6 sai lầm phổ biến nhất khi ăn uống làm huyết áp tăng cao: Dừng ngay nếu có

Trà My |

Dưới đây, một bác sĩ chỉ ra những sai lầm phổ biến nhất khi ăn uống có thể khiến huyết áp tăng cao.

Mới đây, một chuyên gia người Anh chia sẻ với tờ Express về các thói quen ăn uống có hại cho huyết áp.

Theo đó, bệnh tăng huyết áp có thể làm tổn thương các động mạch bằng cách giảm tính đàn hồi của động mạch, giảm lưu lượng máu và oxy đến tim, cuối cùng gây ra bệnh tim. Do đó, việc giữ cho huyết áp ổn định là rất quan trọng.

Thế nhưng, các sai lầm khi ăn uống có thể tạo điều kiện cho bệnh tăng huyết áp âm thầm phát triển.

Theo Tiến sĩ Sunni Patel, một huấn luyện viên sức khỏe tại Vương quốc Anh, có sáu sai lầm phổ biến khi ăn uống có thể dẫn đến cao huyết áp.

1. Tiêu thụ quá nhiều muối

Ăn quá nhiều muối hoặc natri có thể gia tăng áp lực và căng thẳng lên các mạch máu, dẫn đến tăng huyết áp.

Tiến sĩ Sunni cho biết: "Các loại thịt đã qua chế biến (chẳng hạn như thịt xông khói, xúc xích và thịt nguội), súp đóng hộp, thức ăn nhanh, đồ ăn nhẹ nhiều muối và các loại gia vị như nước tương và nước xốt salad, thường chứa nhiều natri".

"Hàm lượng natri dư thừa trong những thực phẩm này có thể gây căng thẳng cho các mạch máu".

Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) khuyến cáo chỉ nên ăn ít hơn sáu gram muối mỗi ngày.

6 sai lầm phổ biến nhất khi ăn uống làm huyết áp tăng cao: Dừng ngay nếu có - Ảnh 1.

Ăn quá nhiều muối hoặc natri có thể gia tăng áp lực và căng thẳng lên các mạch máu, dẫn đến tăng huyết áp.

2. Không ăn đủ kali

Kali có thể giúp chống lại tác hại của natri, giúp kiểm soát huyết áp của bạn.

Vị tiến sĩ cho biết: "Khi chế độ ăn của bạn thiếu kali, sự cân bằng natri-kali bị phá vỡ, có thể dẫn đến tăng khả năng giữ natri và tăng huyết áp".

Thực phẩm chứa nhiều kali bao gồm quả bơ, chuối, khoai tây, đậu, rau bina, trái cây sấy khô…

3. Uống quá nhiều rượu

Tiến sĩ Sunni cho biết: "Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng huyết áp bằng cách kích thích giải phóng các hormone làm co mạch máu, tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm và thúc đẩy quá trình giữ natri, tất cả những điều này đều góp phần làm tăng huyết áp".

NHS khuyên nam giới và nữ giới không nên uống quá 14 đơn vị cồn mỗi tuần một cách thường xuyên.

6 sai lầm phổ biến nhất khi ăn uống làm huyết áp tăng cao: Dừng ngay nếu có - Ảnh 2.

Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng huyết áp bằng cách kích thích giải phóng các hormone làm co mạch máu.

4. Ăn nhiều thực phẩm chế biến và chiên rán

Thực phẩm chứa nhiều chất béo không lành mạnh, muối và đường đều có thể góp phần làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Tiến sĩ Sunni cho biết: "Việc tiêu thụ thường xuyên những thực phẩm này có thể góp phần làm tăng huyết áp theo thời gian".

"Những chất béo không lành mạnh này có thể dẫn đến sự phát triển của chứng xơ vữa động mạch, làm giảm tính đàn hồi của động mạch và tăng huyết áp."

5. Ăn ít chất xơ

Có nhiều trong trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, chất xơ không chỉ có lợi cho chức năng đường ruột.

Tiến sĩ Sunni cho biết: "Chất xơ giúp giảm huyết áp bằng cách thúc đẩy quá trình tiêu hóa khỏe mạnh, giảm mức cholesterol và cải thiện chức năng mạch máu".

6 sai lầm phổ biến nhất khi ăn uống làm huyết áp tăng cao: Dừng ngay nếu có - Ảnh 3.

Có nhiều trong trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, chất xơ không chỉ có lợi cho chức năng đường ruột.

6. Tiêu thụ quá nhiều caffeine

Tiêu thụ quá nhiều caffeine (có trong trà, cà phê hoặc các loại nước như nước tăng lực…) có thể làm tăng huyết áp tạm thời bằng cách kích thích giải phóng các hormone gây căng thẳng như adrenaline.

Trước đây, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nutrients đã phát hiện ra rằng uống cà phê có thể dẫn đến sự gia tăng huyết áp "cấp tính".

Tiến sĩ Sunni cho biết thêm: "Tuy nhiên, tác dụng lâu dài của caffeine đối với huyết áp vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi".

Theo Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ (văn bản chính thức của Bộ Nông nghiệp Mỹ và Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ), mức cà phê an toàn cho hầu hết mọi người là 3-5 tách cà phê mỗi ngày với tổng lượng caffeine tối đa là 400 mg.

Hàm lượng caffeine trong mỗi cốc có thể thay đổi tùy thuộc vào loại cà phê, nhưng một cốc cà phê 240 ml trung bình có 95 miligam caffeine.

(Nguồn: Express)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại