Quân đội Ukraine ở khu vực Donetsk. Ảnh: Reuters
Quốc gia NATO có nguy cơ xảy ra xung đột quân sự với Nga trong 3 – 10 năm tới: Thứ trưởng Quốc phòng Ba Lan Marcin Ociepa nhận định nước này có thể đối mặt với một cuộc xung đột quân sự với Nga trong 3 - 10 năm tới. Do vậy, theo quan chức này, Ba Lan cần thời gian còn lại trước khi chiến tranh nổ ra để đạt được nhiều vũ khí nhất có thể.
"Có một rủi ro nghiêm trọng dẫn tới cuộc chiến với Nga", ông Ociepa cho hay, đồng thời nhận định thời gian xảy ra cuộc chiến tiềm ẩn này phụ thuộc vào việc "cuộc xung đột ở Ukraine kết thúc như thế nào". Quan chức Ba Lan cũng cho rằng, điều đó phụ thuộc cả vào việc "Nga cần bao nhiêu năm để tái xây dựng tiềm lực quân sự của mình". Dù vậy, ông Ociepa không nêu cụ thể các nhân tố khác có thể làm tăng hoặc giảm rủi ro xung đột.
Nga công bố biện pháp đối phó mở rộng nhằm chống lại trừng phạt của EU: Theo Bộ Ngoại giao Nga, việc EU tiếp tục thực hiện chính sách trừng phạt đơn phương chống lại Nga nhằm kiềm chế sự phát triển và “trừng phạt” những công dân Nga ủng hộ chính sách đối ngoại độc lập là hành động bất hợp pháp.
Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, việc EU và các quốc gia thành viên riêng lẻ tiếp tục cung cấp cho Ukraine vũ khí sát thương và thiết bị quân sự đã và đang làm phức tạp thêm tình hình nhân đạo ở khu vực xung đột và gây nguy hiểm cho an ninh của toàn lục địa châu Âu. Điều này cho thấy, EU không sẵn sàng bất kỳ đóng góp nào cho hòa bình ở Ukraine và châu Âu, mà thay vào đó là cố gắng kéo dài xung đột.
Nga và Ukraine đều "chơi bài" làm cho đối phương không còn sức chiến đấu: Cả Nga và Ukraine hiện đều chấp nhận rằng họ không thể đạt được đột phá lớn trên thực địa. Thay vào đó, họ đang tập trung vào chiến lược làm gián đoạn nguồn cung hậu cần của đối phương tới mức mà các lực lượng này không còn các phương tiện chiến đấu nữa.
Tổng thư ký NATO nói phương Tây phải “trả giá” để tránh kịch bản tệ nhất: Giữa bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine bước vào "giai đoạn quan trọng", phương Tây "phải trả giá" để tránh kịch bản tồi tệ nhất, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định. Cái giá của phương Tây cho việc ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến với Nga đang ở mức cao nhưng nó thậm chí có thể cao hơn nếu Nga mở rộng "hành vi gây hấn" của mình sang các quốc gia khác, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay, đồng thời đánh giá "cuộc chiến ở Ukraine đang bước vào giai đoạn quan trọng".
Châu Âu "nhận trái đắng" vì trừng phạt Nga: Việc Nga đóng đường ống dẫn Dòng chảy phương Bắc 1 vô thời hạn khiến giá điện và khí đốt ở châu Âu tăng cao. Điều này đặt EU trước sức ép phải tìm giải pháp khẩn cấp khi mùa đông đang đến gần.
Tổng thống Putin nói chiến dịch ở Ukraine khiến Nga chỉ "được" chứ không "mất": Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và những tác động toàn cầu của nó sẽ chỉ mang lại lợi ích cho Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định tại Diễn đàn kinh tế phương Đông ở Vladivostok. Khi được hỏi về những gì Nga được và mất trong chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine vào cuối tháng 2, Tổng thống Putin khẳng định Nga đã không và sẽ không mất bất cứ thứ gì. Thay vào đó, chiến dịch này chỉ ngày càng củng cố chủ quyền của Nga.
Ukraine thừa nhận tấn công Crimea, cảnh báo chiến tranh hạt nhân Nga - phương Tây: Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Valeriy Zaluzhnyi thừa nhận nước này đứng sau các cuộc tấn công Bán đảo Crimea và cảnh báo không thể loại bỏ hoàn toàn khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân "hạn chế" giữa Nga và phương Tây.
Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích phương Tây vì theo đuổi chính sách khiêu khích Nga: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã chỉ trích phương Tây vì đã đánh giá thấp Nga và theo đuổi chính sách khiêu khích Moscow.
"Tôi có thể khẳng định rõ ràng rằng, theo tôi, thái độ của phương Tây với Nga là không đúng. Bởi vì phương Tây theo đuổi một chính sách dựa trên các hành vi khiêu khích", Tổng thống Erdogan nhận định.
Ông Erdogan cũng bình luận: "Tôi muốn nói với những người đánh giá thấp Nga rằng họ đang có những hành động sai lầm. Nga không phải là quốc gia có thể đánh giá thấp".
Binh sĩ Ukraine tiết lộ thiệt hại trong cuộc phản công ở Kherson: Một báo cáo của Washington Post đã chỉ ra những thiệt hại nặng nề của lực lượng Ukraine trong cuộc phản công tại Kherson. Các binh sĩ đã nói về những bất lợi mà quân đội Ukraine phải đối mặt ở mặt trận Kherson. Theo đó, Nga ngày càng có nhiều loại pháo tốt hơn, máy bay không người lái có thể hoạt động ở độ cao hàng km và radar phản lực có thể tấn công các mục tiêu của Ukraine trong vòng vài phút.
Tổng thống Zelensky: Ukraine sẽ chi 27,07 tỷ USD cho quốc phòng và an ninh: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 7/9 cho biết, ngân sách năm tới của nước này sẽ là ngân sách chiến tranh. Theo đó, Ukraine dành hơn 1.000 tỷ hryvnia (27,07 tỷ USD) cho chi tiêu quốc phòng và an ninh.
Ông Mahathir Mohamad nói NATO đã kích động Nga tấn công Ukraine: Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, 97 tuổi, đã đổ lỗi cho NATO kích động Nga tấn công Ukraine trong một loạt 17 tweet, nói rằng xung đột hiện nay bắt nguồn từ Chiến tranh Lạnh giữa Nga và các cường quốc phương Tây. Trước khi phải nhập viện hồi tuần trước, ông Mahathir đã sử dụng các cuộc phỏng vấn với báo chí quốc tế để chỉ trích NATO vì đã thúc đẩy người Ukraine chống lại Nga và chỉ trích Mỹ đang chống đối Trung Quốc với chuyến thăm đảo Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.
Lực lượng ly khai ở Donetsk nã pháo 152mm vào các vị trí của Ukraine: Hôm 7/9, các thành viên một đơn vị pháo binh của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng đã liên tục nã pháo vào vị trí của lực lượng Ukraine từ bên ngoài thành phố Donetsk.
Ukraine tìm sơ hở của Nga, dùng kế “điệu hổ ly sơn” để phản công mọi mặt trận: Trong chiến dịch phản công, lực lượng Ukraine sẽ tiến về Kherson trước tiên. Khi Nga bỏ trống các vị trí phòng thủ ở phía Nam và phía Đông để đối phó với quân đội Ukraine, Kiev sẽ đưa quân về Donbass và Kharkiv.
Trung Quốc tuyên bố cùng Nga và cộng đồng quốc tế thúc đẩy thế giới đa cực: Trước tuyên bố của Tổng thống Nga Putin, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, Bắc Kinh sẽ cùng cộng đồng quốc tế, trong đó có Nga thúc đẩy thế giới đa cực.
Ngoại trưởng Mỹ bất ngờ thăm Kiev để thể hiện sự ủng hộ cho Ukraine: AP đưa tin, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có chuyến thăm không chính thức tới Kiev. Mục đích của chuyến thăm là thể hiện sự ủng hộ của Mỹ cho Ukraine.
Bị trừng phạt, Nga bán dầu sang châu Âu bằng cách nào: Dù bị phương Tây áp đặt trừng phạt, nhưng Nga vẫn tiếp tục xuất khẩu dầu dầu mỏ sang châu Âu qua các tuyến hàng hải ngầm./.