8 dấu hiệu đường huyết cao đang 'tàn phá' các tạng trong cơ thể, có 1 cũng nên đi khám

Ngọc Minh |

Đái tháo đường là căn bệnh đang ngày càng gia tăng. Trong đó, đái tháo đường type 2 có liên quan tới chế độ ăn, lối sống và có thể phòng ngừa được.

Biến chứng nguy hiểm

Bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, tác động của insulin, hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protein, lipid, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.

TS. Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, cho biết theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2021, trên thế giới ước tính có khoảng 537 triệu người trưởng thành đang sống chung với bệnh đái tháo đường.

Dự đoán con số mắc đái tháo đường (ĐTĐ) sẽ tăng lên 783 triệu người vào năm 2045. Tuy nhiên, có đến một nửa số người bệnh không được chẩn đoán.

8 dấu hiệu đường huyết cao đang tàn phá các tạng trong cơ thể, có 1 cũng nên đi khám - Ảnh 1.

Kiểm tra đường huyết (ảnh minh hoạ)

Nhiều người đang sống với bệnh ĐTĐ type 2 trong một thời gian dài mà không nhận biết được tình trạng bệnh. Người bệnh chỉ được chẩn đoán khi đã có những biến chứng xuất hiện.

Theo ông Dương, cứ 5 giây lại có 1 người tử vong do đái tháo đường. Bệnh đái tháo đường cũng là nguyên nhân gây ra 6,7 triệu ca tử vong trong năm 2021, chủ yếu thông qua làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch.

Ở nhiều quốc gia, đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây mù loà, bệnh tim mạch, suy thận và cắt cụt chi. Cứ một trong 3 người bệnh đái tháo đường có biến chứng bệnh thận.

Tại Việt Nam, có khoảng gần 4 triệu người phải sống chung với căn bệnh đái tháo đường (năm 2021). Hầu hết trong số này là đái tháo đường type 2. Nhưng chỉ 1/3 số người mắc đái tháo đường được chẩn đoán phát hiện, tương đương hơn 2,5 triệu người mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán và phát hiện.

Ông Dương cho hay chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời bệnh đái tháo đường có thể phòng ngừa mù loà và giảm các hậu quả đối với người bệnh, gia đình và xã hội.

Sàng lọc các biến chứng bệnh đái tháo đường là một phần quan trọng của quản lý bệnh hiệu quả, bảo đảm sức khỏe tối ưu cho người bệnh.

Dấu hiệu của đái tháo đường

TS.BS.Trần Viết Thắng - Phó trưởng Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho hay các loại bệnh đái tháo đường khác nhau có những yếu tố nguy cơ khác nhau, từ yếu tố di truyền, tuổi tác, lối sống, chế độ ăn đến tình trạng sức khỏe.

Do đó, việc hiểu về các yếu tố nguy cơ gây đái tháo đường sẽ giúp chúng ta chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa bệnh.

8 dấu hiệu đường huyết cao đang tàn phá các tạng trong cơ thể, có 1 cũng nên đi khám - Ảnh 2.

Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tư vấn nâng cao kiến thức về đái tháo đường (ảnh M.T)

Các triệu chứng đái tháo đường điển hình bạn nên chú ý là:

- Đi tiểu thường xuyên hơn

- Cảm thấy rất khát

- Cảm thấy rất đói – ngay cả khi đang ăn

- Mệt mỏi nhiều

- Nhìn mờ

- Chậm lành các vết thương hoặc vết loét

- Giảm cân – ngay cả khi đang ăn nhiều hơn (đái tháo đường type 1)

- Ngứa ran, đau, hoặc tê ở tay hoặc chân (đái tháo đường type 2).

Người dân nếu có một trong những triệu chứng trên thì cần đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị sớm, hạn chế biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đối với người đã mắc đái tháo đường, nhiều trường hợp người bệnh cần sử dụng insulin để kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, nếu tiêm insulin không đúng kỹ thuật sẽ gây một số biến chứng cho người bệnh. Do vậy, bệnh nhân cần phải được hướng dẫn kỹ từ bác sĩ điều trị.

Khi được tiêm insulin đúng cách, người bệnh kiểm soát tốt đường huyết, tối ưu hóa hiệu quả điều trị, phòng ngừa các biến chứng.

Theo bác sĩ Thắng, với người bệnh đái tháo đường, việc theo dõi đường huyết liên tục chính là yếu tố then chốt giúp kiểm soát bệnh, giảm biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Phòng ngừa đái tháo đường

Các chuyên gia cho biết phần lớn các trường hợp đái tháo đường type 2 có thể phòng ngừa được bằng một lối sống sinh hoạt lành mạnh:

- Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 5 ngày mỗi tuần, mỗi lần tập ít nhất 30 phút;

- Giảm lượng carbohydrate tinh chế, bao gồm đường và các loại thực phẩm ngọt;

- Ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu;

- Duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu bị thừa cân béo phì;

- Không hút thuốc lá và hạn chế uống rượu bia;

- Kiểm soát các bệnh lý nền như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu;

- Kiểm tra đường huyết định kỳ mỗi 6 tháng đến 1 năm là cách đơn giản nhất để tầm soát đái tháo đường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại