Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Tass
“Khái niệm về chính sách nhân đạo của Nga ở nước ngoài” được phê chuẩn nhằm thúc đẩy sự hiểu biết về con đường lịch sử, vai trò và vị trí của Nga trong lịch sử và văn hóa thế giới; tăng cường nhận thức khách quan về Liên bang Nga trong mắt thế giới xung quanh, cũng như thúc đẩy hợp tác nhân đạo để góp phần mở rộng mối quan hệ giữa mọi người.
Trong số các lợi ích quốc gia của Nga trong lĩnh vực nhân đạo ở nước ngoài là “bảo vệ các giá trị tinh thần và đạo đức truyền thống của Nga”, giúp người dân trên thế giới làm quen với di sản lịch sử và văn hóa của các dân tộc Nga. Phát triển hợp tác nhân đạo quốc tế trên cơ sở “công bằng, lẫn nhau, cởi mở và không phân biệt đối xử”.
Các mục tiêu trong chính sách nhân đạo của Nga ở nước ngoài là hình thành và củng cố nhận thức khách quan về đất nước này trên thế giới.
Một trong những nhiệm vụ của chính sách nhân đạo của Nga ở nước ngoài là hình thành ý tưởng về nước Nga như một quốc gia “trong đó đời sống văn hóa - xã hội phát triển năng động trong điều kiện tự do sáng tạo văn học, nghệ thuật và các loại hình sáng tạo khác, đa nguyên ý kiến và không có các hạn chế kiểm duyệt”. Một nhiệm vụ khác được xác định là “bảo vệ, bảo tồn và phát huy các truyền thống và lý tưởng vốn có của thế giới Nga”.
Đặc biệt chú ý trong Khái niệm là vấn đề hỗ trợ và thúc đẩy tiếng Nga như là ngôn ngữ giao tiếp quốc tế ở nước ngoài. Đây là “yếu tố then chốt trong chính sách nhân đạo của Nga” ở nước ngoài.
Ngoài ra, theo Khái niệm, định hướng chính của chính sách nhân đạo trong lĩnh vực khoa học và giáo dục sẽ là “nâng cao khả năng cạnh tranh của giáo dục Nga, nghiên cứu khoa học và phát triển và quảng bá chúng trên thị trường thế giới”. Phát triển hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thể thao, du lịch, giao lưu thanh niên. Hỗ trợ đồng bào sinh sống ở các nước, bảo tồn di sản văn hóa lịch sử. Sử dụng các phương tiện truyền thông để hình thành hình ảnh khách quan của đất nước ở nước ngoài.
Nga cũng cần duy trì hợp tác nhân đạo song phương cân bằng cùng có lợi với các quốc gia Tây Âu, cũng như thúc đẩy mở rộng sự hiện diện văn hóa Nga ở các khu vực Trung và Đông Âu, có tính đến sự sẵn sàng của các quốc gia trong khu vực cho điều này. Bên cạnh đó là tăng tường hợp tác với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cũng như với Mỹ Latinh, Châu Phi và Trung Đông. Ưu tiên trong chính sách nhân đạo của Nga ở nước ngoài sẽ là mở rộng hợp tác với các nước SNG, Abkhazia, Nam Ossetia, Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lugansk. Khi tương tác với Latvia, Litva, Estonia, Gruzia và Moldova, sẽ tính đến quyền của cộng đồng nói tiếng Nga ở các quốc gia này.
Theo nhà khoa học chính trị, Phó tiến sĩ Khoa học Chính trị Artur Ataev, Khái niệm về chính sách nhân đạo của Nga ở nước ngoài là một phản ứng trước cuộc khủng hoảng của các tổ chức quốc tế theo đuổi chính sách nhân đạo kể từ nửa sau thế kỷ 20. Ông cho rằng, các tổ chức như Liên hợp quốc và UNESCO, mặc dù có tính chất siêu quốc gia, phi nhà nước, nhưng đã trở nên chính trị hóa nhiều hơn và dễ diều khiển hơn, do đó hiện nay có một cuộc khủng hoảng trong văn hóa quốc tế, văn hóa của các quốc gia và khối riêng lẻ.
Chuyên gia Ataev cho rằng, việc áp dụng Khái niệm này sẽ giúp Nga mở rộng sự hiện diện văn hóa của mình trên thế giới. Ông lưu ý rằng, cần phải hình thành một loại hình tương tự của UNESCO trong Cộng đồng các quốc gia độc lập để phát huy các giá trị của nó. Theo ông, chỉ riêng chính sách văn hóa của Nga sẽ không đủ để đạt được mục tiêu này, cần phải có sự tham gia của các đồng minh có khả năng trở thành một tầng lớp văn hóa gây áp lực tích cực lên thế hệ trẻ nói chung./.