùng phát mới nào cũng có thể ít tàn phá hơn nhiều so với làn sóng thứ hai.

Nhà dịch tễ học kiêm bác sĩ tim mạch K. Srinath Reddy, Chủ tịch Tổ chức Y tế Công cộng Ấn Độ, cho biết: "Số người dễ bị nhiễm sẽ ít hơn, vì nhiều người đã bị nhiễm bệnh hoặc đã được tiêm chủng".

"Ngay cả khi các trường hợp tái nhiễm hoặc nhiễm trùng đột phá [khi một người đã tiêm vaccine nhiễm virus] xảy ra, bệnh có thể ở mức nhẹ và chủ yếu được điều trị tại nhà. Những lỗ hổng nghiêm trọng trong y tế thể hiện rõ trong làn sóng thứ hai ít có khả năng lặp lại".

Bang Kerala dường như đang là minh chứng cho điều này. Bang này hiện có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất Ấn Độ, trong đó có những người đã được tiêm chủng đầy đủ hoặc một phần, nhưng tỷ lệ tử vong ở đây thấp hơn nhiều so với con số chung của cả nước.

Với 33,1 triệu ca nhiễm, Ấn Độ đang có số ca nhiễm COVID-19 cao nhì thế giới, chỉ sau Mỹ. Ấn Độ hiện có 441.042 ca tử vong.

Nước này đã tiêm 698,4 triệu liều vaccine COVID-19 - tiêm ít nhất một liều cho 57% trong số 944 triệu dân số trưởng thành và hai liều cho 17% dân số trưởng thành.

Bộ Y tế Ấn Độ đặt mục tiêu tiêm chủng cho toàn bộ dân số trưởng thành trong năm nay.

Nhà dịch tễ học và chuyên gia sức khỏe cộng đồng Ấn Độ, Chandrakant Lahariya, cho biết các dữ liệu và xu hướng hiện nay là những tín hiệu tốt.

"Những bằng chứng mới cho thấy với những người đã từng nhiễm bệnh, liều vaccine duy nhất có thể cung cấp lượng kháng thể cao hơn nhiều so với những người không bị nhiễm hoặc tiêm cả hai liều vaccine, đó là điều đảm bảo cho Ấn Độ". 

(Nguồn: Reuters)

Mời độc giả gửi câu hỏi Toạ đàm trực "HÀ NỘI CẦN LÀM GÌ ĐỂ KIỂM SOÁT DỊCH BỆNH"

Toạ đàm trực tuyến "Hà Nội cần làm gì để kiểm soát dịch bệnh?" với sự tham gia của chuyên gia khách mời là BS CKII Khổng Minh Tuấn, PGĐ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hà Nội (CDC Hà Nội) diễn ra vào lúc 14h30 ngày 08/09/2021.

Quý độc giả quan tâm đến tình hình dịch bệnh của Hà Nội và có các câu hỏi gửi chuyên gia khách mời của chương trình xin để lại câu hỏi TẠI ĐÂY và theo dõi chương trình để nhận câu trả lời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại