Đạn pháo M982 Excalibur. Ảnh: Wikipedia
Excalibur lần đầu tiên được sử dụng ở Iraq năm 2007 trong chiến dịch tiêu diệt lãnh đạo cấp cao của tổ chức khủng bố al-Qaeda Abu Jurah cùng đồng bọn.
Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ chi 92 triệu USD trong ngân sách bổ sung được Quốc hội thông qua cho "quy trình thay thế đạn pháo M982 Excalibur được chuyển tới Ukraine trong nỗ lực hỗ trợ quốc tế nhằm đối phó với hành vi gây hấn của Nga", tài liệu ngân sách vào tháng trước cho hay.
Được sử dụng cho lựu pháo cỡ nòng 155mm, đạn pháo M982 Excalibur do Raytheon Missiles and Defense và BAE Systems Bofor đồng phát triển. Excalibur có thể giúp các chỉ huy trên chiến trường nhắm thẳng vào mục tiêu một cách chính xác hơn. Theo tài liệu trên, Excalibur có tầm bắn khoảng 40,5 km.
Excalibur đã được liệt kê trong các tài liệu nói về kế hoạch chi tiêu của Lầu Năm Góc đối với khoản ngân sách 20,1 tỷ USD trong gói hỗ trợ bổ sung cho Ukraine mà Tổng thống Mỹ Joe Biden ký hồi tháng 5. Mark Cancian, nhà phân tích quốc phòng thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, người chịu trách nhiệm giám sát các khoản chi liên quan đến Ukraine cho biết: "Điều này đã xác nhận những đồn đoán từ lâu rằng Mỹ đang cung cấp vũ khí tiên tiến trên cho Ukraine”.
Với khả năng nhắm trúng chính xác mục tiêu, Excalibur đang được Ukraine sử dụng một cách tiết kiệm để phá hủy các bốt chỉ huy và các trung tâm kiểm soát của Nga tại các khu vực phía Đông.
Ngoài việc âm thầm cung cấp đạn pháo Excalibur, tài liệu trên cũng nêu rõ, Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine các vũ khí phổ biến như đạn pháo cỡ nòng 155mm, tên lửa chống tăng Javelin, tên lửa phòng không Stinger, hệ thống pháo phản lực HIMARS và các Hệ thống Tên lửa Dẫn đường Phóng loạt (GMLRS).
Kế hoạch kề vai sát cánh lâu dài với Ukraine
Lầu Năm Góc cũng đang lên kế hoạch phân tích chi tiết và hợp tác để hỗ trợ quân sự cho Ukraine về trung và dài hạn, thậm chí cả sau khi cuộc chiến với Nga kết thúc, 3 quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay.
Dẫn đầu kế hoạch trên là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley. Kế hoạch này được thực hiện thông qua việc xây dựng các gói hỗ trợ quân sự trị giá hàng tỷ USD mà Mỹ cung cấp cho Ukraine.
Tiến trình này hiện mới ở giai đoạn đầu và một quan chức quốc phòng nhận định, kế hoạch trên sẽ xem xét 'tương lai của lực lượng Ukraine" nhằm trả lời cho những câu hỏi như "liệu điều này mang đến ý nghĩa gì" hay "những gì chúng ta muốn Ukraine bắt đầu hành động về trung và dài hạn" để cung cấp các gói hỗ trợ quân sự phù hợp. Giữa bối cảnh cuộc xung đột hiện nay chưa có dấu hiệu kết thúc, Mỹ dự đoán cuộc chiến ở Ukraine sẽ kéo dài ít nhất 5 năm.
Kế hoạch phân tích trên sẽ được tiến hành cùng với Ukraine và nếu được Tổng thống Biden thông qua, điều này có thể đồng nghĩa với việc Washington sẽ cung cấp cho Kiev các chương trình huấn luyện quân đội dài hạn cũng như các hợp đồng vũ khí trong nhiều năm.
Phân tích này dự kiến sẽ được công bố trong 1 hoặc 2 tháng tới, một quan chức quốc phòng cấp cao cho hay, đồng thời nhấn mạnh quan điểm của Ukraine sẽ là trung tâm trong nỗ lực này. Theo đó, kế hoạch trên cũng sẽ tiếp tục phát triển trong những tháng tới khi tình hình chiến trường thay đổi và Ukraine tăng cường các cuộc tiến công.
Trên thực tế, kế hoạch trên có thể sẽ mở rộng đáng kể sự can dự của Mỹ và đồng minh vào Ukraine trong những năm tới qua các hợp đồng vũ khí dài hạn kéo dài nhiều năm, có thể sẽ được hoàn tất trước khi kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Biden.
Tháng trước, khi thảo luận về việc hỗ trợ cho Ukraine, Thứ trưởng Quốc phòng Colin Kahl cho biết: "Trong khi nhiều khả năng không trực tiếp tác động đến cuộc chiến hiện nay thì chúng sẽ hình thành xương sống cho lực lượng Ukraine để trở nên hùng mạnh hơn trong tương lai và bảo vệ Ukraine trong những năm tới”.
Các quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cho biết, phân tích trên cũng sẽ bao gồm những cân nhắc sơ bộ về nhu cầu của Không quân Ukraine đối với các chiến đấu cơ và trực thăng hiện đại để hỗ trợ lực lượng mặt đất linh hoạt hơn.
Giữa bối cảnh Không quân Ukraine tận dụng thành công hệ thống pháo phản lực HIMARS, Mỹ đang tìm cách hỗ trợ các lực lượng mặt đất của nước này trở nên cơ động hơn sau khi họ đạt được một số thành quả trong những chiến dịch gần đây.
Cung cấp những gì Ukraine cần
Theo các quan chức Lầu Năm Góc, Ukraine hiện có khoảng 1.000 UAV với các khả năng khác nhau. Mỹ và Ukraine nhận ra rằng các UAV với tầm hoạt động ngắn và lượng đạn dược nhỏ có lẽ không hữu ích bằng các loại UAV lớn hơn. Vì thế, dự kiến trong tháng này, một thỏa thuận cung cấp 10 UAV Switchblade 600 được trang bị các đầu đạn chống tăng sẽ được thông báo.
Một trong những nhu cầu lâu dài nhất của Ukraine hiện nay là các loại đạn pháo cỡ nòng 155 mm. Ukraine đang sử dụng chúng với tỷ lệ cao và Mỹ sẽ phải tái bổ sung kho đạn dược của mình.
Lầu Năm Góc đã thông báo các hợp đồng trị giá 364 triệu USD vào cuối tháng trước với các nhà cung cấp vũ khí tại Mỹ và ở nước ngoài.
"Đây là một thỏa thuận lớn. Tôi không thể nói cụ thể về các nhà cung cấp nhưng đó là các nhà sản xuất ở khắp thế giới", Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ William LaPlante cho hay. Mục tiêu của kế hoạch này là cung cấp khoảng 100.000 quả đạn trong 90 ngày và 15.000 quả đạn mỗi tháng sau đó.
Mục tiêu dài hạn của kế hoạch trên là cung cấp hơn 30.000 quả đạn/tháng trong 2 - 3 năm tới cho Ukraine. Một quan chức quốc phòng khác cũng cho biết, Lục quân Mỹ dự kiến sẽ có một hợp đồng trong những ngày tới để bắt đầu bổ sung kho đạn pháo cỡ nòng 155mm của mình do số lượng lớn loại đạn này đã được cung cấp cho Ukraine.
Mức độ sản xuất ở Mỹ hiện nay là khoảng 15.000 quả đạn/tháng tại các nhà máy ở Pennsylvania nhưng nguồn ngân sách bổ sung của chính phủ đang hướng tới việc nâng số lượng lên hơn 30.000 quả đạn/tháng.
Lầu Năm Góc cũng đang làm việc với ngành công nghiệp quốc phòng về mọi mặt nhằm tăng tỷ lệ sản xuất để xuất khẩu vũ khí sang Ukraine và bổ sung vào kho đạn dược của Mỹ.
Để giảm sức ép lên nguồn cung của Mỹ, một số hợp đồng sản xuất bổ sung đã được ký kết vào tháng 4 nhằm tăng số lượng các hệ thống tên lửa đất đối không, UAV, radar và các tên lửa phóng từ mặt đất với độ chính xác cao.
Để bổ sung kho vũ khí của Mỹ sau khi hỗ trợ cho Ukraine, chính phủ Mỹ đã ký một số hợp đồng quan trọng hồi tháng 5 bao gồm: hợp đồng trị giá 624 triệu USD với Raytheon để mua các tên lửa Stinger, hợp đồng trị giá 352 triệu USD với Raytheon và Lockheed Martin để mua tên lửa chống tăng Javelin, hợp đồng trị giá 33 triệu USD với Lockheed Martin mua hệ thống pháo phản lực HIMARS và hợp đồng trị giá 8 triệu USD với AeroVironment để mua UAV Switchblade. Lầu Năm Góc cũng hy vọng số lượng HIMARS được sản xuất mỗi tháng sẽ tăng gấp đôi lên 12 hệ thống.
Mỹ cũng đang xem xét điều chỉnh một số hệ thống như UAV ScanEagle của Boeing Insitu để hỗ trợ Ukraine thu thập thông tin tình báo tác chiến điện tử quan trọng về các mục tiêu của Nga như radar và các hệ thống liên lạc điện tử./.